![]() |
Dưới cánh máy bay, lớp lớp những núi đá nhọn hoắt và hì hợm. Quanh các triền núi, cát không biết từ đâu trào ra lênh láng, như núi từ cát mà chui lên vậy. Ra khỏi máy bay, tôi bị choáng và bỗng thấy mình mất hết khí lực. Tôi cố trấn tĩnh, hít thật sâu và đi từng bước. Vài hành khách trong đoàn loạng choạng rồi quỵ trên đường đi. Người ta nói đã có trường hợp nhiều hành khách không chịu nổi “độ cao” phải lên máy bay về lại Thành Đô. Chao ôi, đất của “chư thiên” sao mà dữ dằn thế. Hay đó chỉ là cách thử thách những tấm lòng thành. Xe bus đưa chúng tôi về Lhasa qua đoạn đường 120km dọc theo sông Tsangpo. Không ngờ có ngày tôi được chiêm ngưỡng dòng sông thiêng liêng ấy. Hai bên đường lưa thưa từng cụm dân cư. Đó là những ngôi nhà vuông, mái ngang, tường bằng đá hoặc bằng đất, trông xơ xác, nghèo nàn. Phía trước, nhà nào cũng dựng phướn cầu nguyện. Phướn là một cành cây buộc nhiều mảnh vải năm màu trắng, xanh, lam, vàng, hồng, phất phơ trong gió. Người ta thường cầu những gì mình không có.
Lhasa là thủ phủ của Tây Tạng, ở độ cao 3.700m so với mặt biển. Ngày trước, kinh đô Tây Tạng đặt ở thung lũng Yarlung bên bờ sông Tsangpo. Đời Tùng Táng Cương Bố (617-651), nhà vua cho dời đô về Lhasa. Một trong những công trình được xây dựng đầu tiên ở vùng đất mới là đền Jokhang.
Các nhà địa chất quả quyết rằng, 40 triệu năm trước, Tây Tạng nằm sâu dưới đáy biển - Bán đảo Ấn độ di chuyển đụng phải lục địa châu Á rồi đùn lên thành cao nguyên Tây Tạng, trong đó có dãy Hy Mã Lạp Sơn với ngọn Everest cao 8.848,2m, và hàng trăm ngọn núi khác cao trên 7.000m. Ngày nay, trên cao nguyên Tây Tạng vẫn còn nhiều hồ nước mặn với đủ các loài hải sản. Ở phố Barkhor, nơi các quầy mỹ nghệ, người ta bày bán nhiều vỏ ốc biển làm quà kỷ niệm. Không biết chúng là hậu duệ thứ bao nhiêu đời của cụ ốc tổ 40 triệu năm trước. Lên núi cao tìm cái chỉ có dưới biển sâu, đó là điều lạ lùng trong vô số những điều lạ lùng của vùng đất được mệnh danh là “Nóc nhà thế giới” này.
Đừng chờ đợi những gì bạn từng gặp, Tây Tạng thuộc về một cảnh giới khác. Là nơi trời và đất gặp nhau. Mặt trời, mặt trăng cùng muôn ngàn tinh tú là bè bạn. Mây chỉ một màu trắng tinh khôi để cho mặt trời mặc sức tô điểm. Nước không bao giờ sôi tới 80 độ. Còn nắng thì vàng hươm và say đắm lạ lùng...
Thiên nhiên Tây Tạng rực rỡ một thứ sắc màu thuần túy, thanh tịnh và trong suốt. Nó như luôn muốn nói với ta điều gì. Nó đánh thức năng lực trực giác nơi mỗi con người. Nó vừa khơi gợi trí tưởng tượng vừa kích thích sự suy tưởng. Nó giúp tìm lại cái tâm thất lạc. Nó trải rộng đôi cánh cho những ai muốn vươn ra khỏi thế giới chật hẹp của mình.
Không gian Tây Tạng trong vắt và sâu thẳm, khiến mọi vật ta nhìn tưởng như rất gần mặc dù nó ở rất xa. Tây Tạng rộng gấp bốn lần diện tích Việt Nam. Đất trời mênh mông, tĩnh lặng và sạch như vô nhiễm. Tây Tạng là cội nguồn của những con sông thiêng: Hằng Hà, Ấn Hà, Brahmaputre, Mêkông, Hoàng Hà, Dương Tử. Đỉnh Ngân Sơn là trung tâm thế giới, là núi Tu Di của cõi hồng trần.
Tây Tạng là vương quốc của tuyết, cũng là đỉnh cao của nắng cháy. Mặt trời với tia cực tím hào phóng đến nỗi dù tôi đã cần mẫn bôi kem chống nắng, ngày về vẫn bị nhà tôi phê “đen như cột nhà cháy”. Tây Tạng, có sự cách biệt rất lớn về nhiệt độ giữa lạnh và nóng, giữa đêm và ngày, giữa trong bóng mát và ngoài nắng. Ngặt nghèo đến nỗi trong điều lệ của tổ chức Tour ghi rõ: “Tuyệt đối cấm du khách không được tắm và gội đầu”. Còn với dân địa phương? Người ta nói: “Dân Tây Tạng trong đời chỉ tắm ba lần - lúc mới sinh, khi cưới vợ cưới chồng và lúc chết”. Tôi không tin. Có lẽ đó là cách người ta rắc thêm chút hương hoa cho vùng đất vốn quá nhiều huyền thoại này. Bằng chứng, hôm thăm trường Đại học Lhasa, mấy cô sinh viên Tây Tạng cô nào cô nấy nước da trắng ơi là trắng, còn hai má thì hây hây chẳng kém chi đóa “Tạng hồng hoa” trên tuyết.
Từ cửa sổ phòng tôi ở nhìn ra phía trước là dãy núi cao ngất, trong vắt và sâu hun hút. Núi Tây Tạng không có vẻ trầm mặc nhưng trông đầy uy lực. Hình như nó vẫn như vậy từ thuở hồng hoang. Tôi thích ngắm dãy núi ấy mỗi chiều và mỗi sáng. Mới chiều hôm qua xanh ngắt một màu, sáng thức dậy đã thấy tuyết trắng xóa trên các đầu non. Núi Tây Tạng có dáng riêng, đa sắc màu, nhiều tầng nhiều lớp. Sau các tầng núi thường là các ngọn tuyết sơn cao vút trời mây và sáng loáng dưới ánh trăng đêm. Người ta nói, trên các ngọn tuyết sơn ấy là trú xứ của những bậc thánh nhân, những vị Bồ tát, những đạo sĩ sống cô tịch và độc cư để tu tập thiền định.
Tây Tạng là vùng đất đầy những bất ngờ. Cái diệu kỳ tàng ẩn khắp nơi, rồi chẳng theo quy luật nào cả, chúng cứ thế mà vụt ẩn vụt hiện: con đại bàng lẻ loi trên đỉnh tháp, mây trắng vương vấn đầu non, đóa hoa vàng trên đá, khu đền cổ hoang phế thinh lặng trước hoàng hôn... Giữa thành phố Lhasa hiện đại hao hao giống với một thị trấn của người Tàu hơn là kinh đô xứ Phật, thi thoảng ta gặp trên đường một vài phụ nữ Tây Tạng trang phục truyền thống, tay xoay xoay bánh xe Mani, miệng lâm râm cầu nguyện. Khuôn mặt họ hằn sâu nét khắc khổ, nhẫn nhục và thánh thiện, không cách chi đoán được tuổi đời - có thể là một trăm, cũng có thể chỉ mới bốn mươi. Và cứ thế họ lặng lẽ đi, như chính cuộc hành trình của dân tộc họ.
Đoạn đường khoảng 400km từ Lhasa đến Shigatse là con đường hùng vĩ và hiểm nguy nhất mà tôi từng đi qua. Từ Lhasa theo hướng nam chúng tôi trở lại thung lũng Yarlung, vượt sông Tsangpo, rẽ phải, và xe bắt đầu cuộc trèo đèo vượt núi. Anh tài xế người Tứ Xuyên vẻ trầm tĩnh và oai vệ làm tôi phần nào yên lòng. Tôi không hiểu vì sao người ta đưa du khách đi theo con đường hiểm nguy đến thế. Đó là con đường nhỏ gồ ghề cát sỏi. Một bên tầng tầng núi đá, một bên hun hút vực sâu. Không cỏ cây, không bóng người, không trụ chắn. Bốn bề hoang vu và tĩnh lặng tuyệt đối. Tôi có cảm tưởng như có một bàn tay vô hình nào đó đang dẫn chúng tôi đi và sẵn sàng ném chúng tôi xuống vực thẳm. Ai đã từng đi qua đoạn đường này chắc chẳng còn gì trong đời làm người ta sợ. Chúng tôi dừng chân trên đỉnh đèo Khampa, ở độ cao 4.794m. Trước mắt chúng tôi là hồ Yamdrok xanh một màu xanh ngọc bích. Tây Tạng có nhiều hồ lớn, thiêng liêng và đẹp vào hàng đệ nhất thiên hạ. Yamdrok là một trong những hồ thiêng ấy. Bên trái đèo, ngọn tuyết sơn che cả một góc trời. Một em bé Tây Tạng hai gò má đỏ au vì nắng cháy, nài nỉ tôi mua con chó con. Đôi mắt em thiết tha, hy vọng. Và khi tôi từ chối, đôi mắt ấy bỗng tối sầm lại - đôi mắt ấy còn đọng mãi trong tôi.
Xe tiếp tục rong ruổi trên đoạn đường khoảng 50km men theo bờ hồ. Lúc này bên phải chúng tôi là dãy tuyết sơn hùng vĩ, từ đó tỏa ra vô số những con suối tung bọt trắng xóa đổ nước vào hồ. Tôi như lạc vào một thế giới thần tiên mà ngay cả trong các giấc mơ tôi cũng chưa bao giờ gặp. Qua khỏi hồ Yamdrok, xe bắt đầu vượt núi Nojin Kangsa, dừng lại đỉnh đèo Karo ở độ cao 5.010m. Tôi từng có cơ duyên với nhiều đỉnh cao: Mount Rainier, Mont Blanc, Phú Sĩ... nhưng đây mới là đỉnh cao nhất mà tôi may mắn đặt chân đến. Từ đây về hướng tây nam khoảng 600km là ngọn Everest cao nhất thế giới. Về hướng tây khoảng 1.000km là đỉnh Ngân Sơn, trú xứ của thánh thần, giấc mơ hành hương của hàng triệu người trên khắp thế giới. Trên đầu tôi, bầu trời sâu thẳm và xanh lạ lùng. Một mình giữa thiên nhiên vô tận, trời đất bao la. Lòng tràn đầy niềm an lạc và biết ơn. Tôi gởi vào thinh không lời nguyện cầu chân thành của tôi cho một thế giới hòa bình và tốt lành. Mong sao tôi đừng bao giờ quên phút giây này.
Từ đèo Karo đến Gyantse và Shigatse, xe chạy qua một vùng thung lũng xanh tươi, trù phú. Người tài xế như chủ tâm cho chúng tôi nghe những bài dân ca Tây Tạng. Những bài dân ca chan chứa giai điệu ngọt ngào, đầm ấm, xao xuyến, mênh mông... Nó đưa tôi trở về với Tây Tạng ngày xưa: Nơi này, bên bờ suối trong lành, những chàng trai cô gái Tây Tạng trang phục truyền thống, nhảy múa, ca hát, yêu đương, thề thốt, hẹn hò... Nơi kia, trên thảo nguyên mênh mông, sau một ngày lao động, đôi vợ chồng trở về trên lưng ngựa; họ cùng hát những bài tình ca, cùng mong gặp những đứa con thương yêu đang chờ đợi ở nhà, cùng mơ về ngày mai tươi sáng. Hôm đi thăm đền Potala, tôi kinh ngạc vì nơi đây có hàng vạn vạn bức tượng Phật và Bồ tát. Mỗi bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi không hiểu người nghệ sĩ tài hoa nào đã tạc nên những bức tượng ấy. Bây giờ thì tôi đã hiểu. Một dân tộc đất trời mênh mông và những con người phóng khoáng, yêu tự do, giàu ước mơ, niềm tin, tình yêu, lòng chung thủy... Không nghi ngờ gì nữa, chính họ là tác giả của vạn vạn những bức tượng và các công trình nghệ thuật vô song của nền văn hóa Tây Tạng. Tôi thầm cám ơn anh tài xế đã cho chúng tôi nghe những giai điệu tuyệt vời của dân ca Tây Tạng. Mỗi lần đi đó đi đây, tôi không hay xông vào chợ mua đủ thứ hàng hóa. Lần này cũng thế, rời Tây Tạng, tôi chỉ mang theo ba món quà kỷ niệm: một con ốc biển mua ở phố Barkhor, một viên sỏi tôi nhặt trên đỉnh Karo của Hy Mã Lạp Sơn, và một đĩa dân ca Tây Tạng. Với tôi, như thế đã là đủ lắm rồi.
Từ Shigatse trở lại Lhasa, chúng tôi đi theo con đường mới dọc sông Tsangpo. Sông Tsangpo bắt nguồn từ Ngân Sơn, chảy từ tây sang đông dọc theo Hy Mã Lạp Sơn rồi đổ ra vịnh Bengale, trước khi hào phóng trích một phần sinh khí cho các con sông lớn Hoàng Hà, Dương Tử, Mêkong... Từ cội nguồn, Tsangpo không màu mè, làm dáng làm duyên. Sông đục màu đất đen, chảy xiết, như để kịp mang sinh khí tài bồi cho một nơi nào đó. Hóa ra cũng như con người, để có dòng nước mát lành hòa thân vào biển cả, sông cũng phải tự mình rèn giũa, chắt lọc, gạn đục khơi trong. Bên phải chúng tôi, sông Tsangpo khi gần, khi xa, khi ẩn sâu dưới tầng tầng vực thẳm chỉ còn thấp thoáng như một dải lụa đào.
Sau một tuần ngất ngây với Tây Tạng, đến khi bắt đầu thích nghi được với “độ cao”, bắt đầu có đủ sức khỏe và tâm thế để tiếp nhận và cảm nhận, thì cũng là lúc phải tạm biệt Lhasa. Lòng cứ bồi hồi, luyến tiếc. Đêm cuối trước khi rời Lhasa, tôi không ngủ. Tôi một mình bên cửa sổ, lặng lẽ ngắm sao trời. Đêm Tây Tạng hư ảo lạ lùng. Bầu trời sâu thẳm không gợn mây. Ngàn sao sáng rực và gần gũi đến có thể chạm tới được. Tôi tưởng như mình đang bay vào vũ trụ. Lòng tràn đầy một cảm giác an lạc không nói nên lời. Mọi cánh cửa cảm thức như được mở toang. Đi du lịch quý nhất là cái còn lại sau khi mọi thứ đã qua đi. Tôi muốn khắc sâu vào tâm tưởng bầu trời đêm nay, vì tôi biết rằng nó còn trở lại với tôi nhiều lần trong đời, những khi tôi cần sự tĩnh lặng và cô tịch để nhìn lại mình, và nạp năng lượng cần thiết lên đường mà tiếp tục cuộc tuần hoàn của phận người.
Dưới sức nặng của các cuộc cách mạng văn hóa, của kinh tế thị trường, của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không biết bấy giờ Tây Tạng có còn là Tây Tạng nữa không? Ý nghĩ ấy cứ đeo đẳng tôi suốt quãng đường về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận