![]() |
Tập thể dục buổi sáng tại công viên Lê Văn Tám, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM |
Cái cảm giác đó rộn ràng hơn mỗi khi tôi đi ngang hay bước vào công viên Lê Văn Tám - công viên thiếu nhi mà tôi từng góp công xây dựng từ gần 20 năm trước.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Thuở nhỏ, mỗi lần có dịp đi qua nơi này, tôi bước thật dài để chóng qua khỏi quãng đường có bức tường vôi màu vàng phun gai cũ kỹ cao quá đầu người, chỉ nhìn thấy những tán cây xanh cao vượt lên trên. Lớn hơn một chút, tôi biết đó là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, xưa còn gọi là đất thánh Tây - nơi chôn những người chết giàu có, quyền cao chức trọng.
Bọn con gái lớp tôi khi nhắc đến một thằng con trai công tử bột thường bắt đầu bằng câu “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, có bố chết chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi”. Tất nhiên vế cuối cùng chỉ là lời giễu cợt nhưng suy cho cùng đã nói lên được sự phân biệt giai cấp sang hèn khi còn sống và cả khi đã chết. Thậm chí có người còn trả lời vui khi được hỏi về ước vọng cuối cùng trong đời: “Ước khi chết được chôn trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi”.
Trả lời đùa nhưng đằng sau câu nói đùa ấy là sự thật, bởi để đạt được ước vọng đó là phải đạt được sự giàu sang, danh vọng. Một khoảnh đất dành cho người chết có khi còn lớn hơn gia tài của người đang sống. Đôi khi đi ngang cổng nghĩa trang, tôi tò mò liếc nhìn qua những khe song sắt sơn đen, chỉ thấy thấp thoáng, lố nhố những ngôi mộ to nhỏ với cảm giác lành lạnh.
Một lần lễ gì đó vào đầu tháng mười một, tôi theo một đứa bạn “quí tộc” vào nghĩa trang viếng mộ. Dịp này, những ngôi mộ đầy hoa và nến, những người viếng mộ sang trọng và những lời kinh rì rầm đó đây trong nghĩa trang rộng thênh thang. Tôi len lỏi giữa những nấm mồ cũ mới có chữ R.I.P. (rest in peace - nghìn thu yên nghỉ), đọc những dòng chữ Latin lẫn chữ Việt trên những tấm bia bằng đá cẩm thạch, đá hoa cương bóng lộn. Lại có những dòng chữ được ghi hầu khoe khoang, phô trương thanh thế của người nằm dưới mộ lẫn người lập mộ. Cũng có những câu chữ nhắc nhớ vê sự mong manh của một kiếp người: “Người sẽ chết tưởng nhớ người đã chết”, “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”.
Đứng bên những ngôi mộ bề thế cao sang kia tôi chạnh lòng nghĩ đến xóm nghèo nơi gia đình một người bạn tôi đang ở bên bờ kênh Nhiêu Lộc, nơi những con người đang sống phải chui rúc trong những cái tạm gọi là nhà. Tôi nhớ đến những nấm mồ của bao nhiêu người trong đó có cả ông bà tôi suốt bấy nhiêu năm vẫn chỉ là những nấm đất đơn sơ trong nghĩa trang tương tế.
Bẵng đi hơn mười năm, mãi đến năm 1985, tôi mới có dịp trở lại nghĩa trang này. Cùng với các bạn trong đội xây lắp công viên, tôi bước qua cánh cổng màu đen. Những ngôi mộ đã được bốc dỡ đi, còn ngổn ngang những tảng bêtông, gạch đá, những lỗ huyệt trống hoác... Cầm bản vẽ trên tay, tôi cố hình dung lúc nơi này sẽ trở thành một công viên.
Những nhát cuốc đầu tiên xới tung những gì còn lại, những đống xà bần được chuyển đi, những lỗ huyệt được lấp đầy... Rồi những lối đi, những ô vuông, chữ nhật, những vòng tròn, hình bán nguyệt được hình thành. Những khối đất đen màu mỡ được đổ về. Cứ thế, ngày qua ngày, dưới bóng mát của những tán cây xanh già cỗi là những mầm sống mới vươn lên.
Rồi như một giấc mơ, người thành phố một buổi sáng mai thức dậy bỗng ngỡ ngàng tưởng mình đi lạc. Chỉ trong một đêm, bức tường màu vàng xù xì thâm u kia bỗng dưng biến mất, phơi bày một hàng rào sơn xanh mới bóng bao quanh một công viên đẹp đẽ, thoáng đãng và tươi tắn đến lạ lùng.
Gần hai mươi năm nay, khu đất giữa lòng thành phố dành cho người chết xưa kia trở thành nơi vui chơi của người đang sống. Tất cả mọi người, không phân biệt sang hèn, cùng tập dưỡng sinh, đánh cầu lông, đi bộ... trên những lối đi rộng rãi. Những học sinh tranh thủ học bài trên những ghế đá dưới tán cây mát rượi. Lũ trẻ nhỏ mải chơi trên chiếc xích đu, bập bênh, cầu tuột, đu quay...
Tôi tưởng nhớ đến những người từng yên nghỉ nơi này, linh hồn họ đang ở thiên đàng hay lẩn khuất nơi nào đó trong cõi hư vô, chắc họ cũng sẽ mỉm cười trước những đổi thay tuyệt diệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận