29/04/2008 18:23 GMT+7

Ký ức không quên - Kỳ 1: Dưới cánh máy bay

JONATHAN SCHELL
JONATHAN SCHELL

TTO - “Họ đã bình thản bấm nút thả những đợt bom có sức hủy diệt cao như thể dưới mặt đất chỉ là cây cỏ, súc vật chứ không hề có con người... Thậm chí rất nhiều viên phi công khi trở về căn cứ đã trút hết cơ số bom xuống bất kỳ nơi nào...”

Jonathan Schell là một giáo sư và là một cây bút nổi tiếng với nhiều bài báo đăng trên The Nation, The New York, và Tom Dispatch. 1967, ông đã có mặt ở Việt Nam, đã hiện diện trên những chiếc máy bay mang bom thả xuống núi đồi, đồng ruộng, làng mạc và những con người Việt Nam. Và từ đó, ông đã "phát hiện ra đặc điểm kỳ lạ của cuộc chiến tranh này": sự vô nghĩa. Ký ức không quên là những gì ông tận mắt thấy và "ghi nhận với hy vọng rằng điều đó sẽ giúp tất cả người Mỹ hiểu được tốt hơn điều chúng ta đang làm".

TTO xin lược trích và giới thiệu với bạn đọc tác phẩm này theo ấn bản của First News, NXB Trẻ phát hành nhân dịp kỷ niệm 30-4-2008.

BuSED0r2.jpgPhóng to

Mùa xuân năm 1967, Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam tổ chức một lực lượng mới, gọi là Lực lượng Đặc nhiệm Oregon, bằng cách tập hợp Lữ đoàn Bộ binh nhẹ 196, Lữ đoàn 3 của Sư đoàn Bộ binh 4 và Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Không vận 101. Lực lượng này bố trí tại tỉnh Quảng Ngãi, nhằm tăng cường đối phó với chiến sự đang tăng lên dọc khu phi quân sự...

Nhiệm vụ chính của Lực lượng Đặc nhiệm Oregon là tìm diệt cái gọi là các đơn vị chủ lực của Việt Cộng (cũng gọi là V.C. hoặc Mặt trận Dân tộc Giải phóng) và quân đội Bắc Việt Nam đang hoạt động trong tỉnh Quảng Ngãi.

Cuối tháng 8-1967, sau bốn tháng hành quân, Lực lượng Đặc nhiệm Oregon tuyên bố đã tiêu diệt và đếm xác được 3.300 binh sĩ đối phương, bắt giữ 5.000 người, và thu được 800 khẩu súng ở các nơi cất giấu hoặc gần xác người chết. Họ cũng tuyên bố tổn thất phía Mỹ có 285 chết và 1.400 bị thương. Trong suốt tháng Tám năm đó, tôi cố gắng đi thật nhiều nơi ở Quảng Ngãi để trực tiếp quan sát và trò chuyện với binh lính và thường dân.

Cũng trong thời gian này, Lính thủy đánh bộ Mỹ, Lục quân, Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc và quân đội Sài Gòn đã hủy diệt khoảng 70% các làng trong tỉnh - có nghĩa là 70% số nhà dân bị hủy diệt.

Hủy diệt

Lần đầu tiên tôi nhận thức được sự hủy diệt này là khi tôi dành mấy ngày đầu tháng Tám để đi quan sát thực địa bằng máy bay với tư cách là một phóng viên. Tôi ngồi ở phía sau viên phi công trên một chiếc máy bay quan sát O-1 Cessna một cánh quạt, hai chỗ ngồi, quan sát bằng mắt thường toàn bộ dải đất ven biển đông dân của tỉnh. Cứ khi nào có điều kiện là tôi tự mình kiểm tra lại con số tỷ lệ phần trăm số nhà bị tiêu hủy so với ước tính của họ, mặc dù không có con số nào được công bố chính thức cả.

Từ trên độ cao được quy định cho máy bay FAC(*) là một ngàn năm trăm bộ (456m), khó nhận biết được con người trừ khi họ đội nón lá, nhưng tôi lại có thể dễ dàng quan sát nhà cửa và tàn tích của những ngôi nhà bị thiêu hủy.

Nhà cửa ở Quảng Ngãi nằm rải rác dưới những lùm cây. Từ trên máy bay, những lùm cây nổi lên như những hòn đảo màu xanh thẫm trên nền vàng hoặc xanh nhạt của đồng lúa. Nhìn từ không trung, những mái nhà còn nguyên vẹn trông giống như những mảng hình vuông màu nâu sẫm, tro tàn của những ngôi nhà vừa bị đốt cháy thì như những mảng hình vuông màu xám, còn nền đất đã bị nước mưa gột sạch của những ngôi nhà bị thiêu hủy trước đó một tháng hoặc lâu hơn thì lại như những mảng hình vuông màu vàng hoặc đỏ.

Khi nhà cửa bị bộ binh đốt cháy, một số bức tường làm bằng tre đan trát bùn hoặc xây bằng đá vẫn còn đứng vững; nhưng ở những ngôi nhà bị ném bom hoặc xe ủi đất tàn phá thì tường nhà đều bị ủi sập hoặc san lấp xuống ruộng lúa. Cách phá hoại nói chung cũng tương tự như thế đối với những làng mạc, ruộng đồng đông dân hơn nằm giữa vùng núi và bờ biển. Vẫn còn những ngôi làng với chiều rộng vài cây số trải dài hai bên đường số 1, một con đường hai làn xe, nơi rải nhựa nơi không, chạy dài trên toàn bộ dải đất ven biển và gần như chia đôi dải đất này. Số làng còn lại, trừ một số ngoại lệ tôi sẽ nêu sau, đều đã bị thiêu hủy.

Ở Bình Sơn, huyện xa nhất về phía Bắc của tỉnh, những ngôi nhà trước đây được dựng trên vùng đất bằng phẳng đến tận sông Trà Bồng đã bị thiêu hủy toàn bộ. Trong thung lũng sông Trà Bồng, trước đây là vùng đất trồng trọt trải dài khoảng 15 cây số vào sâu trong nội địa, những ngôi nhà nằm trên suốt chiều dài khoảng 10 cây số ở mạn Bắc dòng sông cũng đều bị thiêu hủy.

Chỉ còn tồn tại thị trấn Trà Bồng nằm sâu giữa vùng đồi núi với dân số mấy ngàn người, nhờ có một doanh trại lớn của Lực lượng Đặc biệt đóng ở đó. Doanh trại này đứng tách riêng trên một ngọn đồi nhỏ trơ trụi, được bảo vệ lần lượt từ trong ra bằng những hàng rào dây kẽm gai, đến hàng rào làm bằng cọc tre vót nhọn, và ngoài cùng là những con hào chạy ngoằn ngoèo hình chữ chi. Bên trong là một cụm lán trại thấp xây bằng những bao cát nặng nề với mái lợp tôn.

Dọc Quốc lộ 1 về phía Đông cho đến tận bờ biển thuộc huyện Bình Sơn có đến 70-80% số nhà đã bị thiêu hủy. Về phía Nam sông Trà Bồng, tại huyện Sơn Tịnh, vốn thuộc Khu Trách nhiệm Chiến thuật của Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc, tình trạng cũng như thế. Về phía Đông của Quốc lộ 1 thuộc huyện Sơn Tịnh - trừ một vành đai khoảng vài cây số dọc con đường - có đến 80-90% số nhà cửa từ đó đến sát bờ biển đã biến thành tro bụi. Dọc theo sông Trà Khúc, vừa là ranh giới phía Nam của huyện này, nhà cửa còn nguyên vẹn trên khoảng mười cây số tính từ con đường đến sườn núi, nhưng từ đó - tính từ điểm nơi thung lũng sông bắt đầu uốn lượn giữa các ngọn núi - nhà cửa đều đã ra tro.

Tại một đoạn sông uốn cong hình móng ngựa, tôi nhận ra những dãy hào do Mặt trận Dân tộc Giải phóng đào chạy xuống tận trung tâm của nhiều ngôi làng và có đôi khi nối hai ba làng lại với nhau. Khắp nơi, tôi đều thấy có những miệng hầm đen ngòm dẫn vào các hang động và mạng lưới địa đạo mà toàn dân dùng làm nơi tránh bom và Mặt trận thì dùng làm công sự chiến đấu, nơi ẩn náu và đường rút lui.

Nhưng tại đoạn hình móng ngựa này, tôi thấy hầm hào đặc biệt dày đặc. Nằm sâu hơn trong vùng đồi núi, làng Phước Thọ vẫn còn nhà cửa, kề bên một trại Lực lượng Đặc biệt được bố trí trên một ngọn đồi. Nhà cửa trong làng dựng chen chúc trên một mảnh đất hình vuông mỗi chiều khoảng một trăm mét, có một đường hào bao quanh làng, còn những ngôi nhà riêng lẻ ở ngoài đồng thì đã bị san bằng. Điều này chứng tỏ làng Phước Thọ đã bị biến thành một ấp chiến lược.

Cũng như phần lớn các nơi khác trong tỉnh, thung lũng sông Trà Khúc đầy vết tích những hố bom đạn đủ kích cỡ. Những hố đạn pháo rộng một, hai mét rải rác trên các cánh đồng và trên những nền làng cũ, còn những hố bom nổ chậm có cái rộng hơn chín mét và sâu hơn hai mét, nhiều hố chứa đầy nước thành những cái ao nhỏ rải rác khắp nơi. Bom sát thương, loại bom khi có va chạm thì nổ bung ra tạo nên những hố nông làm tung tóe đất ruộng trông xa như những dấu hoa thị khổng lồ màu vàng lốm đốm rải rác khắp cánh đồng, napan thì tạo nên những vệt đen thui không đều nhau. Bao quanh vùng thung lũng trồng trọt là những dãy đồi trước kia cây cối um tùm chạy dài theo những triền núi xanh mát bây giờ cũng bị bom đạn xé nát.

Hai huyện ở phía Nam sông Trà Khúc - Nghĩa Hành và Tư Nghĩa - thuộc Khu Trách nhiệm Chiến thuật của quân đội Sài Gòn là những nơi ít bị phá hủy nhất trong số các huyện của tỉnh Quảng Ngãi. Thị xã Quảng Ngãi trở thành trung tâm của một khu biệt lập lớn chưa bị phá hủy, trải dài đến tận bờ biển về phía Đông và ở vài nơi cũng vươn về phía Tây dọc theo bờ Nam sông Trà Khúc đến gần sát các dãy núi.

Tuy vậy ở phần nửa phía Nam của huyện Nghĩa Hành, nhiều nhà dân ở gần núi cũng bị phá hủy nặng nề. Ở phía Nam của hai huyện nói trên và ngăn cách bởi dòng sông Vệ nước chảy lững lờ là hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ, nằm trong Khu Trách nhiệm Chiến thuật của Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4 của Mỹ. Đây là hai huyện bị hủy diệt nặng nề nhất của tỉnh. Ngoại trừ bốn khu vực nhỏ, còn thì có đến 90-100% nhà cửa ở đây đã bị phá hủy, kể cả những ngôi nhà nằm dọc theo Quốc lộ 1.

Các khu vực tương đối ít bị hủy diệt gồm có một khoảnh có đường kính khoảng bốn cây số quanh làng Mộ Đức và một dải đất rộng khoảng bảy cây số dọc phía Tây Quốc lộ 1 trải dài từ thị trấn Đức Phổ lên phía Bắc. Trong khu vực này có một nửa số nhà vẫn còn nguyên. Vùng cực Nam của huyện dài khoảng mười lăm cây số men theo bờ biển cũng có khoảng một nửa số nhà còn tồn tại. Và cuối cùng là một khoảnh dài và rộng khoảng ba, bốn cây số hai bên sông Trà Kau – một con sông nhỏ ở ngay phía Bắc Đức Phổ, gần vùng núi - vẫn có khoảng 60% nhà cửa vẫn còn nguyên.

Khi bay trên bờ biển huyện Mộ Đức, nơi có hơn 90% nhà cửa bị phá hủy, tôi hỏi viên phi công về những người dân từng sống ở vùng này, anh ta trả lời: “Dân vùng này hầu hết là V.C”.

Không cần lý do

Các làng mạc bị phá hủy theo nhiều cách và trong nhiều tình huống khác nhau. Theo chính sách của Lực lượng thủy bộ 3 được áp dụng riêng trong vùng trách nhiệm của họ thì mỗi khi lực lượng Mỹ hay quân đồng minh bị hỏa lực từ một làng nào đó bắn thì ngay lập tức họ có thể cho ném bom xuống làng đó, không cần phải cảnh báo cho dân chúng biết.

A8Lduuj5.jpgPhóng to

Bất kể mức độ khiêu khích từ làng đó như thế nào, khối lượng hỏa lực đánh trả của Mỹ cũng rất lớn. Trong hầu hết các trường hợp, các làng này đều bị hủy diệt hoàn toàn. Một làng cũng có thể bị phá hủy nếu tin tình báo cho biết dân làng ủng hộ Việt Cộng bằng cách cung cấp lương thực và nhân lực, nhưng trong trường hợp này thì Cơ quan Chiến tranh Tâm lý của Mỹ sẽ phái một máy bay đến cảnh cáo dân làng bằng cách rải truyền đơn hoặc phát loa từ trên máy bay.

Trong tháng Tám, đã nhiều lần tôi bay trên những khu vực vẫn còn dấu vết của những cánh đồng, rừng cây và làng mạc lỗ chỗ những miệng hố bom đạn từ những ngày hành quân của Lính thủy đánh bộ. Tôi hỏi các phi công về các cuộc hành quân đã được tiến hành trong khu vực này nhưng họ không thể trả lời tôi về thời gian và lý do ném bom.

Tôi gặp một người từng là sĩ quan Chiến tranh Tâm lý đi theo Lính thủy đánh bộ khi lực lượng này mới đến Đức Phổ. Anh ta nói trong tháng đầu tiên quân Mỹ không thể ra ngoài doanh trại quá năm trăm mét mà không vấp phải hỏa lực dày đặc của đối phương. Sau khi được tăng cường lực lượng, họ đi ra được xa hơn nhưng vẫn còn nhiều khu vực không thể xâm nhập được.

Khi Lính thủy đánh bộ có chủ trương sẵn sàng trả đũa bằng cách ném bom các làng mạc nếu nông dân bị nghi là hỗ trợ cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tờ truyền đơn mang số 244-286-67 đã được phát cho dân làng.

Trên một mặt của truyền đơn có hai hình vẽ. Bức thứ nhất vẽ mấy người lính Việt Cộng đang bố trí một ụ súng cối gần một ngôi nhà tranh trong khi một số người khác nhoài người ra ngoài cửa sổ lia súng máy. Một phụ nữ bế con đứng cạnh ngôi nhà, dưới bức tranh có một dòng chữ “Nếu Việt Cộng làm điều này...”.

Bức thứ hai vẽ một máy bay phản lực của không quân Mỹ đang bay vọt lên phía trên ngôi nhà. Bom nổ trước ngôi nhà hất tung mấy người lính, người đàn bà và đứa con xuống đất, ngôi nhà bốc cháy. Ở cận cảnh là một người đàn ông nằm trên mặt đất, tay ôm ngực. Suối máu trào ra từ mắt, mũi, miệng và tai anh ta. Bức tranh có màu đen, trắng, máu thì màu đỏ. Dòng chữ dưới bức tranh này tiếp nối câu ở bức tranh thứ nhất “... ngôi làng của các người sẽ giống như thế”. Mặt sau tờ truyền đơn có nội dung:

Hỡi các công dân Việt Nam,

Lính thủy đánh bộ Mỹ đang chiến đấu bên cạnh lực lượng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở Đức Phổ nhằm mục đích mang lại cho nhân dân Việt Nam cơ hội có một cuộc sống hạnh phúc, tự do, không phải lo đói khổ. Nhưng nhiều người Việt đã phải trả giá bằng mạng sống và nhà tan cửa nát vì họ hỗ trợ Việt Cộng trong mục tiêu nô dịch nhân dân Việt Nam. Nhiều xóm làng đã bị phá hủy vì họ chứa chấp Việt Cộng.

Các xóm Hải Môn, Hải Tân, Sa Bình, Tân Bình và nhiều xóm khác nữa đã bị phá hủy vì lý do đó. Chúng tôi sẽ không ngần ngại hủy diệt mọi xóm làng trợ giúp Việt Cộng, những kẻ không đủ sức ngăn chặn sức mạnh phối hợp giữa Việt Nam Cộng hòa và đồng minh.

Lính thủy đánh bộ Mỹ phát lời cảnh cáo này: Lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ không ngần ngại hủy diệt ngay lập tức bất cứ xóm làng nào chứa chấp Việt Cộng. Chúng tôi sẽ không ngần ngại phá hủy ngay lập tức xóm làng nào được Việt Cộng sử dụng làm cứ điểm để từ đó nã súng vào binh sĩ hoặc máy bay chúng tôi(*).

Tùy các bạn lựa chọn. Nếu các bạn không cho Việt Cộng sử dụng làng của các bạn để làm công sự chiến đấu thì nhà cửa và tính mạng của các bạn sẽ được bảo đảm.

Hỡi các công dân muốn sống yên bình, hãy ở lại trong nhà, hãy từ bỏ việc ủng hộ Việt Cộng.

Sau một cuộc ném bóm trả đũa một ngôi làng nào đó, đôi khi Lính thủy đánh bộ rải loại truyền đơn mang số 244-068-68, với tựa đề được ghi trong danh mục là “Làng của các người đã bị ném bom”, và mục tiêu của truyền đơn cũng vẫn là “Thường dân”. Bức tranh thứ hai trên tờ truyền đơn có nhan đề “Tối hậu thư của Lính thủy đánh bộ gửi dân chúng Việt Nam” có hình vẽ một ngôi nhà đang bốc cháy và nhiều người chết chiếm toàn bộ một mặt của truyền đơn này. Nó được chú thích: “Việt Cộng là nguyên nhân gây ra cảnh này”. Mặt bên kia có nội dung sau:

Dân làng chú ý:

1. Làng của các bạn bị ném bom vì các bạn chứa Việt Cộng.

2. Làng của các bạn bị ném bom vì các bạn trợ giúp cho Việt Cộng hoạt động trong khu vực của các bạn.

3. Làng của các bạn bị ném bom vì các bạn tiếp tế lương thực cho Việt Cộng.

4. Chúng tôi cảnh báo cho các bạn về cuộc ném bom vì chúng tôi không muốn làm hại những dân làng vô tội.

5. Nhà cửa của các bạn bị hư hỏng hoặc phá hủy là vì Việt Cộng.

6. Làng mạc của các bạn sẽ bị ném bom nếu như các bạn chứa chấp Việt Cộng bằng bất kỳ cách nào.

7. Các bạn có thể bảo vệ nhà cửa các bạn bằng cách hợp tác với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Lực lượng Đồng minh.

8. Hãy báo cho Chính phủ và Lực lượng Đồng minh biết Việt Cộng đang ở đâu để họ bảo vệ các bạn.

9. Chính phủ và Lực lượng Đồng minh sẽ đẩy Việt Cộng ra khỏi làng mạc của các bạn.

10. Chính phủ và Lực lượng Đồng minh sẽ giúp các bạn sống trong hòa bình và có một cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh.

Khi chuẩn bị cho một số cuộc hành quân trên mặt đất, Lính thủy đánh bộ thả truyền đơn số 44-65, có tiêu đề là “Lính thủy đánh bộ Mỹ là bạn của thường dân”, nội dung như sau:

“Lính thủy đánh bộ đến đây để giúp các bạn, đừng bỏ chạy khi thấy họ. Nếu các bạn bỏ chạy, họ có thể lầm tưởng các bạn là Việt Cộng và nhằm bắn. Cứ đứng yên và Lính thủy đánh bộ sẽ không làm hại các bạn, hãy nói điều đó cho bạn bè các bạn biết.”

Ít nhất có một lần, Lính thủy đánh bộ tuyên bố với báo chí về việc chẳng may ném bom nhầm cái mà họ gọi là một làng “bạn”, nhưng họ không nói đến việc cố tình ném bom bất kỳ một làng “địch” nào. Tờ The New York Times đăng bản tin sau đây trong số ra ngày 28 tháng 9 năm 1966:

“Hai máy bay của Quân đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ hôm qua đã không may dội bom nhầm vào một làng bạn ở Nam Việt Nam, làm chết 28 và bị thương 17 người dân thiểu số ở miền núi - một người phát ngôn của Lính thủy đánh bộ cho biết.

Cuộc ném bom cũng phá hủy khoảng 100 ngôi nhà trong làng, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách Sài Gòn khoảng 350 dặm về phía Bắc.

Làng này nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và nằm ngoài khu vực mục tiêu được quy định cho phi vụ tấn công do hai máy bay Lính thủy đánh bộ đảm trách - người phát ngôn nói.

Trực thăng tải thương của Lính thủy đánh bộ đã bay đến làng để chở người bị thương đến một bệnh viện của chính phủ ở gần thị xã Quảng Ngãi.

Nạn nhân là người Thượng – là những người dân du canh du cư trên vùng núi vốn cung cấp nhiều chiến binh phục vụ cho sự nghiệp của Đồng minh.

Người phát ngôn nói làng này cũng là nơi cư ngụ của một số binh lính của Chính phủ và gia quyến họ.”

Lực lượng Đặc nhiệm Oregon tiếp tục cách rải truyền đơn của Lính thủy đánh bộ đe dọa phá hủy một ngôi làng hỗ trợ Việt Cộng. Truyền đơn số 244-279-67 cũng in cả hai mặt, một mặt in bức tranh vẽ một ngôi nhà bị ném bom, với dòng chú thích “Nếu Việt Cộng làm điều này... thì làng của các bạn sẽ giống như thế này” như đã xuất hiện trên “Tối hậu thư của Lính thủy đánh bộ gửi dân chúng Việt Nam”. Còn nội dung ở mặt sau thì viết:

“Lực lượng quân sự Việt Nam Cộng hòa và thế giới tự do không muốn làm hại người dân Việt Nam vô tội muốn sống trong hòa bình. Tuy nhiên nếu như những Việt Cộng phạm pháp được phép ẩu náu trong nhà của các bạn, thì cả Việt Cộng và nhà của các bạn sẽ bị hủy diệt.”

Một truyền đơn khác ở cận cảnh vẽ một binh lính Việt Cộng ở tư thế quỳ, đang bị sáu máy bay phản lực, hai trực thăng, hai khẩu pháo, một xe tăng và bốn lính bộ binh đồng thời xả súng bắn. Dưới có chú thích “Chúng ta phải hủy diệt Việt Cộng để có hòa bình”, còn phía sau viết:

“Lực lượng Mỹ đến để trợ giúp Chính phủ Việt Nam Cộng hòa truy quét Việt Cộng đang nô dịch các bạn, đuổi chúng ra khỏi làng xóm các bạn. Nếu các bạn cho phép Việt Cộng ẩn náu trong làng xóm các bạn, các bạn có thể chờ đón sự hủy diệt đến từ trên không, từ súng cối và pháo binh. Đừng để làng xóm các bạn bị hủy diệt, hãy chỉ cho chúng tôi những Việt Cộng đang đem chết chóc và hủy diệt đến cho các bạn và nhà cửa các bạn.”

Một số truyền đơn nêu ra những chỉ dẫn rất cụ thể cho dân chúng ngay trước khi cuộc hành quân bắt đầu. Trên một mặt của truyền đơn 244-099-68, có tiêu đề “Chỉ dẫn cho công dân huyện Bình Sơn” có một sơ đồ gồm có một đường kẻ duy nhất, tượng trưng cho một con đường dài 5 cây số, và bốn cái chấm, tượng trưng cho các làng Tân Hỷ, Long Vệ, Đông Lệ và Phước Hòa từ trái sang phải dọc theo con đường. Một đường kẻ màu đỏ vẽ thành một hình chữ nhật dài mà hẹp khoanh một khu vực nằm giữa các làng Tân Hỷ và Phước Hòa là hai làng của hai đầu sơ đồ. Mặt sau có lời chỉ dẫn:

Công dân huyện Bình Sơn chú ý:

Khu vực được khoanh màu đỏ ở trên sơ đồ này là khu vực nguy hiểm. Không ai được sống trong khu vực này trừ việc đi trên đường. Trong khu vực này không ai được rời khỏi con đường, chỉ được phép đi ra khỏi con đường ở đoạn ngoài khu vực nguy hiểm. Ai bị bắt gặp ở hai bên con đường trong phạm vi 300 mét đều có thể bị bắn.

Một trong những điều đặc biệt bất lợi của việc sử dụng truyền đơn nói chung, như loại truyền đơn này là mặc dù những chỉ dẫn khá mạch lạc, rõ ràng, nhưng chỉ có một số ít người dân là có đủ chữ nghĩa để có thể đọc hiểu và hầu như không có nông dân nào có thể đọc hiểu bản đồ.

Những sĩ quan chiến tranh tâm lý người Mỹ soạn thảo các truyền đơn khuyến khích nông dân rời bỏ chủ nghĩa Cộng sản và quay sang phe Chính phủ Sài Gòn, và nói với họ – như một truyền đơn nêu ra – hãy từ bỏ “những ông chủ Trung Quốc của Việt Cộng”, hoặc khuyên nấu sôi nước trước khi uống... thì lại quên mất điều này: mặc dù kẻ địch là những người thông minh, can đảm và đầy kinh nghiệm, nhưng phần lớn nông dân – đặc biệt phụ nữ, trẻ em và người già – là những người suốt đời hầu như chỉ sống trong nông thôn bé nhỏ của họ, không biết gì về hệ thống phe phái của Chính phủ Sài Gòn hoặc về những quy tắc vệ sinh hiện đại.

Ngoài việc cho rằng người nông dân hẳn phải biết chữ và đã quen hiểu những vấn đề như xung đột chiến tranh trên thế giới, thì tác giả của tờ truyền đơn trên còn mặc nhiên cho rằng họ cũng đồng quan điểm với những người thảo truyền đơn về những nhận định như coi Chính quyền Sài Gòn là hợp pháp và nhân đức còn Mặt trận Dân tộc Giải phóng là tội phạm....

(còn tiếp)

JONATHAN SCHELL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên