04/11/2013 10:09 GMT+7

Lạ lùng Ngaben bên hồ xanh Batur

THÁI NGỌC
THÁI NGỌC

TTCT - Có rất nhiều nghi thức tiễn đưa người chết về bên kia thế giới trên đất nước Indonesia, nhưng Ngaben, nghi lễ hỏa táng ở Bali, quá đặc biệt và trở thành sự kiện du lịch.

Không quá náo nhiệt, rực sắc như ở miền thị thành Ubud, Kuta..., Ngaben ở làng nhỏ Kedisan, ven hồ Batur ấm áp và thấm đẫm tình.

M4PBG0QN.jpgPhóng to
Phụ nữ Kedisan kiên nhẫn đội mâm cỗ đứng trong nắng chờ buổi lễ Ngaben

Tháng 8, 9 là mùa du lịch cao điểm ở Bali vì nắng vàng, trời xanh, gió nhẹ. Không chỉ vậy, du khách đến đây còn vì những lễ hội dày đặc. Tôi đến Bali mấy hôm, đã hơi choáng bởi Kuta ồn ào... nên tính bỏ phố về quê tìm chút yên vắng. Mải miết rong xe lên đèo cao, thả dốc đứng xuống chiếc hồ núi lửa xanh ngắt, tôi ngỡ ngàng gặp miền quê xanh Batur đẹp bình yên và một nghi lễ Ngaben thấm đẫm tình.

Làng quê xanh bình yên bên hồ núi lửa

Batur, lớn nhất Bali, là một hồ núi lửa hình trăng lưỡi liềm, nằm trong lòng chảo miệng núi lửa hình thành khoảng 30.000 năm trước. Hơi lạ, vì trong lòng chảo, bên cạnh hồ xanh lại có một núi lửa khác cùng tên soi bóng. Một hệ thống kép, núi lửa bên trong miệng núi lửa.

Núi lửa Batur “trẻ” nên vẫn hoạt động. Bên cạnh những miền đất đỏ bazan phong hóa từ nhiều ngàn năm trước, nham thạch mới vẫn thỉnh thoảng phun trào đè lên đất bazan cũ... tạo một địa hình khá lạ cho hồ và đất đai, đồi núi xung quanh hồ.

Con đường chạy quanh hồ Batur rất đẹp. Cứ men theo hồ, cũng nhiều khi là sườn núi nên con đường cứ thế dốc lên dốc xuống nhấp nhô, nhiều đoạn như đứng thẳng khá nguy hiểm. Bù lại là gương hồ xanh loáng nắng lấp lánh kề bên, núi xa chập chùng soi bóng, rồi những rẫy hành, tỏi xanh ngắt, những vườn cà chua chín đỏ lúc lỉu... thấp thoáng những mái nhà êm khói bếp nhẹ bay, những mái đền Hindu thanh thoát...

Mê mải đến lúc nhìn bóng nắng tròn vo mới sực nhớ lời dặn của mấy bạn trẻ, vội vã quay về làng Kedisan, kịp lúc nghi lễ Ngaben bắt đầu.

gXpZmngX.jpgPhóng to
Phần còn lại của ngôi đền Pura Penataran Tuluk Biju bên hồ Batur sau đợt phun trào của núi lửa năm 1917

Vui và thấm đẫm tình Ngaben bên hồ xanh

Người Bali cho rằng ngoài xác phàm, chúng ta còn có phần hồn. Khi một người qua đời, linh hồn họ vẫn còn lẩn khuất giữa dương trần nếu chưa qua nghi lễ Ngaben. Người ta tắm rửa người đã khuất bằng nước thiêng xin từ đền thờ, cúng dường cho nữ thần Dewi Dugra, rồi đưa đi chôn cất tạm thời.

Đến khoảng tháng 8, người ta sẽ làm lễ hỏa táng Ngaben. Nghi lễ làm theo từng cụm làng, xã... Ngày tháng, địa điểm do các bô lão chức sắc chọn.

Chi phí khá cao vì quan tài to đẹp được chạm trổ dưới dạng con trâu (lembu) hoặc ngôi tháp (wadah) thường làm bằng các loại gỗ quý. Màu sắc con trâu (đỏ, trắng, đen) hay số mái của ngôi tháp (7, 9, 11...) cho biết đẳng cấp, vị thế của người đã mất. Các đồ cúng dường cũng phải chu đáo, chi tiết để làm vừa lòng các linh hồn xấu, các vị thần cai quản cõi âm...

Họ quật các ngôi mộ tạm, rửa sạch hài cốt, gói vào vải quý đem vào đền thờ làm lễ. Đến ngày Ngaben, người thân bắt đầu kiệu quan tài đến làm lễ ở các ngôi đền. Sau khi làm lễ xong, quan tài cùng hài cốt được kiệu đến nghĩa địa, tiếp tục các nghi thức khác như tiếp nhận quà của người thân gửi cho người ra đi, các thủ tục cầu siêu...

Và nổi lửa. Để tất cả thành tro bụi. Để tẩy sạch xác phàm ra khỏi cõi hồng trần. Cho phần hồn nhẹ nhàng siêu thoát ra đi.

Ngaben còn rất nhiều tiểu tiết lạ khác. Và Ngaben ở ngôi làng Kedisan này cũng rất khác ở phố thị Bali giàu có. Khác với nghi lễ hằng năm ở phố thị, ở Kedisan ngày trước phải đến năm năm người ta mới làm Ngaben một lần vì không kham nổi chi phí.

M4PBG0QN.jpgPhóng to
Phụ nữ Kedisan kiên nhẫn đội mâm cỗ đứng trong nắng chờ buổi lễ Ngaben
Se7BlW8J.jpgPhóng to
Thanh niên trai tráng bắt đầu cho cuộc rước kiệu Ngaben

Kinh tế khá hơn chút, giờ ba năm Ngaben được làm một lần và làm chung cho những người trong làng đã mất chứ không phải riêng lẻ từng người như ở Ubud, Kuta... Ở làng Kedisan khi có người qua đời, mỗi nhân khẩu sẽ đóng góp khoản tiền nhỏ là 3.000Rp (khoảng 7.000 đồng). Những hộ khá giả sẽ đóng góp thêm, đủ chi phí làm lễ Ngaben cho toàn bộ những người đã qua đời trong ba năm qua.

Ngaben ở Kedisan được làm chung, không kể giàu nghèo, cấp bậc, thứ hạng... Một điều rất lạ nếu biết rằng việc phân hạng đẳng cấp của Hindu giáo nặng nề như thế nào. Nên nghi lễ Ngaben chung ở Kedisan là sự kiện chung của làng, ấm áp tình quê, tình người.

Nếu không biết gì về Ngaben, nhìn cảnh tượng những người phụ nữ Kedisan trong trang phục trắng đội những mâm cỗ đi theo đoàn rước kiệu nhảy múa, những đoàn thanh niên trai trẻ trong áo mới sáng ngời cũng không kém phần rộn rã, tiếng trống chiêng kèn sáo vang lừng... khó có thể biết đây là một nghi thức tang lễ...

Và sau khi những nghi lễ đã xong, lửa được nhen lên, đốt cháy chiếc tháp gỗ, hỏa thiêu những gì còn lại của người quá cố thành tro bụi... Ngaben đã xong, linh hồn đã siêu thoát.

May mắn được tham dự lễ hội chỉ xảy ra một lần trong 1.095 ngày ở Kedisan, tôi chia tay hồ xanh Batur đầy lưu luyến. Chắc khó có thể quên được một tang lễ màu sắc, vui nhộn và đong đầy tình người ở làng nhỏ miền quê xa ngái này.

THÁI NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên