06/06/2012 06:20 GMT+7

Làm gì với di tích khi có tiền?

H.HƯƠNG
H.HƯƠNG

TT - Không đau đầu vì thiếu tiền tu bổ như nhiều di tích đang xuống cấp khác, di tích gò Đống Đa (Q.Đống Đa, Hà Nội) có hẳn một đơn vị tài trợ, chưa kể đến các tập thể, cá nhân khác.

Đau đầu lại là chuyện khác khi hai phương án tu bổ - phục dựng miếu Trung Liệt hoặc xây thêm đền thờ vua Quang Trung - đều vấp phải những ý kiến không đồng thuận của giới khoa học.

Phục dựng miếu Trung Liệt trên gò không ổn, mà xây thêm một đền thờ vua Quang Trung cũng không hẳn là hay. Nếu làm không cẩn thận - theo lời một nhà sử học - thì di tích vài trăm năm cũng biến thành di tích một năm. Điều này nghe qua có vẻ phi lý nhưng lại là nguy cơ treo lơ lửng khi việc phục dựng đang lan rộng trong cả nước như một phong trào.

Dự án “Tu bổ, tôn tạo di tích gò Đống Đa, Hà Nội” do Viện Bảo tồn di tích tư vấn, đưa ra hai phương án để lấy ý kiến rộng rãi trước khi đi vào thực hiện. Một cuộc hội thảo cũng đã được tổ chức ngay tại gò Đống Đa ngày 4-6. Phương án thứ nhất tập trung vào việc phục dựng miếu Trung Liệt tại vị trí nền cũ trên đỉnh gò Đống Đa bên cạnh cải tạo cảnh quan khu vực xung quanh.

Tuy nhiên, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: miếu Trung Liệt trên gò chẳng ăn nhập gì tới vua Quang Trung và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đây là ngôi miếu thờ trung thần nhà Nguyễn và bị phá bỏ cách đây nhiều năm. Kiến nghị của nhà sử học này là giữ nguyên hiện trạng trên gò Đống Đa chứ không nên phục dựng.

Thay vì phục dựng miếu Trung Liệt là dựng một lầu bát giác và xây mới đền thờ vua Quang Trung cạnh tượng đài hiện nay là phương án cũng chưa nhận được sự đồng thuận. PGS Đặng Văn Bài cho rằng nếu xây cũng phải bàn kỹ, có nên mở rộng quy mô và làm lớn không. Một kiến trúc sư khi được tham vấn chuyện này thì cười cho rằng: mọc ra một cái đền ắt phải tính đến chuyện giao thông. Vì người Việt mình cứ chỗ nào có chùa là đông nghịt, giải quyết vấn đề tắc đường cũng đủ mệt rồi. “Đền nhỏ nhỏ thì không sao chứ nếu to là ảnh hưởng đến cảnh quan ngay. Mà nên nhìn bài học ở ngôi chùa gần đó, đông đúc, chật chội, nhiều khi người đi chùa còn phải ngồi trên cả cầu vượt” - vị kiến trúc sư này nói.

Trong một trao đổi bên lề, một nhà khoa học từng có thâm niên trùng tu di tích cho rằng: “Rõ ràng tượng vua Quang Trung đặt ở đó để kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Nhưng có nhất thiết phải xây một ngôi đền để người dân đến hương khói trong khi ở dưới chỉ có xương cốt của quân xâm lược nhà Thanh?”.

Có lẽ mục tiêu của xây đền là muốn “thiêng hóa” một địa chỉ lịch sử - văn hóa xưa nay vốn “mang tiếng” là nhếch nhác. Cổng phía Tây Sơn nhiều năm nay được trưng dụng thành bãi giữ ôtô, chỗ vui chơi, còn trên gò thì có đủ chuyện chích hút của dân nghiện ngập, các đôi thanh niên đưa nhau lên tình tự...

Nhưng có lẽ cũng không nên đẩy khu di tích này sang “cực” khác với mong muốn xóa bớt những hình ảnh chướng mắt.

Một cách văn minh và đỡ tốn kém hơn là nên giữ nguyên các phối cảnh hiện trạng trên gò Đống Đa. Có hẳn một nguồn vốn, tại sao không cải tạo cảnh quan xung quanh, dẹp bỏ những nhếch nhác, tệ nạn và biến gò Đống Đa thành một công viên lịch sử văn hóa? Xây thêm một ngôi đền mới tinh hay phục dựng một ngôi đền đã bị phá bỏ không hẳn là cách duy nhất để tri ân với lịch sử và quá khứ. Và chắc hẳn cũng không phải là cách “tiêu tiền” duy nhất ở các di tích.

H.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên