Kỳ 1:Sinh ra để... leo dừa Kỳ 2: Quai búa tảo tần
Phóng to |
Mỗi biên bản giám định pháp y là một câu chuyện đau lòng - Ảnh: Hoàng Điệp |
Nhưng điều mình sợ nhất không phải là những khó khăn ấy, mà chính là sự thật hồn nhiên của bà con vùng sâu, vùng xa không am hiểu pháp luật và nghèo đói là những điều khiến tôi day dứt nhất” - chị Thẩm nói.
Ám ảnh
Đó là chuyến đi nhớ đời của chị Thẩm và đoàn cán bộ pháp y của tỉnh Cao Bằng đến xã Hồng An (huyện Bảo Lạc) vào năm 2009 trong một vụ giết người bằng súng kíp. Dù loại súng này đã bị cấm sử dụng nhưng tại những xã vùng sâu, vùng xa, người dân tộc vẫn mua về để săn bắt thú rừng. Nạn nhân bị thủ phạm là hàng xóm bắn chết với 25 viên đạn ghém găm vào hộp sọ. Đây là xã cách thị xã Cao Bằng hơn 200km, đường rất xấu. Để vào được hiện trường vụ án, ôtô phải đậu ở ngoài đường và đoàn cán bộ pháp y gồm năm người phải đi bộ mất bảy giờ mới vào tới nơi. “Đến ngựa cũng không có để thuê, mà ngựa cũng không đi được đường ấy, chỉ đi bộ và leo bám bằng tay. Thực là khó khăn vô cùng” - chị Thẩm kể về chuyến đi giám định pháp y tử thi nhớ đời của mình như vậy.
Sau khi vượt qua quãng đường nhiều khó khăn ấy, điều ám ảnh chị Thẩm và đoàn cán bộ không phải là cái chết của nạn nhân mà chính là hai đứa trẻ con của nghi phạm. Vì nhà của nghi phạm nằm riêng biệt trên một quả đồi nên khi nghi phạm rủ nạn nhân đến nhà rồi sát hại phải mất cả ngày sau công an mới tiếp cận được hiện trường. Cũng phải thêm một ngày nữa cán bộ pháp y mới vào được đến nơi. Lại thêm gần một ngày nữa công việc pháp y mới hoàn thành.
“Khi xong việc đã 5g chiều, lúc ấy chúng tôi mới nghĩ đến việc ăn trưa. Cứ nghĩ có thể mua một ít gạo của bà con bản địa rồi nấu nướng tại chỗ thì có bữa nhưng không phải. Đến lúc xong việc, chúng tôi mới phát hiện hai đứa trẻ con của nghi phạm bị đói lả trong xó nhà. Vì từ khi bố gây ra chuyện rồi bỏ đi, hai đứa không có gì ăn cả ” - chị Thẩm ngậm ngùi kể.
Trong nhà không một hột gạo, không một cọng rau, chỉ còn một ít ngô răng ngựa. Để có được lương thực cho bữa ăn của đoàn và hai đứa trẻ, chính tay chị Thẩm phải đi xay ngô rồi đồ chín. Nhưng ám ảnh hơn nữa là khi bữa ăn tưởng đã xong, lá chuối để thức ăn định dọn đi thì hai đứa bé nhặt lá chuối lên để liếm. “Tôi đã phát khóc khi nhìn hai đứa bé nhặt lá chuối lên để tìm kiếm thức ăn còn sót lại. Chúng đói lâu quá nên ăn bao nhiêu cũng cảm thấy không đủ” - chị Thẩm kể. Khi tìm hiểu thì được biết mẹ hai đứa trẻ đã bỏ mấy bố con đi lấy chồng khác, hai đứa sống đói khát với cha từ rất lâu rồi. Nhà bọn trẻ lại ở xa xôi hẻo lánh nên cũng ít giao lưu với những gia đình khác cùng bản.
Phóng to |
Chị Đoàn Thị Thẩm trong một lần đi mổ để giám định pháp y ở Cao Bằng - Ảnh: Duy Đông |
Thương lắm thân cò
Hơn 10 năm làm giám định viên chuyên mổ tử thi, chị Thẩm không nhớ hết được những ca mổ mà bản thân chị cũng cảm thấy quặn thắt từ trong ruột, đó là vụ người vợ bị chồng giết rồi quấn vào nilông mang chôn ngay sau nhà diễn ra tại thị trấn Bảo Lạc.
“Khi chúng tôi đến đào hố chôn phía sau nhà lên thì thấy thi thể nạn nhân được gói sơ sài trong một mảnh nilông và vùi dưới đất sâu chừng 40cm. Những người hàng xóm cho biết vợ chồng nhà này thường xuyên mâu thuẫn nên người chồng hay đánh đập vợ. Trong một lần đánh nhiều đã khiến người vợ tử vong. Giết vợ xong, anh ta cấm con gái nói với ai nhưng đứa bé đã trốn ra ngoài gọi điện thoại cho người thân để báo tin. Phụ nữ vùng cao vốn rất vất vả, cực nhọc, họ hi sinh bản thân mình vì con, vì chồng. Thậm chí đến miếng ăn, cái mặc cũng không được no đủ, giấc ngủ cũng không được trọn vẹn. Khi đưa xác người phụ nữ ấy lên, tôi đã không thể cầm lòng được vì những gì chị ấy hứng chịu. Không chỉ là một trận đòn mà là vô số vết sẹo, cái mới cái cũ chồng lên nhau, là những vết thâm đen khắp người, là những đoạn xương bị giập gãy...” - chị Thẩm xúc động kể.
Sau khi mổ pháp y xong, chị tìm hiểu câu chuyện từ đứa trẻ thì được biết gần như ngày nào mẹ của chúng cũng bị chồng đánh. Đánh cả ngày lẫn đêm mà bà chỉ cúi mặt xuống chứ không dám phản kháng gì. Chồng đánh xong dù người bầm tím nhưng vẫn phải đi làm, vẫn phải nấu ăn, vẫn phải mua rượu về cho chồng uống. Ngay hôm người chồng đánh chết vợ rồi mang ra sau nhà chôn, chôn xong gọi hàng xóm sang uống rượu. “Công an nói rằng khi họ nhận được tin báo có án mạng, vào đến nhà thì thấy người chồng ác quỷ ấy vẫn đang ngồi uống rượu với hàng xóm, coi việc ấy hết sức bình thường” - chị Thẩm kể tiếp.
Địa bàn rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, trang thiết bị thiếu thốn đủ thứ là những gì mà các giám định viên pháp y của tỉnh Cao Bằng đang làm việc. “Đối với đàn ông chúng tôi làm nghề này đã cực lắm rồi, chứ đừng nói đến phụ nữ” - anh Hoàng Doãn Đông, giám đốc Trung tâm Pháp y Cao Bằng, nhìn nhận.
Và để dẫn chứng những lời mình nói, anh Đông kể về những chuyến công tác gặp mưa rừng, cả đoàn ướt nhẹp. Đến khi trời hết mưa thì đàn ông có thể cởi đồ ra để phơi nhưng chị Thẩm là phụ nữ vẫn phải tiếp tục mặc quần áo ướt. Hay một lần khác đoàn đi pháp y ở huyện Bảo Lạc. Chị Thẩm bị đau bụng nhưng vẫn phải cố làm cho xong. Làm xong đã 18g, 24g về đến thành phố. 2g sáng hôm sau chị Thẩm lên bàn mổ ruột thừa ở bệnh viện tỉnh.
“Mình không thể nào biết được nguy hiểm gì đang đợi phía trước. Bởi không biết trước những người mình tiếp xúc có bị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hay không. Chỉ cần sơ sẩy một tí là có thể lây bệnh” - anh Đông nói.
Chị Thẩm kể: “Ở vùng núi điều kiện làm việc khó khăn, trước đây chúng tôi chỉ có khẩu trang y tế để dùng, chẳng có dung dịch để khử mùi nên khi mổ những thi thể còn mới thì đỡ cực, còn những lần mổ tử thi đã chôn sáu tháng thì đến người thân họ phải quay mặt đi mà chúng tôi lại đâm đầu vào”. Tuy nhiên, có những người quen trong chính ngành y lại rất kỳ thị với chị. “Có lần tôi đi mổ để giám định pháp y về, gặp một đoàn cán bộ mà có người cũng từng làm y tế. Thế mà khi tôi chìa tay ra bắt, người ta quay mặt đi và bảo kinh lắm” - chị Thẩm tủi thân thổ lộ.
_____________
Kỳ tới:Người đẹp “kiến càng”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận