Phóng to |
Kyo York |
Không mắc cỡ khi nói sai tiếng Việt
Tôi biết Kyo York thông qua một cô bạn. Những gì cô ấy kể về cách anh chàng này biểu diễn trong một chương trình ở trường, làm tôi không thôi tò mò và muốn gặp. Sau khi liên lạc với Kyo, tôi hẹn anh ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM. Anh xuất hiện giản dị với quần jean, áo thun dài tay.
Đến thời điểm hiện tại, Kyo đã sang Việt Nam được hai năm, bắt đầu từ một dự án dạy tiếng Anh miễn phí ở trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang. Trong 10 tháng sống cùng những người dân của miền sông nước, Kyo đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ về mảnh đất này. Kyo chia sẻ: “Người dân ở đây rất hiếu khách, sống cởi mở, chân tình và giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc nói, giao tiếp bằng tiếng Việt”.
Khi dạy học ở miền Tây, vào những ngày cuối tuần, Kyo thường lên Sài Gòn để hát, nhất là ở quán cà phê của ca sĩ Siu Black. Kyo cho biết: “Trước đây, khi ở quê hương (Pennsylnavia, Mỹ), tôi cũng có đi hát cùng với các nhóm văn nghệ của trường. Gia đình tôi rất ủng hộ việc đi hát của tôi tại Việt Nam”.
Chỉ trong hai năm ở Việt Nam, Kyo đã có thể giao tiếp được một cách trôi chảy với người bản xứ. Nếu nhắm mắt nghe Kyo hát, không ai có thể nghĩ Kyo là người nước ngoài. Kyo tiết lộ về cách học tiếng Việt của mình: “Việc giao tiếp với mọi người làm tăng khả năng nói tiếng Việt của tôi. Ngoài ra, tôi còn học thêm bằng cách nghe nhạc. Tôi không mắc cỡ vì mình nói sai, nếu nói sai thì nhờ các bạn chỉ lại và tôi sẽ sửa. Tôi còn học tiếng Việt ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Mọi người, ngay cả chính bản thân tôi cũng không ngờ mình có thể học và nói tiếng Việt nhanh đến thế. Giống như kiếp trước của mình là người Việt Nam vậy (cười)!”.
Không phải là cuộc dạo chơi
Cứ tưởng chỉ đến Việt Nam để dạy học, xong rồi trở về nước, nhưng cơ duyên đã cho Kyo gắn bó với Việt Nam. Trong đó phải kể đến việc ca hát. Kyo xem đây là một nghề nghiệp mà mình yêu thích thật sự chứ không phải là một cuộc dạo chơi.
Kyo tâm sự: “Những ca khúc tiếng Việt, tôi thấy rất hay, đặc biệt có nhiều ý nghĩa. Tôi hát ca khúc Việt Nam như là cách nói lời cảm ơn với con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Tất cả đã làm cho cuộc sống của tôi thay đổi ngày một tốt lên”. Dòng nhạc mà Kyo chọn là dòng nhạc trữ tình với những giai điệu đẹp, ca từ hay, thường là những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Anh Bằng...
Chính từ sự nghiêm túc với công việc, cái tên Kyo York ngày càng được nhắc đến nhiều hơn ở các tụ điểm sân khấu ca nhạc. Kyo đã có cơ hội được đi biểu diễn ở nhiều nơi của Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Lạt... Kyo hình dung vui về âm nhạc của từng vùng miền như sau. Âm nhạc của miền Bắc thì như gió mát, miền Trung thì như núi cao, còn miền Tây thì như sông nước mênh mông. Đặc biệt, Kyo có thể nghe và đoán được tiếng của những vùng khác nhau một cách chính xác. Điều thú vị nữa là Kyo còn đi biểu diễn ở nước ngoài như Campuchia, Malaysia, Anh... Trong những chuyến lưu diễn đó, Kyo hoàn toàn hát bằng tiếng Việt Nam.
Hát và sống lại thời sinh viên
Dòng nhạc mà Kyo lựa chọn tưởng chừng như không phù hợp với các bạn trẻ nhưng không ngờ có rất nhiều bạn yêu mến Kyo. Trên các trang mạng xã hội, mọi người lục tìm những video các ca khúc do Kyo biểu diễn, có cả một fanpage (trang dành cho người có cùng sở thích) trên Facebook dành cho chàng ca sĩ này. Những lần biểu diễn của Kyo ở các trường đại học điều được các bạn nhiệt tình ủng hộ.
Song song với việc đi hát, Kyo còn đảm nhận công việc của một giáo viên dạy tiếng Anh. Công việc đi dạy dường như thuận lợi cho Kyo rất nhiều so với các bạn đồng nghiệp vì Kyo nói được cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Ngày 20-11 vừa rồi, tại cà phê Yesterday, Kyo đã có một mini show kỷ niệm hai năm ca hát của mình.
Kyo cũng ấp ủ một mong muốn: “Khi nào đủ điều kiện, tôi sẽ mời ba mẹ sang Việt Nam để hiểu và yêu văn hóa con người Việt Nam như tôi bây giờ vậy. Đặc biệt là ba mẹ sẽ nghe được tôi hát tiếng Việt trên mảnh đất Việt”.
Trong thời gian sắp tới, Kyo dự định sẽ thực hiện một liveshow dành tặng cho các bạn sinh viên trên toàn quốc.
Áo Trắng số Tất Niên (số 1) ra ngày 15/01/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận