A. Lý do khiến trẻ có thói quen văng tục:
Phóng to |
Ảnh minh họa |
1. Để trông giống người lớn:
Khi người lớn văng tục, trẻ nhận thấy giọng điệu lời nói chợt vút cao thu hút sự chú ý của người khác, rồi lại có người phản ứng lại, cảm xúc bộc phát... Trẻ bắt chước sử dụng những từ lóng (văng tục) để xem chúng có thể tạo ra một không gian “nóng” như vậy không và nhận được một sự “tôn trọng tưởng tượng” như chúng nghĩ hay không.
2. Để gây chú ý:
Khi trẻ dùng các từ ngữ xấu làm người lớn giật mình và phản ứng tức khắc, chúng nhận ra rằng việc đó quả có một “sức mạnh” lớn lao.
3. Để chứng tỏ sự độc lập:
Trẻ cố gắng chứng minh rằng chúng tách biệt khỏi cha mẹ, cũng như cha mẹ không thể điều khiển chúng hoàn toàn. Vì bạn có thể không điều khiển được những gì xuất phát từ miệng của chúng, trẻ có thể sử dụng cách thức này như một hình thức “nổi loạn”.
4. Để nhập bọn cùng “đàn anh”:
Nếu bạn bè xung quanh trẻ có thói quen văng tục và cho rằng như thế mới “thời thượng”, trẻ sẽ bắt chước theo để có thể hòa nhập vào đám bạn.
5. Để bắt chước những gì chúng thấy trên truyền hình:
Trẻ con rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thói quen xấu từ môi trường xung quanh. Nếu chúng có một “thần tượng” hay sử dụng những từ lóng hoặc văng tục, chắc chắn chúng sẽ bắt chước theo.
B. Giải pháp khắc phục thói xấu này:
Bước đầu tiên là bạn nên xem lại những lý do nào khiến trẻ văng tục. Một khi bạn biết được đó là lý do gì, bạn có thể sử dụng một hay nhiều cách thức sau để khắc phục thói quen xấu này nơi trẻ:
1. Tỏ ra bình tĩnh trong giới hạn:
Thông thường, cha mẹ sẽ cảm giác bị sốc khi lần đầu tiên nghe trẻ văng tục. Tuy nhiên, phản ứng đó của cha mẹ sẽ khiến trẻ lặp đi lặp lại những từ ngữ xấu này. Một phương pháp đơn giản, trầm tĩnh sẽ mang lại hiệu ứng tốt hơn. Bạn có thể nói với trẻ rằng những từ ngữ xấu như vậy không dành cho trẻ con.
Nếu trẻ vẫn không nghe lời, hãy chọn thời điểm thích hợp biểu lộ cho trẻ thấy cảm giác của bạn đối với những lời như thế và đặt ra những giới hạn đối với trẻ. Hãy nói cho trẻ hiểu tại sao người ta lại văng tục, những từ lóng ấy mang ý nghĩa gì, và giải thích cho trẻ tại sao gia đình lại không chấp nhận con cái sử dụng những loại ngôn ngữ như thế. Tăng cường biện pháp kỷ luật nghiêm khắc nếu trẻ vẫn tái phạm.
2. Dạy cho trẻ các cách biểu lộ cảm xúc khác tích cực hơn:
Một vài trẻ gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc tức giận của mình. Các trẻ này cho rằng chỉ có chúng mới tức giận kiểu đó và tức giận như vậy là một hành động xấu và sai. Hãy cho trẻ được biểu lộ cảm xúc tức giận của mình trong một giới hạn cho phép, ví dụ khi trẻ buồn bực vì bị cha mẹ phạt, hãy bảo trẻ: “Nếu con còn tức giận, hãy vào phòng mình, đóng cửa lại, từ từ suy nghĩ”.
Nếu trẻ dậm chân và lao vào phòng, bạn cũng đừng la mắng trẻ; đó là một cách tích cực để biểu lộ cảm xúc của trẻ vào thời điểm đó. Nếu trẻ chửi thề trước mặt bạn, hãy đề nghị giải pháp thay thế, chẳng hạn như: “Ba/Mẹ không thể chấp nhận kiểu ăn nói như thế. Thay vì vậy, con có thể nói rằng con đang tức giận hay là con không đồng ý với ba/mẹ".
3. Mong đợi những gì thực tế:
Bạn sẽ phản ứng ra sao khi tức giận? Thật không công bằng khi buộc trẻ phải phản ứng nhẹ nhàng, hòa nhã khi chúng đang tức giận. Bạn cần hướng dẫn trẻ cũng như làm gương cho chúng thấy cách nào là đúng khi muốn biểu lộ tức giận. Hãy để trẻ biểu lộ cảm xúc của mình (có thể ồn ào đấy!). Biểu lộ tức giận ồn ào nhưng không văng tục hay có những hành vi bạo lực là có thể chấp nhận được.
4. Có lời khen khi trẻ có thái độ, hành vi thích hợp:
Khi thấy trẻ biểu lộ sự tức giận theo một cách thích hợp, đừng quên ghi nhận điều đó (chớ nói với trẻ lúc chúng đang tức giận, hãy nói với trẻ sau đó!). Bạn có thể khen trẻ đại loại như: “Cách con phản ứng với sự tức giận như vậy mới ra dáng người trưởng thành, con trai ạ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận