25/08/2009 03:03 GMT+7

Kỳ án xứ dừa - Kỳ 5: Khát vọng được sáng tỏ

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Dòng sông Ba Lai ở Bến Tre chứng kiến đêm ông Ba Tùng bẻ hai chiếc khóa còng lội nước gần 2km trong nước lạnh để tìm người minh oan cho mình và vợ. Lúc ấy, con đường đến bót chiêu hồi gần hơn con đường ông hi vọng tìm ra công lý nhờ sự giúp sức của đồng đội.

Kỳ 1: Ba người ở Quới Sơn Kỳ 2: Sự thật sau 30 năm Kỳ 3: Trưởng công an xã bị bắtKỳ 4: Cuộc đối chất sau 32 năm

8VlDABKv.jpgPhóng to
Ông Ba Tùng trầm ngâm kể lại câu chuyện năm xưa - Ảnh: T.Hùng

Có chết cũng ngẩng cao đầu

Một đêm tháng 10-1974, giữa lúc cuộc chiến bên dòng sông Ba Lai diễn ra ác liệt thì tại vùng căn cứ của cách mạng, dũng sĩ diệt xe cơ giới Nguyễn Văn Tùng - xã đội trưởng, bí thư xã đoàn xã An Khánh - bất ngờ bị bắt. Một ngày sau đó, vợ ông ở vùng tạm chiếm cũng bị bắt và đưa gấp vào vùng giải phóng.

Tính cho tới ngày bị bắt, người xã đội trưởng 32 tuổi này đã có 14 năm đi theo cách mạng, mang trong mình hàng chục vết thương, 10 lần nhận các loại giấy, bằng khen, từng diệt 3 xe cơ giới... Và vợ ông, một phụ nữ tảo tần, sống trong vùng chiếm cứ sáng chiều bươn chải chiếc ghe tam bản vô ra vùng giải phóng, khi thì buôn trái bầu trái bí, rọc lá chuối bán kiếm từng đồng lời nuôi đàn con để chồng an tâm lo việc cách mạng.

Đứng sững như trời trồng khi nghe công an huyện đọc lệnh bắt, có sự chứng kiến của bí thư xã, Ba Tùng la lên: “Tôi bị oan, tôi không có tội sao lại bắt tôi?”. Ông Thanh Tùng, bí thư Đảng ủy xã lúc đó, cũng ngơ ngác nói đây là lệnh trên, thôi Ba Tùng ráng “vô đó” mà đấu tranh làm rõ.

Chiến tranh là bất thường và xáo trộn. Ở tù đối phương là đương nhiên, nhưng bị giam bởi những đồng đội từng cùng chung chiến hào với mình thì quả là sự oan nghiệt, trong khi Ba Tùng chỉ biết ông bị tình nghi làm gián điệp. Mỗi ngày, ông Ba Tùng nghĩ về năm đứa con thơ ngơ ngác ở nhà, chí lớn chọc trời khuấy nước ngày nào giờ trong ông biến chuyển chỉ còn một khát vọng được sáng tỏ nỗi oan khiên để được cam lòng.

Rồi một đêm, lúc 7 giờ tối, Ba Tùng gồng tay bẻ gãy hai ổ khóa, viết tờ giấy nhỏ nhét vô lon gô cơm nhắn với cán bộ là ông không trốn tù mà chỉ đi kêu nỗi oan tình, sáng sớm sẽ về. Ông tin rằng Đảng, cách mạng sẽ hiểu thấu lòng ông.

Hai địa chỉ mà ông Ba Tùng nhắm tới để kêu oan là nhà của bí thư và trưởng công an xã. Trong đêm tối mịt mờ, ông men theo dòng sông Ba Lai, từng bước nép theo bờ sông lạnh lẽo đi hơn một cây số rưỡi về phía nhà của bí thư xã ủy. Từng bước, ông phải canh chừng hai nỗi hiểm nguy trên đầu mình.

Phía bên kia, chừng 500 mét là đồn lính đối phương. Phía sau lưng là những đồng đội sẵn sàng đuổi theo bắt lại một “tên gián điệp” vừa bẻ còng tháo chạy. Cách đơn giản và dễ thực hiện nhất là sang đồn lính mà đầu hàng, ông nghĩ thế là sẽ không khổ. Nhưng trong đầu ông lúc đó rồi chỉ còn lại duy nhất một ý nghĩ: Phải ở lại tự rửa oan cho mình, dù có chết cũng ngẩng cao đầu mà chết.

xv32947q.jpgPhóng to

Câu chuyện của ông Ba Tùng từng xuất hiện trên báo chí Bến Tre với hình ảnh một người bị oan khuất song tin tưởng cách mạng đến cùng

Người con xiêu vẹo trở về

Bí thư Thanh Tùng không có nhà. Người trốn tù lội ngược sông, quay đầu sang hướng nhà trưởng công an xã là ông Hai Thăng Long đập cửa. Ba Tùng kể lại tình cảnh lúc đó: “Tới nhà ông Hai Thăng Long lúc 8 giờ đêm, tôi kêu cửa, ông Hai không dám mở. Tôi nói mấy anh hiểu tôi quá cạn cợt, tôi không bao giờ đi làm gián điệp hay đầu hàng giặc. Anh phải xuống phòng công an huyện để thanh minh cho tôi. Tôi van xin tha thiết với anh là tôi bị oan ức, nếu không kêu oan được tôi sẽ tự vận chết ở đây!” (Trích đơn kêu oan).

Đêm nằm vết thương trong cơ thể đau nhức, nhưng đau nhức tâm hồn mới làm ông đớn đau bội phần.

Giờ phút đó là lúc sức sống trong con người ông mãnh liệt nhất: chiến tranh tù đày đã không chết thì giờ phải sống để làm sáng tỏ cuộc đời mình.

Câu chuyện đêm đó tại nhà ông Hai Thăng Long là một chuyện ân tình. Những người dân xung quanh từng biết về ông Ba Tùng kéo đến hỏi thăm, ông kể lại câu chuyện của mình. Một cán bộ ở tỉnh đang nằm dưỡng thương tại đây đi mua bánh cho ông Ba Tùng ăn.

Cuối buổi chuyện trò, người cán bộ ấy tặng ông chiếc khăn nhỏ để trở lại nơi giam giữ có cái mà xài. Sau mấy chục năm với rất nhiều biến cố xảy ra, ông Ba Tùng vẫn không quên bất cứ chi tiết nào về giấc ngủ đêm hôm đó:

11 giờ tối ông mượn chiếc mùng, giăng lên rồi mượn hai ngọn đèn dầu đặt ở hai bên mùng và nằm im chờ đợi một người minh anh xuất hiện để soi sáng nỗi oan cho mình. Rồi 1 giờ đêm, thay vì người minh anh đó, những cán bộ từ trại giam tới và đưa ông về.

Đã nhiều lần ông Ba Tùng muốn chết. Một lần ông nằm lê lết ngoài bờ vườn, một cán bộ tỉnh đi ngang nghe đồn có một đảng viên đang bị giam giữ nên ghé thăm sự tình. Nghe ông Ba Tùng nói, ông hứa sẽ về báo lại cho tổ chức và dặn: “Dù có chuyện gì cháu cũng không được tự tử. Nếu cháu oan, trước sau gì tổ chức cũng sẽ minh oan!”. Ngày hôm sau ông Ba Tùng được phát thuốc chống phù thũng và tiếp tục bị giam.

Ngày giải phóng, giữa rừng cờ hoa rực rỡ, giữa nỗi vui mừng của những người đi làm cách mạng thành công trở về, có một người lầm lũi leo lên chuyến xe chở tù về trại giam tỉnh là ông Ba Tùng. Cán bộ gọi vào phòng hỏi tội gì mà không thấy hồ sơ, và như cả nghìn lần trước ông Ba Tùng lại kể câu chuyện mình bị bắt oan, nhưng rồi ông cũng bị đưa về trại giam Bến Tranh sau đó đưa đi Châu Bình (thuộc huyện Giồng Trôm) lao động. Đến một ngày của năm 1977 ông được về nhà. Dòng sông Ba Lai đón một người con xiêu vẹo bước lần về bến cũ với “tài sản” là cái án oan 4 năm 4 tháng.

Nhưng đó chưa phải là điều kinh khủng nhất của cuộc đời. Người vợ trẻ năm nào bây giờ vì hoàn cảnh éo le không còn muốn gặp chồng. Gia đình tan nát.

Đất được cấp ngày xưa bị thu hồi sau vụ bị tình nghi gián điệp, ông Ba Tùng lầm lì trở về dòng Ba Lai, ra chỗ đất bãi bồi cất cái chòi lá, mượn tiền mua được mấy chục con vịt rồi mấy cha con lủi thủi đi chăn vịt.

Nghèo, phải lấy vải bao cát may áo mà mặc. Đêm nằm vết thương trong cơ thể đau nhức, nhưng đau nhức tâm hồn mới làm ông đớn đau bội phần. Giờ phút đó là lúc sức sống trong con người ông mãnh liệt nhất: chiến tranh tù đày đã không chết thì giờ phải sống để làm sáng tỏ cuộc đời mình.

________________________

Trong cảm giác bực bội, căm tức vì oan khiên, ông Ba Tùng từng nghĩ sau khi được ra tù có thể giết chết ai đó. Nhưng rồi ra tù ông thấy cuộc đời vẫn còn những lòng tốt. Một người đàn bà buôn vịt và một ông già về hưu đã dẫn dắt, thay đổi cuộc đời ông.

Kỳ tới: Chôn hận thù vào quá khứ

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên