Bây giờ, do yếu tính của thơ ca đã được trả lại với bản chất sơ nguyên hằng hữu của nó là tụng ca cái đẹp, cái độc đáo trong suy tưởng, trong hình ảnh, trong cảm xúc... chứ không chỉ là để phục vụ thứ này thứ kia, cụm ngữ “tự nhiên chủ nghĩa” cũng vắng mặt dần đi, nhưng điều đó không có nghĩa là cụm ngữ này đã mất hết giá trị chỉ định của nó. Nó vẫn có thể dùng để nói về một cách viết, một thái độ trong một sáng tác văn học. Nói rõ hơn, “tự nhiên chủ nghĩa” bây giờ không còn hàm ý phê phán về sự “bỏ mất” ý nghĩa chính trị, thế nhưng nó vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa ban sơ của nó: nói về sự ngây thơ đến độ ngây ngô, sự “thiệt thà” trong cấu tứ, sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ... làm cho sáng tác văn học (bài thơ) trở nên thô vụng, thiếu chất, thiếu bản sắc..., không làm bật lên được đề tài (cũng là nỗi niềm) của người viết, thậm chí có khi tác dụng ngược!
Nhiều tác giả cao tay ấn đưa những hình ảnh, ngôn ngữ “có vẻ” tự nhiên, mộc mạc vào bài thơ, nhưng những tác giả ấy đã có ý thức âm thầm xâu chuỗi, liên kết những thứ đó trong toàn mạch của bài thơ, khiến chúng trở nên là những thành tố không thể thiếu - thậm chí đắt giá, để làm bật lên ý tưởng, cảm xúc của mình, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. (Và như thế là cố ý chứ không còn là tự nhiên nữa).
Tôi mở đầu hơi bị dài dòng như thế để phân biệt với nhiều trường hợp “tự nhiên” chỉ là để tự nhiên của vài tác giả Áo Trắng dưới đây.
Trở lại với tác giả N.T.T.A. (ĐH KHXH&NV TP.HCM) tôi đã nhắc ở kỳ 1. Bài Điểm dừng của bạn là một bài hoàn chỉnh. Câu chữ đẹp và tứ thơ tròn vẹn. Nhưng T.A. bị “tự nhiên chủ nghĩa” ở chỗ “thiệt thà” nói rõ: “Nếu được lựa chọn lần nữa/ Em cũng sẽ e lệ nép vào bờ vai anh/ Để trở thành một nửa tình yêu mong manh/ Có mở đầu… có kết thúc”. Cứ vậy, bài thơ chỉ nhấn nhá ý đó chứ không “đưa” ý tưởng gì khác “xen” vào nhằm làm bật lên - mạnh mẽ hơn nữa, khắc khoải hơn nữa sự hối tiếc tình cũ của mình, để cho người đọc cùng run lên với tác giả. Mượn chữ tác giả mà nói, bài thơ này cũng chỉ dừng lại ở nghệ thuật “có mở đầu, có kết thúc”, tròn trịa về cách viết, về thủ pháp. Hóa ra sự chân thành không thôi chưa đủ làm nên xúc động mà chính là cách diễn tả về sự chân thành đó như thế nào mới quan trọng trong thơ!
Bạn P.Q.L. (CĐ Phát thanh truyền hình 1, Hà Nam) có nhiều câu chữ thực tế, ngộ nghĩnh, gần gũi với đời sống sinh viên khiến thơ bạn có sự sống động, dễ cảm nhất định. Nhưng ở vài chỗ, bạn lại “thực tế” quá đến độ tự nhiên chủ nghĩa mà thành thô, thậm chí nói đừng giận, hơi bị sến nữa đó. Trong bài Tình nghèo có những câu hay hay, lạ lạ: “Đường bụi mờ nhưng vách ngăn chật hẹp/ Dấu chân trần và dấu bước em đi/ Anh đứng đợi đời sinh viên cát bụi/ Cuối con đường anh sẽ đứng chờ em”. “Đời sinh viên cát bụi” là nói hơi quá, nhưng có chất khái quát, ấn tượng, không chừng câu này sẽ trở thành câu đầu môi của giới sinh viên tình nghèo cho coi! Nhưng có những câu như thế này thì thiệt thà quá đến độ ngây thơ - tức ngây ngô, chứ không phải ngây thơ theo nghĩa đẹp đâu: “Đời sinh viên thật quá nhiều đau khổ/ Trái tim cằn u tối mỗi ngày qua... / Trai truyền thanh không anh hùng gan dạ/ Phút yếu lòng rơi lệ dưới chân em...”. Như đã nói, thật tiếc cho P.Q.L. có tài dùng ngôn ngữ “sống”, dễ tạo đồng cảm, ví dụ: “Trái tim nghèo căn phòng chờ em mở/ Cửa gỗ mục, đẩy nhẹ được không em?”, nhưng ranh giới giữa “thực” của đời sống và “thực” của ngôn ngữ cần được phân biệt. Thực của ngôn ngữ phải thành nghệ thuật điển hình hóa, khái quát hóa chứ không là thật... thà, tự nhiên, có sao nói vậy. Tôi tin nếu biết chắt lọc chữ nghĩa hơn, P.Q.L. sẽ có chất của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên lừng lẫy một thời, vì bạn có biệt tài quan sát cuộc sống, nói được sát sườn những chuyện nhỏ mà lớn, có cách nói riêng là vốn liếng rất đáng quý, “dép lê dài khói bụi đóng tim anh”.
Bạn T.T.T. (ttt78@...) chưa hay bằng P.Q.L. về ngôn ngữ, lại giống nhiều bạn khác về sự thật thà: “Trở mặt yêu thương - người bỗng lạ/ Nắng không còn xanh tươi cành lá/ Chim thôi đùa, cất tiếng ca buồn bã/ Mây trắng trong bay về miền muôn ngã” (Ngày). Chữ nghĩa chỉn chu đến độ thiếu bản sắc, chung chung. Thử hỏi “sự trở mặt” tình yêu nào mà không gây nên cảnh buồn bã ấy? Và nhiều bài thơ cũng từng nói vậy rồi. Vấn đề là ta phải nói khác lạ hơn, làm cho kẻ phản bội “thấm thía” hơn chứ không chỉ dừng ở chỗ tả cảnh “đương nhiên” như thế, kẻ phản bội sẽ cười mà nói thầm “thiệt thà như vậy mình... bỏ đi quách cũng không sai”(!).
Bạn T.V.T.H. (Bình Định) làm thơ lục bát khá nhuyễn, câu chữ vài chỗ rất tinh tế, có độ lắng, nhưng có khuyết điểm... lớn là bài nào cũng “thiệt thà” cho người đọc biết ngay rằng tựa bài thế nào thì nội dung sẽ thế ấy, làm như tác giả cứ đưa ý ra sẵn mà viết nên vần cho thành bài! Thơ là tối kỵ chuyện “chưa nói đã biết” như thế. Chẳng hạn với Bài thơ cũ, ý thơ bạn trách người yêu cũ đã đi xa đâu mất để mình luyến nhớ mãi, thế rồi đoạn kết thúc cũng chỉ có chừng ấy: “Bàng hoàng trong giấc mộng nhiều/ Tình đầu nhớ mãi sớm chiều ngàn năm/ Người đi chẳng trở lại thăm/ Rằng bài thơ cũ hồi âm chưa về”. Đọc xong, tôi nghĩ người ta (nếu có thật) đi rồi, đọc bài này của bạn mà còn muốn trở lại thăm hay còn hồi âm thì... mới lạ đó chớ! Mình đừng có thiệt thà nói chờ về thăm, chờ hồi âm gì cả, người ta sẽ ngại lắm, cứ nói “không không” đi (nói “không không” là một kiểu nói hay, thậm chí cao cấp, đòi hỏi nghệ thuật trong thơ lắm đó, khác với cách nói tự nhiên chủ nghĩa) thì có khi người ta đọc sẽ thấy ám chỉ mình, nóng ruột mà hồi âm ngay, tìm cách về ngay, chứ không thích nghe những câu chữ dùng dằng than thở như thế, chỉ khiến chuyện tình yêu thêm lửng lửng lơ lơ, rối lòng, rách việc!
Nhưng có những bài thơ của một số tác giả tưởng là “rối lòng, rách việc” (vì chữ nghĩa trùng trùng) hóa ra lại là những bài hay và khá hay - mà tôi gọi là hay hay, và tôi sẽ “giải oan” cho những bài thơ này để được đăng lên Áo Trắng trang trọng chứ không phải để “trảm” như tôi đã và đang làm qua hai kỳ vừa qua thật quá sức mình và tâm cảm của mình. Có nghĩa là tôi hẹn với các bạn.
Kỳ 3 : “Những bài thơ hay hay được nhìn ra”
Áo Trắngsố 20 ra ngày 1/11/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận