Cái khung sườn có thể lệch, xiên xẹo, huê dạng theo kiểu phá cách (tức câu dài, câu ngắn tùy ý; vần có vần không tùy chỗ) để cho bài thơ (ngôi nhà) có phần mới lạ, nhưng nếu cái khung sườn không có những cột dọc kèo ngang bắt buộc (nhịp câu, điệu thơ) làm nền tảng cho nó đứng được cái đã thì bài thơ có nguy cơ... ngã nhào ngay từ đầu!
Tôi thấy có nhiều bạn bị lâm vào trường hợp này.
Ðơn cử, trong thơ V.T.H.N. (ÐH Công nghiệp TP.HCM) có vài ý hay hay. Nhưng sự xô lệch vần điệu trong câu chữ đã làm những ý đó bị loãng, không quyện lại được: "Ðời cho ta nghe tiếng khóc bi ai/ Có khi đời là nụ cười chất ngất/ Có khi chán chường nỗi cô đơn mỗi tối/ Có khi lại tìm bóng đêm ta ngồi" (Ðời), đọc lên bị "ngang phè phè" thật tiếc.
Nếu ngắt câu "Có khi lại tìm bóng đêm ta ngồi" riêng ra, như một câu thơ tự do, nó khá ấn tượng. Nhưng một khi đã nằm trong văn cảnh chung của đoạn thơ, câu ấy bị hụt hẫng, kém phát huy tác dụng vì bị những câu trên "đè ngang" theo kiểu... vô trật tự, thiếu liên kết.
Một số cây bút khác, dù viết theo thể tự do - và thể thơ này đang mạnh trong khuynh hướng chung, đã có ý thức tạo nhịp điệu câu chữ toàn bài, giúp bài thơ ít nhiều ra dạng một "ngôi nhà".
Song có lẽ do ảnh hưởng của kiểu thơ tự do quá chăng, nhiều bạn mất cảnh giác, bị trôi-tự-do trong cả cảm xúc, ý tưởng, khiến bài thơ trở nên hàm hỗn, mung lung, không kết chặt ra điều muốn nói, hoặc điều muốn nói đó bị nhòe nhạt đi, như giọng người nói trong một cái micrô bị rè vậy.
Ðoạn đầu bài thơ Tình lỡ của N.T.T.A. (ÐHKHXH&NV TP.HCM) rất mời gọi người đọc: "Em gởi tặng anh những bài thơ tình/ Những bài thơ nào phải của riêng đôi lứa mình/ Nhưng chất chứa bao nỗi niềm một thời con gái/ Xơ xác giữa vạt mùa thương nhớ".
Thế rồi qua đoạn hai, bạn tham lam "triển khai" nhiều hình ảnh, dù khá đẹp và "hứa hẹn" cưu mang được nỗi niềm, nhưng rời rạc đến mung lung và sa vào triết lý lê thê, cũng "hứa hẹn" làm đứt mạch cả toàn bài, cắt ngang mất sự mời gọi ban đầu: "Hạnh phúc mong manh gói trong bàng bạc mây trời/ Có đủ ấm đôi tay em qua mùa giá rét/ Tháng ngày đợi chờ nối dài yêu thương trong cay đắng/ Gom nhặt ký ức mà không đủ được một mảnh vỡ". Thật ra, bạn T.A. có năng lực sử dụng chữ nghĩa khá tốt (có lúc hơi lạm dụng), nếu như bạn biết kiệm lời hơn thì những bài thơ của bạn dễ đọc hơn.
Mảng thơ vần điệu truyền thống cũng không hẳn lép vế trong "dòng thác" thơ gửi về Áo Trắng. Thơ truyền thống (gọi tắt vậy cho nhanh) tự thân không có cái gọi là khuyết điểm về vần điệu, nhịp câu, chỉ có tác giả của nó chưa đủ tài làm mới chữ nghĩa, hình ảnh không mới làm cho nó hay bị mang tiếng như vậy. Chính vì ở chỗ này, thơ truyền thống dễ bị phơi bày khiếm khuyết là mòn cũ, ước lệ, trong khi ở cái gọi là thơ tự do, thật ra trong đó nhiều người viết cũng mòn cũ không kém nhưng khéo "núp" vào sự tung tẩy dọc ngang vô lối của câu cú, sự "vụt hiện" ngang tàng của hình ảnh mà được cho là mới lạ, là hiện đại. Thật đáng tiếc, ở những trường hợp dưới đây, tôi buộc phải "nói xấu" thơ truyền thống chỉ vì các tác giả của nó bị sa vào cũ mòn, ước lệ thật.
"Và nhớ lắm, kia hạt mưa, tia nắng/ Bạn bè ơi, từng gương mặt, cái tên/Cả thằng bạn, cả cô nàng nhỏ nhắn/ Cả chút tình vụng dại mãi không quên" (Tạm biệt những mùa không trở lại) là một đoạn thơ thật dễ thương của N.V.K. (Hậu Giang). Tôi nghĩ nếu nó xuất hiện cách nay chừng 5-10 năm về trước, có thể đăng đàng hoàng không mặc cảm trên Áo Trắng. Nhưng nay, tôi có thể cảm thông được với BBT khi giao nó cho tôi "xử", chỉ vì cách nói cùng những hình ảnh dù đẹp, thơ mộng trên đã lặp đi lặp lại quá nhiều trong các bài thơ dù hay dù dở của vô số tác giả. Bạn D.V. (Bình Ðịnh) trong bài thơ Mười năm có hai câu mở đầu hay hay: "Vô tình qua cổng trường xưa/ Phượng rơi nhè nhẹ cho vừa nhớ nhung".
Nhưng tôi đã thấy... hết hay vì những chữ "cho vừa nhớ nhung" rất cũ, rất "của người ta" từ quá lâu rồi, nó không cứu được cái ý hay "phượng rơi nhè nhẹ" (có phượng rơi nhè nhẹ mới có cho vừa nhớ nhung). Nói có sách, mách có chứng, tôi nhớ cách nay khoảng 15 năm, nhà thơ Ðỗ Trung Quân cũng trên Áo Trắng có đăng bài thơ về phượng, về mùa hè quen thuộc, mà anh nói không cũ mòn chút nào: "Cánh phượng vĩ cuối cùng rụng xuống/ Gót giày anh/ Mùa hạ đi qua còn để lại/ Một dấu son môi trên cỏ xanh...". Hình ảnh hoa phượng nhòe trên cỏ đã làm thổn thức rất nhiều tâm cảm người đọc về một bóng hình đã xa xôi thật rồi...
Cũng có bạn không bị cũ mòn trong thể thơ này, nhờ cái tài của mình mà nói bật lên nội dung cần nói. Nhưng có lẽ do muốn tránh lối nói mòn sáo, du dương, tác giả lại sa vào thái cực khác là nói thô mộc quá cũng làm giảm hiệu ứng trong thơ. Tôi muốn nhắc đến P.A. (Bình Ðịnh), một tác giả làm thơ khá nhuyễn. Nhưng thơ P.A. vẫn chưa thật sự hay được, dù nhìn toàn bài thì thấy (bài nào) cũng khá vững, đứng giữa ranh giới đăng cũng được mà chưa thể đăng cũng được. Ấy là do bạn có cách dùng chữ nhiều chỗ lột tả quá, nói rạch ròi quá, làm thô cứng mất chất thơ, cũng có nghĩa là làm hạn chế sự tạo cảm xúc cho người đọc.
Bài Ký ức tuổi thơ có nhiều câu vững, ví dụ: "Dòng La Tinh tre ngã rạp đôi bờ/ Hàng dừa quanh vườn cháy đen như bãi cọc/ Vươn lên trời đỡ bão đạn ngày đêm", hay "Chiếc nôi của tôi là một chiếc hầm/ Khúc à ơi lẫn vào tiếng súng"... Những câu thơ đó biết dừng lại trước sự thô, nhưng câu thơ này, dù trong mạch chảy của bài rất hợp, lại thô thấy rõ: "Tiếng khóc chào đời của tôi trên môi đọng lại/ Tiếng gầm đại bác xé không gian".
Có vẻ câu thơ hơi pha lý sự, trong khi lẽ ra tác giả nên có cách diễn tả "khách quan" hơn. Tự "phân tích" rạch ròi rằng tiếng khóc chào đời của mình trên môi đọng lại... (dù là đọng lại cái gì đi chăng nữa) cũng vô hình trung cho thấy người viết (hay nhân vật trong cuộc chiến tranh) sao còn "bình tĩnh" thế, "nhiều chuyện" thế, "khoe khoang" ra thế, khiến mạch đọc của người đọc thơ bị khựng lại, cảm xúc bị phân tán! P.A. có vài chỗ tương tự như thế trong những bài khác, có lẽ nên coi lại, chứ thật ra toàn mỗi bài bạn đều viết khá vững, có nghề.
Áo Trắng số 19(số 105 bộ mới) ra ngày 15/10/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận