![]() |
Nếu không có lớp học bán trú, những em bé này sẽ phải theo cha mẹ lên nương rẫy. Ảnh: Đ.HẠNH |
2006: Vẫn kiên quyết dẫn con lên rẫy
Xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) gồm năm dãy nhà xây, mái ngói đỏ, đứng san sát nhau dọc trên các con đường hình bàn cờ như cảnh các dãy phố sầm uất. Đây là xã tái định cư của hơn 500 hộ người dân tộc Bana được di dời từ các làng ven bờ sông Pô Kô trong dự án thủy điện Plei Krông. Mới di dời đến đây vào năm 2006, các cư dân này bắt đầu cuộc mưu sinh tại vùng đất mới thay cho những nương rẫy, làng mạc đã chìm ngập trong lòng hồ thủy điện Plei Krông.
Vẫn như ở làng cũ, rẫy cách xa nhà, mỗi sáng đi làm cha mẹ dẫn theo con cái lên nương rẫy để tiện trông nom. Sáng sớm, các thầy cô giáo phải đến từng nhà thuyết phục phụ huynh đưa học sinh đi học. Khó nhất là bậc học mầm non khi cha mẹ kiên quyết dẫn con lên rẫy: “Con mình ở nhà, trưa nó đi học về ai lấy cơm cho nó ăn? Nó còn thấp lắm, lấy không được nồi cơm, nồi cá để trên cái bếp cao đâu”.
Các cô giáo xót xa nhìn những học sinh bé nhỏ của mình theo cha mẹ “đi phơi nắng trên nương”. Lớp học mùa rẫy chỉ loe hoe vài cái đầu cháy nắng. “Phải có lớp học bán trú, trẻ ăn trưa và học cả ngày tại trường thì phụ huynh mới yên tâm đi làm, cho con ở nhà đi học” - cô Nguyễn Thị Thu Thùy, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, xã Hơ Moong, tâm tư.
“Đó là điều xa vời! Tiền mua bút, vở cho học sinh nhà nước cũng phải hỗ trợ thì phụ huynh lấy đâu ra tiền đóng học phí bán trú?”. Có người đóng góp ý kiến ngay khi nghe ý định của cô hiệu trưởng. Nhưng cô hiệu trưởng vẫn tự nhủ: “Chỉ có mô hình bán trú mới giải quyết được tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ lên rẫy”.
Từ đó, cô Thùy đã nghĩ ra mô hình bán trú mà phụ huynh không phải đóng tiền. Thay vào đó, họ sẽ đổi thực phẩm cho trường. Nhà trường sẽ dùng thực phẩm đó chế biến cho bếp ăn bán trú. “Không làm cách này thì làm cách khác, miễn sao đưa được các cháu đến trường, không bị thất học” - cô Thùy trăn trở.
Đổi gạo, bí ngô... lấy “phiếu đi học”
Mới 6 giờ sáng đã có vài ông bố, bà mẹ tay dắt con đến trường, tay còn lại bữa thì ôm quả bí, lúc xách con gà, có khi là xâu cá mới gỡ lưới dưới suối còn quẫy rung sợi dây lạt xâu.
Con vào lớp, bố mẹ vòng ra bếp ăn. Chị bếp thu mua các thực phẩm, quy trả bằng “phiếu đi học” cho bố mẹ. Mỗi ngày đưa con đi học, phụ huynh lại đưa một phiếu cho chị bếp như đặt phần cơm cho con mình. Đến khi hết phiếu, phụ huynh lại gùi gạo, hái bí đem đến bếp ăn bán trú của nhà trường.
Ông Trần Đình Huân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Sa Thầy: Nhân rộng mô hình “đem cơm đến lớp” Huyện đã hỗ trợ kinh phí để mua đồ dùng: cà-men, chăn, chiếu... cho sáu trường mầm non thực hiện mô hình bán trú “đem cơm đến lớp”. Phòng giáo dục đang chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình này cho các trường mầm non vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các trường đều gặp khó khăn về kinh phí. Chúng tôi đang đề nghị huyện hỗ trợ và tìm cách vận động nhân dân đóng góp. |
Đem cơm đến lớp
Không phải phụ huynh nào cũng có thực phẩm mang đến đổi “phiếu đi học”. Nhiều hộ gia đình khác còn khó khăn nên không có thực phẩm thường xuyên đổi cho trường. Cô Nguyễn Thị Thu Thùy lại thực hiện mô hình bán trú “đem cơm đến lớp”. Nhà trường mua cà-men phát cho từng hộ gia đình để họ nấu cơm cho con đem theo đi học.
“Có cháu đem cơm có thức ăn, có cháu chỉ đem cơm trắng, có cháu chỉ đem theo gói mì tôm, thương lắm!” - cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên lớp mẫu giáo lớn, làng Dăk Wơk, kể.
Mấy bữa đầu ăn cơm tại trường không quen cầm muỗng, chỉ chờ cô giáo nhìn ra hướng khác, học trò lại tranh thủ bốc cơm bằng tay. Nhưng sau quen dần, các cháu đã cầm được muỗng xúc cơm ăn. Phụ huynh thì tấm tắc: “Con mình đến trường, được... ăn văn minh, về nhà nó cũng đòi ăn bằng muỗng, không ăn bốc nữa”.
Sáng kiến mô hình “đem cơm đến lớp” được cô Nguyễn Thị Thu Thùy thực hiện từ năm 2007. Năm nay, huyện Sa Thầy đã nhân rộng mô hình này. Kể từ khi Trường mầm non Sơn Ca áp dụng hai mô hình bán trú trên, học sinh không còn theo cha mẹ lên nương rẫy nữa. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt 90% so với trước kia là 50%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận