Với những người mê bóng bàn VN, Lê Văn Tiết là cái tên chẳng thể nào quên. Cùng với Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được... ông là một trong những tay vợt đã làm nên một thế hệ huyền thoại cho bóng bàn nước nhà. Những năm thập niên 1950, 1960, Lê Văn Tiết gặt hái hàng loạt danh hiệu tầm cỡ châu lục, quốc tế và từng được xếp hạng sáu thế giới.Đi kèm với sự nghiệp thành tích đồ sộ ấy là một phong cách đánh cũng từng đưa Lê Văn Tiết đi vào “từ điển” của làng bóng bàn thế giới. Ông sở hữu rất nhiều “chiêu thức” đẹp mắt, đến mức giới báo chí nước ngoài đã đặt cho ông biệt danh “kỳ quan bóng bàn”. Nổi bật trong số đó là đòn phản công đã trở thành thương hiệu độc nhất vô nhị...
Miệt mài “luyện công” ở tuổi 75
Trải qua hơn bốn thập niên vật đổi sao dời, bóng bàn ngày nay đã đổi thay rất nhiều trong kỹ - chiến thuật thi đấu. Ngay ông Lê Văn Tiết cũng phải thừa nhận: “Sau thời của tôi, người ta đã sáng tạo nhiều kỹ thuật thi đấu mới. Chiêu phản công độc đáo một thời của tôi mà áp dụng ngày nay chỉ có thua mà thôi”.
Ông Tiết phân tích: “Bóng bàn là môn thi đấu kỹ thuật nên lối đánh cũng thay đổi luôn luôn vì người ta thường tìm cách khắc chế những tay vợt tên tuổi. Càng về sau tôi càng nghiệm ra đánh bóng bàn cần phải có sự toàn diện chứ không thể chỉ chuyên về một phong cách nào đó được”. Không chỉ nói, ông lập tức diễn thử vài đường với một tay vợt chung hội. Vừa đánh ông vừa giảng giải: “Đấy, ngày trước tôi đánh phản công nhưng bây giờ tôi thiên về tấn công và lối đánh xa bàn”. Điều này cho thấy ở tuổi 75, ông vẫn còn nặng nợ với nghiệp cầm vợt.
Cuộc sống rất ổn định, con cái thành đạt, ông Lê Văn Tiết ngày ngày vẫn chạy xe đi thuê bàn của CLB bóng bàn Tân Thới Hòa (Q.Tân Phú, TP.HCM) để dạy lứa trẻ. Dạy xong, ông Tiết “cáp kèo” với mấy cậu học trò mình rồi đánh vài trận đấu đôi luôn cho vui. Nhiều tay vợt ở CLB Tân Thới Hòa cũng là kiện tướng bóng bàn, nhưng vì tôn trọng tên tuổi của ông nên ít khi họ rủ ông đánh. “Tôi bây giờ là ba cao, một thấp - tức cao huyết áp, đường cao, mỡ cao và còn thấp khớp” - ông Tiết nói vui. Nhưng nói vậy không có nghĩa ông không còn đủ sức thi đấu. Ở tuổi 75, ông Tiết vẫn còn rất tráng kiện với dáng người to khỏe, chắc chắn, mỗi ngày ông cầm vợt không dưới ba giờ và luôn đạp xe mỗi buổi sáng.
Ông Bùi Văn Đồng, một tay vợt ở CLB và là học trò ông Tiết, nói: “Thầy Tiết vẫn còn dẻo dai lắm, tôi (38 tuổi) nhưng không có cách nào đủ sức đánh tay đôi với thầy. Nhiều bạn bè của tôi ở các CLB khác cũng đến đây xin được thầy chỉ bảo thêm”. Thậm chí ông Tiết còn cho biết thời gian gần đây ông đang miệt mài tập luyện để lấy lại phong độ, sau khi nhận được lời mời tham gia một giải bóng bàn lão tướng sẽ diễn ra vào năm tới của Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM.
Vừa dạy, vừa học
Chưa quên được nghiệp thi đấu là một chuyện, sở dĩ ông Lê Văn Tiết vẫn còn đầy tâm huyết với CLB bóng bàn đang sinh hoạt còn bởi một lý do khác, đó là cải thiện và truyền lại sở học của mình cho thế hệ con cháu. Ông nói: “Tôi có nguồn thu nhập ổn định từ việc cho thuê nhà nên dạy bóng bàn không phải để kiếm sống. Tuy nhiên qua việc dạy học, tôi muốn nghiên cứu sâu hơn về bóng bàn”.
Thành công ở nghiệp bóng bàn của ông Tiết là kết quả một chuỗi sự kỳ ngộ. Kỳ ngộ đầu tiên đến từ chính cha ông, một người chơi quần vợt bài bản đã tập bóng bàn cho con mình theo kiểu... quần vợt. Chính nhờ bộ chân và cách đánh lấy lực từ hông của quần vợt mà ông Tiết rất nhanh và có lực đánh mạnh kinh khủng. Không ít lần một quả banh nhựa mới lấy ra ông chỉ đánh được vài ba cú là nổ, vì những cú bạt dũng mãnh kiểu đánh banh nỉ của ông chẳng quả banh nhựa nào chịu nổi. Nhưng cũng chính từ đó, đòn đánh phản công huyền thoại được ra đời. Rồi sau đó một thời gian, vì lối đánh quá khó chịu này, kỹ thuật đánh bóng bàn thế giới đã phải được viết lại khi người ta tìm cách khắc chế danh thủ có biệt danh “kỳ quan bóng bàn”.
Ông Tiết kể lại những chi tiết này với chúng tôi để giải thích một điều là nghiệp thi đấu luôn phải học hỏi từ những chuyện khó ngờ nhất. Do đó dù đã giã từ làng bóng bàn chuyên nghiệp từ rất lâu, ông Tiết vẫn ngày ngày lấy việc dạy học trò để hi vọng có thể tìm ra được những phương thức đánh tân thời, giúp ích cho nền bóng bàn đang tụt dốc của VN.
Ông Tiết nói: “Đi xem những giải Cây vợt vàng nhiều năm trở lại đây, tôi thấy các tay vợt trẻ của VN cần phải cải thiện ít nhất hai điều để có thể mong sánh được với các tay vợt của Nhật, Hàn. Đó là phải biết tấn công xa bàn và phòng thủ gần bàn. Đó là về kỹ thuật đánh, điều quan trọng là các tay vợt trẻ của VN bây giờ cần phải được thi đấu thật nhiều với các tay vợt nước ngoài như thế hệ bọn tôi mới mong tiến bộ được. Nhiều năm qua, những Vũ Mạnh Cường, Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh hay mới đây nhất là Lê Tiến Đạt nếu được đào tạo đúng hướng sẽ chẳng kém thế hệ bọn tôi”.
[box]Sau tác phẩm sách đầu tay có tựa Giúp bạn hoàn thiện kỹ năng bóng bàn, ông Tiết vừa cho ra cuốn Một thời vinh quang với bóng bàn VN kể về các giai thoại bóng bàn thời những tay vợt danh tiếng như Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Cảnh Đến... và tất nhiên có cả chính ông. Sách chỉ được bán ở các CLB bóng bàn tại TP.HCM.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận