Phóng to |
Nguyễn Hải Ly |
Kỳ tích: 16 tuổi vào ĐH, 19 tuổi học lên Thạc sĩ… khiến nhiều người phải tròn mắt thán phục.
Đó là Nguyễn Hải Ly (sinh năm 1987). Mới 19 tuổi, Ly đã học xong chương trình Đại học RMIT tại Việt Nam. Để có được kỳ tích đó, Hải Ly đã học rất nhanh chương trình phổ thông nhờ vào cơ chế dạy và học theo tín chỉ ở một trường phổ thông trung học của Mỹ tại Matxcơva (Nga).
Rời Việt Nam, theo cha mẹ sang Matxcơva sinh sống khi đang học dở dang lớp 10 tại trường PTTH Lê Quý Đôn (TPHCM), Hải Ly đã vượt qua kỳ thi kiểm tra đầu vào và nhập học tại trường International School of Tomorrow (IST) - một trường trung học quốc tế Mỹ, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Hải Ly cho biết lúc đầu vào học, nhà trường muốn củng cố kiến thức tiếng Anh nên cho Ly học chương trình dự bị lớp 9. Nhưng do đã được tiếp cận với ngoại ngữ từ năm lên 6 tuổi, vả lại còn được tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế để trau dồi thêm vốn ngoại ngữ nên sau một thời gian ngắn Hải Ly đã quyết định hoàn tất chương trình cấp 3 trong vòng 1 năm.
- Tốt nghiệp PTTH khi chưa đầy 16 tuổi - Hoàn thành chương trình ĐH khi vừa tròn 19 tuổi - 20 tuổi gấp rút hoàn tất chương trình Thạc sĩ Tài chính ngân hàng - Dự định, sẽ là một trong những Tiến sĩ trẻ nhất của Việt Nam |
Qua kỳ kiểm tra cuối khoá học của trên 200 bài kiểm tra, Hải Ly đã đạt điểm trung bình 99,75% tại trường IST. Đây là một mức điểm cao chưa từng có trong lịch sử hơn 10 năm của trường, mặc dù Hải Ly phải học cấp tốc với vốn tiếng Anh còn rất hạn chế, so với nhiều học sinh các nước Âu, Mỹ có lợi thế về vốn tiếng Anh hơn cô.
Với thành tích học tập này, vào khoảng tháng 6-2004, Hải Ly đã nhận được thư mời với tư cách là tân sinh viên trẻ tuổi, đại diện của giới học sinh sinh viên nước Cộng hòa Liên bang Nga sang Mỹ tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu (Global Young Leader Conference).
Đây là Hội nghị dành cho các học sinh có thành tích học tập đứng đầu của hơn 100 quốc gia để họ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các chính trị gia và các nhân vật tên tuổi của Mỹ, với sự có mặt của cả Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan. Hội nghị kéo dài hai tuần tại các thành phố Washigton D.C và New York. Tiếc là vì lý do cá nhân nên Hải Ly đã bỏ qua cơ hội có một không hai này.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hải Ly trúng tuyển vào trường Đại học Touro (trường của Mỹ tại Nga). Tại đây, cô theo học năm thứ nhất, khoa Quản trị kinh doanh khi chưa tròn 16 tuổi. Hải Ly học rất nhanh và hoàn thành xuất sắc nhiều môn học trước thời hạn. Sau khi hoàn tất nửa năm nhất của trường Đại học, Hải Ly phải theo cha mẹ về nước.
Phóng to |
19 tuổi, tốt nghiệp RMIT, làm việc tại BAT |
Khi được hỏi về ước mơ tuổi 20 của Hải Ly, cô không ngại ngùng thổ lộ: “Em sẽ tiếp tục vừa làm, vừa học để có thể trở thành một nhà quản lý giỏi, đồng thời là một trong những Tiến sĩ trẻ nhất của Việt Nam”. Hiện tại, cô đang gấp rút hoàn tất chương trình Thạc sĩ Tài chính ngân hàng của ĐH Ngân hàng liên kết với ĐH Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ.
Mẹ của Hải Ly, bà Bùi Thị Hồng Hải cho biết, để tạo môi trường học tập thật tốt cho Hải Ly phát triển, gia đình đã có kế hoạch ngay từ đầu là chú trọng đến những kiến thức thực tiễn đời sống, cha mẹ lúc nào cũng sẵn sàng trao đổi, trò chuyện và thậm chí còn khuyến khích con cái tranh luận tới cùng về nhiều chủ đề khác nhau để các em có điều kiện tư duy và hoàn thiện suy nghĩ của mình. Bà Hải cho rằng, phải xem con cái như người bạn thật sự mới dễ dàng hiểu được ý nghĩ của con cái.
Vì đều làm công tác quản lý, nên cha mẹ Hải Ly lúc nào cũng chú trọng đến bảng kế hoạch công việc chi tiết từng ngày - tuần - tháng và kể cả bảng kế hoạch cuộc đời. Nhờ đó, cha mẹ có thể kiểm soát được công việc học tập cũng như những suy nghĩ, tính cách của con cái. Đó là bí quyết tạo nên sức học của Hải Ly hôm nay, bà Hải chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận