18/07/2008 09:00 GMT+7

Ký sự vỉa hè: Lối xe đi về

A SỬ (Hà Nội)
A SỬ (Hà Nội)

TTC - Hà Nội đang quá tải về xe máy. Hà Nội đất chật người đông. Và từ đó, cũng xuất hiện ngày càng nhiều những cái "cầu" để dắt xe lên xuống.

DfBbD106.jpgPhóng to

Hà Nội Muôn mặt hình "cầu"

Sự bùng nổ về xe máy đã dẫn đến sự đa dạng của những cây "cầu" bắc từ trong nhà ra đường. Nếu như cách trang trí mặt tiền, thậm chí cả nóc nhà của người dân Thủ đô phong phú như thế nào thì cái chỗ để dắt xe lên xuống cũng không kém phần. Nó được làm bằng rất nhiều loại vật liệu. Nhà nào xây dựng mà tính trước thì "cầu" được làm cùng với tông của bậc tam cấp, nhưng cũng có nhà chơi cách điệu như một điểm nhấn trước hiên nhà, có thể bằng đá galitô, ốp gạch, ốp đá cẩm thạch các màu, ốp gạch men...

Có nhà do lịch sử để lại, chưa có chỗ dắt xe phải xây thêm "cầu" thì chỉ xây trát bằng xi-măng đơn giản. Kiểu dáng, kích cỡ của "cầu" cũng chả ai giống ai (khó có thể giống nhau bởi mặt tiền, nền nhà cao thấp khác nhau). Nhà thì xây nho nhỏ xinh xinh chỉ vừa cái lốp xe máy, nhà khác lại đắp thật rộng cho hoành tráng. Thậm chí cái vạch để tăng độ ma sát cũng khác nhau, cái thì vạch từng vạch ngang, cái thì vạch cắt chéo nhau...

Điểm chung duy nhất của những cây "cầu" này là chúng cùng chìa ra đường, lô nhô hỗn loạn. Chưa kể có cái còn lấn chiếm ra vỉa hè, lối ngõ chung. Trên các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... có một dạo Sở Giao thông Công chính Thành phố còn tổ chức chiến dịch đi "chặt" hết các phần "cầu" nào lấn ra vỉa hè.

Một giải pháp chống... xấu được nhiều nhà sử dụng đó là làm các "cầu" bằng gỗ hoặc sắt để dắt xe. Cách này tiện ở chỗ khi cần thì mới bắc "cầu", còn bình thường thì cất đi. Nhưng cũng có nhà để luôn "cầu" sắt ở ngoài, chôn thêm một cái khuyên sắt xuống đất rồi... khóa luôn "cầu" vào đó, đề phòng mấy anh nghiện lấy trộm bán sắt vụn. Các cây "cầu" sắt cũng ngày trở nên phổ biến với nhiều kiểu rất tiện lợi.

Bây giờ gia chủ còn thiết kế "cầu" theo kiểu rút ra đẩy vào như ngăn kéo tủ, có nhà "cầu" dài quá còn gập lại mới đẩy vào, rất tiện, gọn và... khoa học. Nhiều nhà có ngõ quá hẹp, xe máy không thể dắt thẳng mà phải dắt chéo mới vào nhà được. Vì thế, "cầu" lại được uốn cong cong theo, trông rất... gợi cảm.

Bắc cầu thân ái

Nhưng dù sao, lối dắt xe lên xuống luôn là vấn đề nan giải với các gia đình. Nhất là chị em phụ nữ luôn ngán ngẩm trước những thềm nhà cao vời vợi so với đường. Cho nên mới có chuyện một anh chàng nọ tán cô hàng xóm bằng cách: Chiều chiều về sớm, đứng chờ ở cửa chỉ để dắt xe lên nhà cho cô gái nhằm thể hiện tính galăng.

"Cầu" từ nhà xuống đường đã vậy, nhưng "cầu" từ lòng đường lên vỉa hè cũng không ít chuyện. Thường thì trên một tuyến phố, thỉnh thoảng cũng có chỗ vỉa hè được xây thụt xuống cho xe đi lên. Nhưng điều đó không đủ cho nhu cầu. Hơn nữa, khi kinh doanh ở mặt tiền, mỗi cửa hàng đều muốn có riêng một lối dắt xe lên cho khách của mình. Vì vậy, "cầu" lại tiếp tục bắc ngang.

Do lòng đường không thể tùy tiện, "cầu" được xây như kiểu một cái gờ nằm đè lên phần lớn rãnh thoát nước, sát mép vỉa hè, chỉ để lại một khe nhỏ thoát nước. Nếu không được xây thì người ta lại đặt "cầu" sắt, "cầu" gỗ hay thậm chí là đặt vài viên gạch, bao cát cho xe phi lên. Hậu quả là nước mưa, nước thải khó tiêu thoát, còn cảnh quan đô thị thêm những nét chấm phá "đặc trưng". Có lẽ cái "cầu" được nhiều người ủng hộ nhất là chỗ sang đường dành cho người tàn tật ở ngã tư. Tuy nhiên, số nút giao thông có những cây "cầu" này không nhiều.

Vỉa hè không thể hạ thấp xuống, và mỗi lần cải tạo đường phố thì các rãnh thoát nước lại ngày càng sâu hoắm. Để khắc phục việc bắc "cầu" lô nhô, một sáng kiến được áp dụng vài năm gần đây là một số tuyến đường mới làm hoặc cải tạo đã được thay thế bằng vỉa hè vát lên. Như vậy, bất kỳ chỗ nào, xe máy, thậm chí cả ôtô cũng có thể leo lên. Lợi ích từ sáng kiến này thấy rõ ở những giờ cao điểm trên phố Chùa Bộc, Cát Linh..., người đi xe máy tránh ùn tắc dưới lòng đường rất linh hoạt bằng cách đi lên vỉa hè!

slCLqEa3.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 360 (ra ngày 15-07-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

A SỬ (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên