Kỳ 1: Cũ mòn, ước lệ, mung lung… Kỳ 2: Sự ngây thơ hay là “tự nhiên chủ nghĩa” trong thơ?
Tất nhiên, Áo Trắng không dư “đất” để đăng tất cả những bài thơ hay hay này nên trong khi trích dẫn để chứng minh chất “hay hay” của chúng, tôi sẽ cố gắng “dẫn” càng nguyên vẹn toàn bài càng tốt. Và cái tất nhiên thứ hai: tên tác giả cũng được “đăng đàn” một cách “chính nhân quân tử” chứ không viết tắt như các tác giả của hai kỳ trước.
Đây này, một người có cái tên đẹp - và chắc người cũng đẹp, Đỗ Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã viết nên những dòng thơ buồn buồn, khắc khoải có chất riêng trong bài thơ có cái tựa Tàn phai. “Ô cửa sổ sơn lớp gỗ phớt nâu/ Phía sau song là nóc nhà thiếc xám/ Trên mái có vài tán bàng rũ xuống/ Lá phong phanh bầu bĩnh dưới nắng chiều/ Nửa ở gần phủ một lớp tàn rêu/ Những xác lá nằm hắt hiu chất đống/ Nửa ở xa xanh rong lổm chổm/ Một chùm dây leo dại vô danh// Bức tranh buồn như khoảnh khắc mong manh/ Cơn gió lạnh luồn qua căn phòng vắng/ Đông quay quắt trở mình trong đêm trắng/ Những cơn mơ ảo ảnh của cuộc đời/ Bức tranh buồn như người bị bỏ rơi/ Quên tháng, quên năm, quên thời tuổi trẻ/ Mảnh đất khô cằn thương làn môi nứt nẻ/ Xót sắc màu nên nhặt lại, rồi đau/ Đôi tay gầy run nét cọ hanh hao/ Đôi mắt sâu tạc nghiêng vào tiềm thức/ Những dư âm rơi rơi bất lực/ Giam đời ta trong tù ngục khát khao...”.
Những âm từ, hình ảnh có sức lay động nao nao, dù không cụ thể lắm. Tác giả dùng chữ cũng không mới nhưng có liên kết ngữ nghĩa với nhau nên tạo được ấn tượng trong các câu thơ. Tôi đồ rằng vì bài thơ quá buồn, buồn “như người bị bỏ rơi, quên tháng, quên năm, quên thời tuổi trẻ” nên BBT Áo Trắng mới có phần dè dặt với nó. Đã đành rằng thơ ca bây giờ có quyền nói nhiều, nói sâu về mọi nỗi buồn, nhưng đừng quên Áo Trắng muốn là bạn “vui vẻ” của các bạn trẻ, cho nên buồn ở đâu thì buồn xin đừng buồn quá sâu với Áo Trắng, đừng khiến Áo Trắng thành bạn “buồn rầu”. Nhưng trong bài thơ hay hay này có một số chữ dùng chưa hay dù tác giả có muốn tả thực về hình tượng cách mấy, đó là các từ “xanh rong lổm chổm”, là câu “trên mái có vài tán bàng rũ xuống” xuôi như văn xuôi. Những câu hay hay nổi bật “xót sắc màu nên nhặt lại, rồi đau”, “đôi tay gầy run nét cọ hanh hao”...
Bạn Dạ Vũ (Bình Định) cũng buồn thỉu buồn thiu trong bài Mưa tháng sáu. Khen cho bạn, bài thơ có cấu tứ chặt nên vượt thắng được những chữ nghĩa và hình ảnh cũ kỹ, ít nhiều đọng lại nơi người đọc một nỗi niềm... mưa: “Mưa tháng sáu/ Phủ trắng miền thơ ấu/ Từng sợi mưa dài/ Phủ trắng chiều tiễn đưa/ Chiều mưa xưa/ Ướt đẫm dại khờ/ Giữa mưa nắng/ Là mênh mông thăm thẳm/ Tháng sáu mưa/ Những chấm than rơi lặng/ Mắt mưa buồn/ Huyền hoặc ngẩn ngơ/ Để bây giờ/ Chiều tháng sáu vu vơ/ Có người buồn/ Ngồi ngóng trời mưa”. Tôi thích các chữ “ướt đẫm dại khờ” nhưng không thích hình ảnh “những dấu than rơi lặng” vì ướt-đẫm-dại-khờ là sự bung phá của chữ nghĩa về một cảm xúc, một kỷ niệm có thật không bao giờ trở lại trong tâm cảm người viết, trong khi những-chấm-than-rơi-lặng là một sự sắp xếp để có vẻ buồn bã, tang tóc nhưng thật ra là từ gợi ý của những hình ảnh thơ mà nhiều người đã nghĩ ra trước bạn.
Tận Hà Tĩnh, bạn Trần Kim Hoàng gửi đến Áo Trắng những bài thơ lạ, từ tựa đề cho đến chữ nghĩa, câu thơ và cả nhịp, vần. Tôi không thể trích dẫn cả bốn bài của bạn, thật tiếc. Tôi muốn lẩy và ngắt (giùm bạn) những câu trong bài Khúc mùa tạm theo một cách khác cho dễ đọc, để thấy rõ hơn hình ảnh bạn đưa ra thật chắt lọc, độc đáo: “Tháng ba/ Cải về trời/ Xoan tím biêng biếc nụ cười sóng sông/ Tháng ba/ Cải ngồng lạnh đi/ Mùa giũ áo xuân bến trời”. Bài Rao cũng có chất ấy: “Mì nời... ời ời ời/ Một giờ sáng rồi/ Đêm chuyển sang ngày.../...Bên kia góc phố/ Tiếng rao đêm trượt ngã/ Con dốc xa gió vồ.../ Mì nời... ời/ Mái phố chuyển cong/ Đêm chuyển lạnh/ Tiếng rao vòng/ Mì nời... đời quẩn quanh...” .
Những hình ảnh bạn dùng không tự nhiên chủ nghĩa chút nào mà như quyện chặt “số phận” với tiếng rao “mì nời” để chia sẻ với cái lạnh đêm khuya của người rao. Tôi thấy thơ bạn không dễ đọc. Với những bài thơ buồn quá, BBT cũng “lo”, với những bài thơ “siêu” quá (theo nghĩa nói xa xôi quá ), BBT cũng “ngại”. Sự lo ngại ấy cũng là điều chẳng đặng đừng. Nhưng bạn đừng vội phổng mũi nhé, bài Nghe một khúc ca, bên cạnh nhiều câu hay hay (thực ra là rất hay) cũng vẫn có vài câu cũ mèm cả chữ lẫn ý, ví dụ: “Dầu dãi chiều cao nguyên nắng dã quỳ loang nhạt/ Mênh mang câu vinh nhục/ Một đời người ai trải mấy giận thương?...”.
Đọc thơ bạn Nghiêm Quốc Thanh (An Giang), tôi đọc kỹ hơn cả thơ bạn Trần Kim Hoàng. Cũng dễ hiểu thôi, thơ bạn Thanh vận dụng rất nhiều thành tố ngữ nghĩa cùng sự “chen lấn” hình ảnh để so sánh, liên tưởng... nhằm làm câu thơ, đoạn thơ đa âm, đa tầng nghĩa. Cả cách đặt tên bài, Quốc Thanh cũng rất “phu chữ”, ví dụ các bài tôi có trên bàn viết: Em về đồi hát tình ca, Vắt bên trời nghe nhói buốt câu thơ, Giấc mơ hình bóng lá... Tâm lý chung là mới đọc thoáng qua những tên bài trên, người đọc dễ “dị ứng” bỏ qua vì cho rằng đó là một sự lập dị, chơi chữ, làm sang... đến nỗi bỏ rơi cả bài thơ hay.
Tôi xin dẫn nguyên văn chỉ bài thơ Vắt bên trời nghe nhói buốt câu thơ: “Ngày chập choạng bằng một màu nâu sẫm/ Ta không hân hoan/ Và khác gì vệt vàng sót qua ô cửa nhỏ/ Của người cuối ngày màu le lói, si mê/ Người si mê màu của cuối ngày le lói/ Về ung dung nở nụ đóa tay gầy/ Ta khô khốc/ Tưởng chừng như cô độc/ Bụi phong trần bủa lấp ngày qua/ Ngày qua bủa lấp bụi phong trần/ Ưu tư gió/ Bướm thôi vờn vườn hiu hắt/ Vắt ngang trời nghe nhói buốt câu thơ/ Câu thơ nghe nhói buốt vắt ngang trời/ Tìm chông chênh đủ níu vào không trung nhớ/ Gió rượt đuổi/ Ta đếm gì còn lại?/ Còn lại gì ta đếm/ Khi bắt đầu những cơn mưa qua...”. Tác giả có dụng ý chơi chữ (và cao hơn chơi chữ là chơi âm và nghĩa) trong mỗi giao đoạn của hai khổ thơ kế nhau (Của người cuối ngày màu le lói, si mê - Người si mê màu của cuối ngày le lói...), tôi thấy mức độ hiệu quả chưa cao nhưng phải nói là có phần sáng tạo. Hai bài còn lại hay hơn và dễ đọc hơn, nhưng tôi không muốn “khen” nhiều nữa, vì chính bài vừa dẫn trên đã đủ là một ví dụ về một kiểu thơ “hay hay” mà bạn đọc Áo Trắng chỉ có thể làm quen chứ chưa tiếp nhận được.
Tôi nói nhiều quá rồi và rút kinh nghiệm “càng nói càng sai” nên xin dừng cuộc chuyện trò tại đây. Nhưng chẳng lẽ đã nói - dù nói dở, mà không thu hoạch gì? Tôi mong được thu hoạch những bài thơ hay (thật sự) của các bạn sẽ gửi về Áo Trắng, những bài thơ xanh tươi hơn lý thuyết xám xịt của tôi.
Áo Trắngsố 21 ra ngày 15/11/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận