23/09/2008 05:11 GMT+7

Ký sự sông Hồng - Kỳ 2: Thương khách sông Hồng

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Từ nơi sông Hồng chảy vào đất Việt ở Lũng Pô (Lào Cai), tôi xuôi dòng xuống Yên Bái. Tuy nhiều khúc sông trên này không sâu rộng bằng dưới đồng bằng, nhưng đó là phần hùng vĩ nhất và cũng nguy hiểm nhất của sông Hồng.

Người đi sông đếm được có gần 30 ghềnh thác lớn, nhỏ và rất nhiều vùng xoáy nước có thể đe dọa tàu thuyền. Mùa khô, các thác, xoáy này bớt phần nguy hiểm, nhưng đá ngầm lại là mối đe dọa chực chờ người đi sông.

2lTJj40D.jpgPhóng to
Buôn gốm sứ trên sông Hồng - Ảnh: LÊ BÍCH

Đời gắn với sông

Quyển 1 bộ sách Man thư của tác giả Phàn Xước viết vào khoảng năm 860, đời Đường Y Tông đã có thuyền buôn đi ngược sông Hồng từ Giao Chỉ qua Vân Nam.

Thậm chí tác giả có ghi nhật trình thời gian rõ ràng và hàng hóa chủ yếu là vải vóc, muối, thủy hải sản, sừng tê giác, ngà voi, vàng bạc... “Con đường tơ lụa” trên sông Hồng càng tấp nập khi nhiều chợ biên mậu được hình thành như Bảo Thắng (Lào Cai), Bách Lẫm (Yên Bái)... Người hai nước đem hàng vạn con ngựa ra các chợ này buôn bán và mở mang cơ xưởng đóng tàu thuyền.

Năm Gia Long 1819, các cửa quan dọc sông Hồng đều thu được rất nhiều thuế, khẳng định tầm vóc của thương thủy này. Sử liệu còn ghi chỉ riêng cửa quan Trình Xá, vùng Sơn Tây, đã thu được 86.150 quan. Còn cửa quan Mễ Sở, Hà Nội thu được 78.320 quan. Thậm chí cửa quan Bảo Thắng mù xa trên đầu sông Hồng cũng thu được 43.000 quan. Đó đều là những mức thuế thu cao hàng đầu trong các cửa quan cả nước.

Trận mưa rừng mịt mù bất chợt lại càng làm dòng sông trở nên hoang vắng. Không giống cảnh xóm làng trù phú trải suốt hai bờ sông Hồng dưới đồng bằng, phần lớn đoạn sông từ Lào Cai đổ xuống Yên Bái chảy qua núi rừng hoang vu. Tôi ngồi trên thuyền suốt cả buổi sáng chỉ thấy vài bóng người thấp thoáng ven bờ.

Người lái thuyền Trần Văn Hòa ngồi buồn, pha ấm trà đặc chát và rít thuốc lào liên tục. Mới 27 tuổi nhưng anh đã lênh đênh sông Hồng suốt 16 năm. Và nhiều đời tổ tiên anh cũng từng ngược xuôi, soi bóng mình trên dòng sông này. Bây giờ Hòa đã có thuyền sắt tải trọng 50 tấn chạy dọc sông, mua cát sỏi bán cho người dân ven bờ.

Nhưng đời bố và ông bà nội của anh vẫn còn căng tay chèo chống vượt qua ghềnh thác sông Hồng trên chiếc thuyền gỗ bé xíu. Ông Trần Văn Khoa, cha anh Hòa, nay gần 60 tuổi nên đã chuyển qua chạy phà ngang, đưa đón khách qua sông ở bến phà Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Ông bà nội anh cũng buông mái chèo từ lâu nhưng vẫn không quên được dòng sông.

Bà nội anh kể quê xưa ở tận Đan Phượng, Hà Tây. Còn nhỏ, bà đã theo cha mẹ đi thuyền buôn trên sông Hồng. Đến khi lập gia đình với anh lái thuyền, bà lại càng gắn đời mình với dòng sông này. Bà kể những năm 1940 - 1950, vợ chồng bà đi thuyền buôn hàng từ Hà Tây ngược lên tận Lào Cai. Họ chỉ dùng sức mình và thêm hai người phụ để đưa chiếc thuyền vo, một loại thuyền bằng gỗ nhỏ chở khoảng 4-5 tấn, ngược hàng trăm kilômet nước sông Hồng.

Đoạn sông từ Hà Tây lên Phú Thọ họ có thể thay phiên chèo tay hoặc đạp mái chân. Nhưng từ Yên Bái lên đến Lào Cai, sông Hồng bắt đầu dốc, nước chảy xiết cùng với nhiều thác, xoáy và bãi đá ngầm, họ thường xuyên phải lên bờ, dùng dây kéo thuyền vượt các đoạn hiểm nguy.

Cách kéo thuyền giống người xưa kéo cày thay trâu. Họ quàng dây qua vai để còng lưng đi dọc bờ, kéo thuyền ngược sông. Nhiều đoạn vướng cỏ gai, quần áo bị cào rách bươm và máu tuôn khắp người. Trung bình một chuyến đi khoảng 30 ngày lên và 15 ngày về. Mưa lũ bất chợt phải neo thuyền đậu bờ, họ còn mất thêm nhiều thời gian.

“Nghề buôn trên sông Hồng ngày đó tuy cực khổ, nguy hiểm nhưng cũng vui và có tiền” - ông từ Đặng Văn Hộ, hơn 70 tuổi, ở đền thờ Tam Giang, ngã ba sông Việt Trì, Phú Thọ, háo hức kể chuyện xưa. Ngày trẻ, ông đi thuyền vo từ Hà Nội lên buôn hàng trên chợ Lào Cai và ngược lại. Thuyền ông đóng bằng gỗ chò, chở được 4 tấn hàng tạp hóa (chủ yếu là muối, gạo khi đi, vải vóc khi về) và năm người. Đoạn sông chèo được thì một người cầm lái, bốn người chèo. Khúc nào vượt thác thì một người chống mũi thuyền, một người cầm lái để ba người kéo trên bờ. Dân buôn thường đi thành từng đoàn thuyền tấp nập để đỡ buồn và hỗ trợ nhau.

“Con đường tơ lụa”

Trong quá khứ, sông Hồng từng được mệnh danh là “con đường tơ lụa” phía Bắc. Khi người Pháp cai trị VN, “con đường tơ lụa” trên sông Hồng tiếp tục phát triển. Thời gian đầu họ đã chi rất nhiều tiền để nạo vét lòng sông Hồng. Ngày 24-7-1889, con tàu sắt hạng nặng chạy bằng hơi nước đầu tiên đã thông tuyến sông Hồng.

lUNWScd5.jpgPhóng to
Tàu thuyền ngược xuôi trên sông Hồng - Ảnh: QUỐC VIỆT

Sử liệu thống kê năm Quang Tự 23 (1897), tuyến sông Hồng đã có 5.553 chuyến thuyền buôn chở 12.922 tấn hàng hóa qua lại hai nước Việt - Trung. Nhưng đến năm 1907 đã có 57.369 tấn hàng hóa trên 18.431 chuyến thuyền theo sông Hồng qua lại biên giới.

Thời gian gần đây, đường sắt và ôtô phát triển làm sông Hồng mất lợi thế vì tốc độ tàu thủy chậm, luồng lạch thay đổi nhiều do phù sa kiến tạo bãi bồi. Tuy nhiên, nhiều khách thương hồ vẫn đang ngày ngày soi bóng trên dòng sông này. Xuôi dần xuống hạ nguồn, tôi đã gặp rất nhiều bến bãi, tàu hàng trải suốt chiều dài sông Hồng. Đoạn Lào Cai - Phú Thọ, phần lớn là thuyền chở sỏi đá, quặng than, hoa quả miền núi. Rồi từ đây chảy ra cửa biển Ba Lạt, Thái Bình, sông Hồng còn nuôi sống thêm nhiều ngư dân xóm vạn, thuyền buôn gốm sứ, cây cảnh, tạp hóa.

Buổi sáng, tôi lên chiếc thuyền gốm sứ của anh Lê Khắc Quang ở chợ nổi Kim Lân, Gia Lâm, Hà Nội. Nối đời sông nước cha ông, người khách thương hồ 39 tuổi quê ở xã Đức Bác, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) này không thể biết chợ nổi có tự bao giờ. Anh chỉ biết lúc nào cũng có vài chục thuyền cập bến, rồi chở nặng gốm sứ Bát Tràng theo sông Hồng đi bán ở các tỉnh miền Bắc.

Anh tâm sự: “Tôi cũng như dân quê nghèo Đức Bác lần lượt theo nhau xuống sông Hồng mưu sinh. Hai vợ chồng với chiếc thuyền 30 tấn. Nếu trời êm nước lặng, tôi cũng dành dụm mươi triệu đồng mỗi tháng”. Tuy nhiên, Quang kể đây là thuyền nâng cấp thứ ba của anh. Trước đó, vợ chồng phải đi buôn bằng thuyền chèo; còn đời ông bà thì lênh đênh với bè tre.

Sóng nước sông Hồng ì oạp vỗ vào mạn thuyền khách thương hồ. Quang thắp nén nhang cầu may cắm trên đầu thuyền, bắt đầu chuyến buôn dài theo dòng sông.

---------------------------

Vùng đất ở nơi sông Hồng giao với sông Đà và sông Lô tại Phú Thọ có một sức sống mãnh liệt. Ở đó có bến bờ linh thiêng và làng tỉ phú bên sông.

Kỳ tới: Kinh đô đầu tiên

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên