Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ cộng với “ma men” đưa đường dẫn lối, 5 bị cáo đã truy đuổi đối thủ tới tận nhà, chém cả những người đứng ra can ngăn.
Tại tòa, vợ bị hại liên tục khóc nức nở. Vài tuần trước, khi nhận được giấy triệu tập của tòa án, chị tỉ mẩn viết tâm sự của mình ra giấy. Chị chậm rãi đọc lại bức thư kể tội những kẻ đã gây ra cái chết cho chồng mình, đồng thời kể về cuộc sống khó khăn của mình và con từ khi mất chồng.
Chị là Lữ Thị Phượng, vợ anh Trần Văn Sĩ (38 tuổi), người bị nhóm côn đồ giết chết vì đứng ra bênh vực người cháu ruột.
Vợ mất chồng, con mất cha
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Tháp, Lê Thành Nhân, Lê Minh Tiến, Phạm Văn Hiếu, Lê Văn Minh và Hà Văn Vũ là bạn bè, thường xuyên đi chơi với nhau.
Ngày 24-10-2015, cả nhóm cùng một số người bạn về nhà Minh ở xã Định Yên (huyện Lấp Vò) tổ chức nhậu. Sau đó, cả nhóm đi hát karaoke. Lúc này, nhóm của anh Trần Văn Đô hát trong phòng kế bên phòng của nhóm Hiếu.
Một lúc sau, Hiếu ra ngoài, lúc quay lại thì đi nhầm vào phòng của nhóm anh Đô nên phát sinh mâu thuẫn, cãi nhau giữa Hiếu và nhóm của anh Đô. Tức mình, nhóm của Hiếu về nhà lấy dao đi tìm nhóm của Đô giải quyết mâu thuẫn.
Bắt gặp Đô trên đường, nhóm Hiếu đuổi theo truy sát. Lúc này anh Trần Văn Sĩ đang đứng ở thềm nhà liền cầm một khúc cây lao ra giải vây cho cháu (Đô gọi anh Sĩ bằng cậu ruột). Thấy vậy nhóm của Hiếu dùng dao đâm nhiều nhát vào đầu anh Sĩ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Trước tòa, chị Phượng kể anh Sĩ thường đi làm mướn còn chị trông nom, quán xuyến nhà cửa, con cái.
Mấy năm chịu khó làm ăn vợ chồng anh Sĩ cũng tích cóp được số vốn, dự định sẽ mua miếng đất nhỏ cạnh nhà trồng lúa cho bớt cơ cực nhưng ngờ đâu biến cố xảy ra khiến mọi dự định ban đầu đổ vỡ. Nghe tin anh Sĩ bị đâm chết, chị ngã quỵ bất tỉnh.
Trong bức thư đọc trước tòa, có đoạn chị viết: “Họ đã cắt đứt vĩnh viễn tình nghĩa, hạnh phúc vợ chồng, biến tôi thành góa phụ. Chính họ cũng tước đi tình phụ tử, các con tôi phải chịu cảnh mồ côi cha. Từ đây trong những ngày khôn lớn nó sẽ sống thiệt thòi vì thiếu vắng tình cảm và sự che chở của cha...”.
Theo chị Phượng, từ khi anh Sĩ mất gánh nặng mưu sinh đè hết lên vai chị. Không có ruộng đất lại nghèo túng nên hằng ngày chị phải đi bán vé số kiếm tiền nuôi con.
“Từ một gia đình hạnh phúc, đủ ăn đủ mặc nay mất tất cả. Tôi không biết mình còn chống chọi được bao lâu nữa” - chị Phượng tâm sự.
Trong câu chuyện chị Phượng kể trước tòa, nhiều lúc do không kiềm chế được cảm xúc chị ôm mặt khóc nức nở. Có mặt dự khán, nhiều phụ nữ có lẽ vì đồng cảm với câu chuyện của chị cũng không cầm được nước mắt.
Được trình bày trước giờ nghị án, chị Phượng mong HĐXX có một bản án nghiêm khắc, đúng người đúng tội đối với nhóm người đã truy sát chồng mình.
Theo chị, phần đền bù tiền tổn thất tinh thần và cấp dưỡng nuôi con thì tòa xử sao chị nghe vậy bởi chẳng thể nào dùng tiền mua lại được mạng sống của chồng chị.
Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh
Cả 5 bị cáo đều ở tuổi đời còn rất trẻ, Hiếu lớn tuổi nhất trong nhóm chỉ mới 25 trong khi Nhân vừa tròn 18.
Ngoài Hiếu từng có một tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy thì các bị cáo còn lại đều có nhân thân tốt, chưa từng vi phạm pháp luật. Thời điểm xảy ra vụ án, 5 bị cáo đều có công việc ổn định.
Trong vụ án này chỉ có Hiếu là người trực tiếp gây ra cái chết của anh Sĩ, trong khi các bị cáo còn lại chỉ tham gia gián tiếp. Căn cứ vào tình tiết trên, các bị cáo cho rằng mình bị truy tố với khung hình phạt quá nặng.
Chủ tọa giải thích: “Ngoài Hiếu, các bị cáo còn lại đều không trực tiếp gây án nhưng giữ vai trò đồng phạm giúp sức một cách tích cực.
Cụ thể, Minh rủ rê, xúi giục, Nhân cung cấp hung khí nguy hiểm, còn Tiến và Vũ điều khiển phương tiện chở Hiếu đến gây án. Không có các bị cáo giúp sức, anh Sĩ có chết không?”.
Trình bày trước tòa, Hiếu kể cha mẹ ly dị nên sớm chịu thiệt thòi về vật chất, tình cảm so với bạn bè. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải bỏ học đi làm công nhân kiếm tiền trang trải cuộc sống nên không được giáo dục đến nơi đến chốn.
“Hoàn cảnh chỉ là một phần làm nên tính cách con người. Nhiều người thất học nhưng vẫn sống hiền lành, tử tế chứ không hành xử côn đồ như bị cáo” - chủ tọa phản bác. Hiếu im lặng cúi đầu.
Nhân và Vũ thì trình bày mình còn quá trẻ, lại không am hiểu pháp luật nên mới giúp sức cho Hiếu chứ hoàn toàn không có ý định giết người.
Tuy nhiên HĐXX lại nhìn nhận: “Hai bị cáo dù mới chỉ mười tám, hai mươi nhưng đã đủ chín chắn để nhận biết hành động của mình là đúng hay sai. Các bị cáo đổ lỗi do trẻ, do non nớt, vậy chị Phượng từ chỗ có gia đình đầm ấm giờ phải chịu cảnh bi đát như thế biết đổ lỗi gì đây?”.
Lần lượt 5 bị cáo xin chị Phượng tha thứ và hứa khắc phục hậu quả những gì mà họ đã gây ra đối với gia đình chị.
Nhận thấy hành vi của các bị cáo là côn đồ, gây nguy hiểm cho xã hội nên HĐXX tuyên phạt Hiếu 20 năm tù, Minh 18 năm tù, Nhân 12 năm tù, Tiến 9 năm tù và Vũ 7 năm tù.
Bản án cho các bị cáo dù ngắn dù dài đều có tính định lượng về mặt thời gian, trong khi nỗi đau của chị Phượng và người con bé nhỏ chẳng biết bao giờ mới nguôi ngoai.
Đại diện viện kiểm sát nhận định cả 5 bị cáo còn quá trẻ nhưng thể hiện bản tính hung hăng, hễ gặp ai can ngăn đều chém quyết liệt. Ngoài anh Sĩ, các nạn nhân còn lại như anh Thức, anh Hết cũng bị các bị cáo chém nhiều nhát vào đầu, vào người, do đó phải truy tố các bị cáo hành vi giết người mới thỏa đáng, đúng người, đúng tội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận