Cầu truyền hình do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp cùng Đài phát thanh - truyền hình Thanh Hóa và Đài phát thanh - truyền hình Đồng Tháp tổ chức.
Ba điểm cầu gồm: cảng Cát Lái (TP.HCM), khu lưu niệm Đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) và khu di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Tham dự ở các điểm cầu có ông Nguyễn Văn Nên - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Trương Hòa Bình - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó thủ tướng Chính phủ, thường trực Ban liên lạc miền Nam trung ương;
Ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phan Văn Mãi -phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP.HCM;
Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; ông Đỗ Trọng Hưng - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa… cùng nhiều lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể.
Cầu truyền hình tái hiện giai đoạn hào hùng đất nước
Thời tiết không thuận lợi bởi những cơn mưa tại hai điểm cầu Đồng Tháp và TP.HCM, chương trình diễn ra trễ hơn 45 phút so với kế hoạch ban đầu là 18h.
Tuy nhiên, cầu truyền hình vẫn diễn ra trang trọng và xúc động.
Dài hơn hai tiếng, qua các phóng sự, những câu chuyện kể xúc động của người thật việc thật về một thời khi những học sinh, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, được đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng và dạy dỗ.
Tình cảm của Bác Hồ dành cho chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam ra Bắc học tập cũng được nhắc lại.
Đó còn là ký ức đẹp của GS - nhà văn Trình Quang Phú và bà Lê Minh Ngọc - nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM... những học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được gặp Bác Hồ.
Trong chương trình, tại điểm cầu TP.HCM, bà Trần Việt Hoa - giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - chia sẻ về những kỷ vật của các cán bộ "đi B" gửi lại cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ trước ngày lên đường.
Và nhân dịp này bà đã mang ba bộ hồ sơ trao lại cho gia đình là các nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho đất nước.
Bộ hồ sơ đầu tiên của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông vào quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này, ông viết một số ca khúc như Hành khúc ngày và đêm, Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam.
Bộ thứ hai là hồ sơ của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền - tác giả của ca khúc bất hủ Hát mãi khúc quân hành, và bộ thứ ba là hồ sơ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả - biên kịch hai tác phẩm nổi tiếng là truyện ngắn Chiếc lược ngà và phim điện ảnh Cánh đồng hoang.
Ông Nguyễn Quang Sáng là cán bộ miền Nam tập kết, rồi vào chiến trường miền Nam, dùng chính ngòi bút của mình để tham gia chiến đấu.
Những câu chuyện được kể tiếp tục minh chứng cho truyền thống đoàn kết của nhân dân Việt Nam của hai miền Nam - Bắc, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, gian khổ để bảo vệ và dựng xây đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận