![]() |
Là một trong những người đang hoạch định chiến lược phát triển cho Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Lê Hải Trà cho rằng cái giỏi của nhà quản lý thị trường là phải đưa ra những quyết sách có thể “cầm cương” con lạc đà này mà vẫn không làm chậm lại những bước sải mạnh mẽ của nó.
Đầu tư bằng thông tin “miễn phí”
![]() |
Trong năm 2007, mặc dù được chờ đón nhưng sự kiện đấu giá cổ phần lần đầu của Vietcombank là một trong những nguyên nhân khiến thị trường ảm đạm vào cuối năm - Ảnh: Thanh Đạm |
VN-Index “mở hàng” đầu năm ở mức 750 điểm, trải qua nhiều thăng trầm đã trở về lại ngưỡng 950 điểm vào cuối năm, tăng gần 27% so với cuối năm 2006. Lê Hải Trà phân tích: “Nếu nhìn vào sự thay đổi này của VN-Index, với một nhà đầu tư không biết “lướt sóng”, chỉ mua chứng khoán đầu năm và bán ra cuối năm cũng lời được trên 30%.
Lợi nhuận gộp tính ra còn cao hơn do họ còn hưởng các khoản khác như cổ tức, cổ phiếu thưởng”. Thế nhưng, không ở đâu nhà đầu tư cá nhân lại thích sử dụng thông tin “miễn phí” để ra quyết định đầu tư như ở thị trường chứng khoán VN. Những báo cáo phân tích của các định chế tài chính quốc tế được photo chuyền tay nhau như một thứ cẩm nang quí giá. Trên thực tế, số nhà đầu tư tìm đến dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, chịu khó bỏ tiền mua thông tin phân tích và xem nó như là một loại chi phí bắt buộc hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cũng chưa có ở đâu, các cổ đông đại chúng, những ông chủ thật sự của công ty, lại được đối xử “dưới tầm” như ở thị trường này. Theo Lê Hải Trà, mặc dù điều này đã được cải thiện trong vòng một năm qua khi một số cuộc đại hội đồng cổ đông đã trở thành những cuộc chất vấn căng thẳng, nhưng đa số công ty vẫn chưa đối xử với cổ đông đúng tư cách của những người chủ. Chuyện ì xèo nhất trong năm qua là ban lãnh đạo nhiều công ty (đồng thời là cổ đông lớn) ra sức ép cổ đông nhỏ trong các giao dịch liên quan đến giá trị cổ phiếu. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa công ty niêm yết và cổ đông đại chúng cần phải dựa vào nền tảng quản trị công ty minh bạch mới có thể đạt được sự cải thiện nào đó trong năm tới.
Tương lai có lặp lại quá khứ?
Thị trường chứng khoán năm 2008 sẽ như thế nào? Liệu cái chóp bướu cao nhất của con lạc đà (1.170,67 điểm ngày 12-3-2007) có thể nhô lên trở lại sau đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Ngân hàng Vietcombank vào cuối năm 2007? Lê Hải Trà cho rằng mọi dự đoán đều chỉ là dự đoán, vì nếu khẳng định được thì thị trường chứng khoán mất đi bản chất rủi ro vốn có của nó.
Năm 2008, sự cạnh tranh và phân hóa giữa các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục diễn ra khốc liệt và mạnh mẽ hơn. Những công ty nào chú trọng đầu tư vào hạ tầng công nghệ và chất lượng dịch vụ sẽ có cơ hội thu hút được những khách hàng đang ngày càng trở nên khó tính.
Theo lộ trình của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, dự án cổng kết nối giao dịch điện tử sẽ tiếp tục đẩy mạnh để đến cuối quí 1-2008, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ cho phép các công ty chứng khoán đã đầu tư những giải pháp công nghệ hiện đại có thể chuyển lệnh trực tiếp vào hệ thống máy chủ giao dịch thay vì nhập lệnh thủ công tại sàn như hiện nay. Nhà đầu tư cũng sẽ được cung cấp các tiện ích như giao dịch tại nhà, qua Internet, hay từ điện thoại di động... một cách dễ dàng hơn. Đây sẽ là một trong những tiền đề quan trọng để tính xã hội hóa của thị trường chứng khoán ngày càng cao trong nền kinh tế VN.
Năm 2008 cũng sẽ là năm Sở Giao dịch chứng khoán đi đến quyết định đầu tư cho một nền tảng hạ tầng công nghệ thế hệ mới. Cùng với nỗ lực kiện toàn bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực và hệ thống qui trình tác nghiệp, Sở Giao dịch chứng khoán đang hướng tới một sự thay đổi thật sự từ hệ thống công nghệ bên trong, thay vì chỉ dừng lại ở việc thay “áo khoác” từ Trung tâm Giao dịch chứng khoán lên thành Sở Giao dịch chứng khoán vào tháng 8-2007.
* Năm 2007 là một năm kịch tính và sôi động nhất của thị trường chứng khoán VN trong vòng tám năm qua. Kịch tính ở chỗ nhiều kỷ lục liên tiếp được lập, như VN-Index đã đạt đến đỉnh cao 1.170,67 điểm, giao dịch một phiên của sàn TP.HCM lên đến gần 2.000 tỉ đồng, sàn Hà Nội gần 800 tỉ đồng… Thị trường sôi động hơn hẳn do qui mô tăng vọt so với cuối năm 2006, trong đó số lượng công ty chứng khoán và số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng gấp ba lần và giá trị thị trường của riêng sàn chứng khoán TP.HCM vọt hơn gấp đôi lên 21 tỉ USD, bằng 1/3 GDP cả nước. * Năm 2007 cũng là năm đầu tiên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM áp dụng phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục, dẫn đến tỉ lệ thành công các lệnh đặt của nhà đầu tư tăng lên trên 60% so với mức 40% ở thời kỳ khớp lệnh định kỳ. Chính sự thay đổi này đã tạo tiền đề cho giá trị giao dịch tăng lên chóng mặt qua từng phiên. TS Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng vụ chiến lược phát triển Ngân hàng Nhà nước: “Vốn ở đâu mà quá trời luôn” Chưa bao giờ VN đứng trước một cơ hội huy động vốn dễ dàng như năm 2007. Theo cách diễn tả của nhiều người là “vốn ở đâu mà quá trời luôn” khi hàng tỉ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài liên tục đổ vào VN. Nhớ lại, chỉ mới cách đây vài năm, Chính phủ chật vật lắm mới kêu gọi đủ vốn cho các dự án đầu tư trọng điểm. Ở góc độ của một người dân bình thường có một chút tiền nhàn rỗi, câu hỏi họ thường đặt ra là khi vốn ngoại tràn vào VN, nên giữ USD hay VND. Bản thân tôi cho rằng lúc nào gửi tiền đồng cũng là có lợi nhất. Lạm phát có cao nhưng cũng chỉ là tạm thời, còn lãi suất VND tăng là có thể nhìn thấy trong dài hạn. Vả lại, bạn có thể gửi tiết kiệm bằng USD nhưng đến lúc cần chi xài cũng phải đổi sang VND, lại mất thêm một khoản cho chênh lệch tỉ giá. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận