Mẹ T. kể lại ở nhà đang chuẩn bị cơm chiều, bé T. lẫm chẫm đi quanh nhà, chẳng ngờ bé đến bàn thờ ông Địa, chỗ có chai nước suối nhỏ đựng dầu lửa, tự nhiên bé ho sặc sụa và khóc ngất, thở không nổi. Nhìn thấy con với chai dầu lửa lăn lóc dưới đất, mẹ T. hoảng hốt đưa tay vào miệng T. móc để bé ói ra, không ngờ bé càng ho và càng khó thở, mặt mày tím ngắt nên gia đình vội vã đưa bé vào bệnh viện.
Nghe bà mẹ kể, bác sĩ cấp cứu nói: “Chị đưa cháu vào bệnh viện ngay là rất tốt. Tuy nhiên chị cấp cứu cháu bằng cách móc họng là rất sai. Vì khi móc họng cháu ói ra dầu lửa, dầu lửa là chất bốc hơi nên làm cháu hít sặc vào phổi, gây ngạt thở và viêm phổi, tình trạng càng nguy hiểm hơn.
Cách cấp cứu đúng là đưa cháu vào bệnh viện gần nhất để bác sĩ giúp cháu thở thông thoáng. Chị cho cháu tạm nhịn ăn, nhịn uống, nhất là không cho uống sữa hoặc ăn thức ăn có dầu mỡ, khi nào ổn định bác sĩ sẽ cho cháu ăn uống lại từ từ. Thức ăn thức uống sẽ làm dầu lửa nổi lên, trào ngược ra ngoài hoặc tan vào mỡ rồi thấm nhanh vô máu thì rất nguy hiểm!”.
Trong ngộ độc chất bay hơi như xăng, dầu lửa, dầu bóng... khi cấp cứu không được rửa dạ dày, không dùng than hoạt như những loại ngộ độc khác, vì khi rửa dạ dày sẽ làm dầu lửa vốn nhẹ hơn nước bốc lên, em bé sẽ hít sặc vào phổi, than hoạt thì không có tác dụng.
Thầy thuốc có thể đặt ống thông vào dạ dày để rút dịch dạ dày ra ngoài, trong đó có dầu lửa. Vì vậy, bà con lưu ý nếu bé uống nhầm dầu lửa nên đưa bé đến bệnh viện gần nhất. Khi để dầu lửa, xăng... trong nhà phải hết sức cẩn thận nhằm tránh cháy nổ, để xa tầm tay trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận