04/06/2014 01:19 GMT+7

Làm gì khi chẳng may hóc xương?

BS PHAN QUỐC BẢO (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM)
BS PHAN QUỐC BẢO (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM)

TT - Hóc xương (gà, vịt, cá, heo...) là tai nạn sinh hoạt thường gặp tại các phòng khám tai mũi họng.

Trước khi đến gặp bác sĩ, nhiều bệnh nhân thử các cách được truyền miệng trong dân gian xưa nay: nuốt chuối, nuốt cơm, nuốt rau, ngậm vỏ cam vỏ bưởi hay thậm chí bằng các phương pháp nghe rất “thần bí” như nhờ người đẻ ngược vuốt cổ, xoay muỗng đũa trên bàn ăn, xoay cành cây trên lối đi hoặc vẽ “bùa” lên cổ... Tất nhiên vì vẫn không xử lý được nên cuối cùng họ phải nhờ bác sĩ giúp! Vậy nên làm gì khi chẳng may bị hóc xương?

Trên quan điểm khoa học, ngoại trừ những lúc biết chắc chắn chỉ bị hóc xương rất nhỏ và đơn giản thì có thể thử nuốt các thứ hỗ trợ để xương được kéo ra theo. Tuy nhiên cách này khá mạo hiểm vì có khả năng làm xương cắm vào họng sâu hơn hoặc rơi xuống thấp hơn (do vậy bác sĩ sẽ khó lấy hơn). Riêng các phương pháp “thần bí” nói trên thì hoàn toàn phản khoa học và không nên mất thời gian với chúng! Với các xương to hoặc sắc nhọn thì nguy cơ chúng gây thủng mạch máu, thủng thực quản rất lớn, nên càng không được trì hoãn việc nhờ bác sĩ can thiệp. Từng có nhiều bệnh nhân vì hóc xương to, bén nhọn hoặc hóc xương để lâu ngày mà bị ápxe, thủng động mạch, thậm chí xương chui vào lồng ngực gây ápxe trung thất, ápxe màng phổi... Những trường hợp này tỉ lệ tử vong rất cao, ngay cả khi được cấp cứu ở các bệnh viện lớn!

Tóm lại, khi đã nghi ngờ bị hóc xương, nếu xương nằm ở phía ngoài có thể thấy rõ bằng mắt thường thì nhờ người thân dùng kẹp nhẹ nhàng gắp ra.

Ngoài trường hợp này thì:

- Ngay lập tức ngưng ăn và không nên cố nuốt bất cứ thứ gì (để mong đẩy xương xuống).

- Có thể tìm cách nôn ọe càng sớm càng tốt nhưng tránh móc họng thô bạo quá hoặc nôn quá nhiều vì sẽ làm thanh quản phù nề (gây ngạt thở, nhất là với trẻ em).

- Đến gặp bác sĩ tai mũi họng càng sớm càng tốt. Với đèn soi hoặc máy nội soi và các dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ tai mũi họng sẽ giúp xử lý tình trạng hóc xương một cách an toàn nhất.

BS PHAN QUỐC BẢO (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên