10/08/2021 09:49 GMT+7

Lại rục rịch nghiên cứu áp giá sàn vé máy bay

C.TRUNG
C.TRUNG

TTO - Các chuyên gia cho rằng áp giá sàn cho vé máy bay là không hợp lý, triệt tiêu cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng bay, mất cơ hội chọn lựa vé rẻ của khách hàng.

Lại rục rịch nghiên cứu áp giá sàn vé máy bay - Ảnh 1.

Các chuyên gia lo ngại việc áp giá sàn sẽ tước đi cơ hội giá rẻ của người tiêu dùng, cản trở việc phục hồi đi lại sau dịch COVID-19 - Ảnh: C.T.

Việc áp giá sàn đồng loạt là triệt tiêu tự do cạnh tranh của thị trường. Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia hàng không)

Nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết theo kế hoạch, đầu tháng 8-2021 các hãng hàng không nội địa báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về việc chấp hành Luật giá, Luật cạnh tranh trên cơ sở Vietnam Airlines (VNA) tiếp tục đơn phương tái đề nghị nâng mức giá trần và áp dụng giá sàn, khung giá vé máy bay.

Đề xuất này từng được hãng đưa ra hơn ba năm trước, nhưng không được chấp thuận.

Để có cơ sở nghiên cứu, áp giá sàn, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam sẽ tập trung làm rõ vấn đề chấp hành 2 luật nói trên. 

"Buffet vé rẻ" sẽ không còn

Từ đề nghị áp giá sàn vé máy bay của VNA, ngày 14-7 Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng VNA, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines báo cáo tổng quan tình hình kinh doanh từ năm 2019 đến 4 tháng đầu năm 2021. 

Các hãng phải liệt kê đầy đủ cơ cấu chi phí và doanh thu vận chuyển hàng không tất cả đường bay nội địa. Tình hình thực hiện kê khai và niêm yết, các chương trình ưu đãi, khuyến mãi giá vé...

Thực tế tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng không phủ màu xám hiu hắt khi phần lớn máy bay phải "đắp chiếu", các hãng kiệt quệ dòng tiền và tha thiết chờ được hỗ trợ.

Nhiều đại lý bán vé máy bay cho rằng việc khuyến mãi giá vé kể cả 0 đồng, khách vẫn chưa mặn mà chọn lựa cho việc đi lại sắp tới. Nếu áp giá sàn, tức là phải mua vé với mức bằng hoặc cao hơn giá thành của các hãng hàng không, chắc chắn quyền lợi của khách hàng chọn lựa vé rẻ sẽ không còn, nhu cầu đi lại sẽ không phục hồi sau dịch.

Chị Nguyễn Thanh Hằng - giám đốc Công ty truyền thông VP (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - cho biết trong thời gian qua khách hưởng lợi từ các chương trình "buffet vé rẻ" từ 0 đồng, 8.000 - 49.000 đồng/vé (chưa bao gồm thuế phí) kích thích nhu cầu săn vé và đi lại rất nhộn nhịp. Tùy theo nhu cầu của khách để chọn hãng, giá vé tương tự như chọn khách sạn 3, 4, 5 sao để lưu trú.

"Khi có nhu cầu bay từ TP.HCM - Hà Nội, cùng thời điểm VNA bán giá 2,5 triệu đồng, Bamboo Airways tầm 2,3 triệu đồng, Vietjet 1,2 đến 1,7 triệu đồng, để tiết kiệm chi phí tôi sẽ chọn hãng bay nào có giá rẻ hơn. VNA không có quyền áp đặt giá chung cho toàn thị trường, điều này tước quyền chọn lựa của khách hàng khi mức chi tiêu thắt chặt, túi tiền người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19" - chị Hằng nói.

Theo các hãng bay, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại "hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ, theo thời điểm". Hiện nay dải vé máy bay trải dài 10-15 mức giá phù hợp theo từng chuyến bay, thời gian bay. Đối với những chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn, có kế hoạch đặt vé sớm sẽ có giá vé tốt.

Hơn nữa, mỗi hãng có chiến lược kinh doanh, phân khúc và dịch vụ khách hàng khác nhau. Có hãng sử dụng dịch vụ 4 sao, hãng khác dùng chiến lược giá rẻ thâm nhập thị trường. Thị trường hàng không sôi động, phát triển trong thời gian qua, người dân đa dạng chọn lựa theo nhu cầu, phù hợp với túi tiền của mình và nhờ có vé rẻ, hàng không trở nên phổ cập.

Ở góc độ du lịch, theo ông Từ Quý Thành - tổng giám đốc Công ty du lịch Liên Bang (quận 1, TP.HCM), việc áp giá sàn hoặc khung vé máy bay là phi thị trường. Việc áp mức giá sàn sẽ khiến chi phí vé máy bay tăng lên, từ đó đẩy giá thành tour tăng theo. Nếu áp dụng giá sàn, việc phục hồi của ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Thực tế mỗi hãng có phân khúc khách hàng, thị phần nhất định như dòng khách bình dân, trung cấp hoặc cao cấp. Các hãng có thể cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ ưu tiên... thay vì đề xuất áp giá sàn vé máy bay để tạo lợi thế nghiêng về một hãng nào đó, ảnh hưởng đến quyền lợi và thiệt thòi cho khách hàng" - ông Từ Quý Thành nói.

Lại rục rịch nghiên cứu áp giá sàn vé máy bay - Ảnh 3.

Hành khách đi lại ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ảnh chụp tháng 6-2021) - Ảnh: C.T.

Không nên đặt ra "hàng rào" giá vé

Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ lý do tái đề xuất áp giá sàn, lãnh đạo VNA cho biết để chỉnh mức giá sàn là trên cơ sở mức phí khai thác hợp lý của hàng không, đảm bảo các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Đây là bài toán để các hãng bay không giẫm đạp lên nhau, giảm bớt cạnh tranh để tự làm yếu mình. 

Theo VNA, thực trạng cuộc chiến hạ giá vé đang khiến hãng bay cùng chết chìm. Để duy trì hoạt động, giành thị phần khách, các hãng liên tục hạ giá bán xuống thấp để lấy dòng tiền, dẫn tới cạnh tranh tiêu cực, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán.

Đây là một trong những lý do VNA kiến nghị áp giá sàn chung cho các hãng hàng không, dù các hãng khác và chuyên gia lên tiếng không đồng tình vì làm méo mó kinh tế thị trường, triệt tiêu cạnh tranh. Hơn nữa, hiện luật pháp đã quy định rõ nếu hãng nào vi phạm Luật giá, Luật cạnh tranh thì sẽ bị chế tài, không thể vì thất thế của một hãng mà phá bỏ thành quả tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng mà Đảng, Nhà nước đã kiên trì thực hiện trong hàng thập niên qua.

Tới thời điểm này, ngành hàng không khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng VNA là hãng duy nhất được vay 4.000 tỉ đồng với lãi suất 0% từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi các hãng bay tư nhân đang vật lộn với tình trạng kiệt quệ tài chính và chưa nhận được hỗ trợ vay vốn.

Một lãnh đạo hãng bay cho rằng mỗi chuyến bay có nhiều mức giá khác nhau để người tiêu dùng chọn lựa. Giá vé máy bay linh động là "mồi kích thích" để phục hồi việc đi lại sau dịch của người dân, kéo theo sự "hồi sinh" của các ngành khác như du lịch, nhà hàng, khách sạn, thương mại, đầu tư... 

Việc áp dụng chung giá sàn khiến khách hàng không có sự chọn lựa phù hợp với nhu cầu. Với hãng bay, đây là sự cạnh tranh không lành mạnh, bóp nghẹt phát triển của đối thủ.

"Đã tham gia thị trường thì phải nghĩ đến quyền lợi chung của khách hàng và nền kinh tế. Áp giá sàn chính là hình thức hạn chế các chương trình kích cầu đầu tư, du lịch, dịch vụ..., cản trở phục hồi kinh tế cũng như đi lại của người dân" - vị này nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cho rằng áp giá sàn là không hợp lý, hãng muốn mượn cơ quan quản lý để triệt tiêu sức cạnh tranh của các đối thủ. Khi người dân không còn được bay giá rẻ, quyền lợi của họ còn được đảm bảo không? Hàng không VN đang có 6 hãng bay chở khách, riêng VNA có tới 3 hãng (Vienam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) và hàng loạt công ty con về logistics, suất ăn, mặt đất...

Trong Luật cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Với quy mô, lợi thế của VNA, ông Tống cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh của chính VNA.

Theo Luật giá năm 2012, giá vé máy bay không nằm trong danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 điều 5 Luật giá, "Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật".

Ở các nước phát triển không quy định khung giá vé máy bay như VN. Nếu áp dụng giá sàn vé máy bay thì đây là hành vi trái với Luật giá và Luật cạnh tranh, đi ngược với chính sách, môi trường cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế thị trường.

Trước đó vào đầu tháng 4, VNA đã đề xuất áp giá trần sẽ tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.

Khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, quy định giá trần theo cự ly của từng đường bay.

Giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá vé 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều tùy cự ly, chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức, thông thường có từ 10 - 15 mức, tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.

Có nên Có nên 'thả nổi' giá vé máy bay để các hãng tự quyết định?

TTO - Bỏ quy định giá trần vé máy bay trên đường bay nội địa, liệu có giúp hãng bay tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ hay các hãng sẽ "bắt tay" tăng giá vé, đẩy phần thiệt thòi cho khách hàng?

C.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên