28/02/2009 04:01 GMT+7

Klaus Krickeberg - người thầy, người bạn

GS NGUYỄN XUÂN XANH
GS NGUYỄN XUÂN XANH

TT - Ngày 1-3, GS Klaus Krickeberg từ thành phố Bielefeld (Đức) đến Đà Lạt để mừng sinh nhật thứ 80 của mình cùng các học trò từ Đức và các nhà khoa học VN trong ngành y tế. Ông là một người bạn lớn của VN.

GfPFvmk1.jpgPhóng to
GS Klaus Krickeberg ăn cơm “bụi” ở VN - Ảnh: N.X.X.

Trong các trí thức nước ngoài ủng hộ VN từ những năm sôi động 1960, 1970, hiếm có người nào bền bỉ sát cánh với VN như ông Krickeberg. Ông đã hoạt động cho ngành thống kê y tế VN hơn 35 năm, và xem VN như quê hương thứ hai của mình!

Đầu năm 1967, tôi gặp GS Klaus Krickeberg sau khi đến học tại Trường ĐH Heidelberg của CHLB Đức. Ông là GS chuyên ngành toán xác suất của ĐH Heidelberg từ năm 1958, và cũng là giám đốc của Viện Toán ứng dụng từ khi mới 28 tuổi. Ông thuộc thế hệ trẻ đang lên của Đức để chấn hưng đất nước, sau khi nền khoa học Đức bị chủ nghĩa quốc xã và Thế chiến thứ hai tàn phá nặng nề.

Nhà toán học chống chiến tranh

Thật bất ngờ khi biết ông là một trong những GS Tây Đức sớm nhất có thái độ chính trị với chiến tranh VN. Năm 1966, ông là nhà toán học duy nhất và đầu tiên ký vào bản kêu gọi chống chiến tranh do Laurent Schwartz nêu ra tại Hội nghị toán học quốc tế ở Matxcơva. Những năm ở Heidelberg, các hoạt động chính trị của tôi và các bạn VN xung quanh tờ báo Hòn Kẽm được ông “che chở” âm thầm một thời gian lúc tờ báo được làm tại phòng làm việc của tôi trong viện toán.

Năm 1971, tôi theo ông về ĐH Bielefeld, phía bắc Đức, một đại học rất mới, rất lớn và có không khí chính trị cởi mở hơn. Ông lúc này tham gia các hoạt động chống chiến tranh tại VN, hằng tháng gửi tiền cho Tổ chức Hilfsaktion Vietnam tại Tây Đức để ủng hộ về mặt nhân đạo cho Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam VN.

Táo bạo hơn, vào mùa hè năm 1974, ông bước lên xe lửa từ thành phố Bielefeld để đi thăm VN, theo lời mời của Viện Toán VN ở Hà Nội. Chuyến đi kéo dài hơn 10 ngày, xuyên qua Siberia, Mông Cổ, Trung Quốc đến Hà Nội. Đó là một sự kiện gây xôn xao trong dư luận vì CHLB Đức lúc đó là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Âu.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông tự học tiếng Việt. Và ông tiếp tục tự học tiếng Việt trên xe bằng cách… đọc bài giảng bằng tiếng Việt tại Hà Nội. Sau đó tại ĐH Paris 7, ông học tiếp về ngôn ngữ và văn hóa VN đến khi lấy được bằng cử nhân năm 1988. GS Krickeberg là người có biệt tài về ngôn ngữ. Ông thạo tiếng Pháp, Anh, Nga, Đan Mạch, Tây Ban Nha và tiếng Hi Lạp hiện đại.

Trở lại Bielefeld, ông triển khai một loạt hoạt động ủng hộ VN, như tổ chức “Tuần lễ VN” cùng Hội sinh viên ở đó, chiếu phim Đường mòn Hồ Chí Minh, tổ chức gửi sách khoa học từ Đức về VN, thuyết trình về ngành toán học VN tại Đức và Pháp.

Ba thập niên gắn bó

Năm 1975 ông đổi chỗ dạy từ Bielefeld qua Đại học Paris 5. Pháp là nước có quan điểm chính trị tốt hơn đối với VN. Chuyến thăm VN trong sáu tuần thực tế đã trở thành khúc quanh trong đời ông, kể cả trong nghiên cứu toán học. Tại Hà Nội, ông đã gặp các nhà toán học VN như GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, GS Tôn Thất Tùng và nhiều nhà khoa học khác, bày tỏ sự quan tâm đến việc ứng dụng toán xác suất thống kê trong y tế, chẩn đoán được hỗ trợ bằng máy. Một “chân trời hoạt động mới” như đang mở ra cho ông.

Năm 1978, sau khi chuẩn bị quy mô, ông trở lại VN ba lần liên tiếp trong năm để giảng bài và làm hội thảo tại nhiều nơi, trong đó có TP.HCM, làm việc với nhiều đại học, viện nghiên cứu và Bộ Nông lâm, Tổng cục Thống kê, đề nghị cách dạy toán có thực nghiệm hơn cho trường học… Các nhà y học VN đến với ông ngày càng nhiều hơn. Ông viết biên bản ghi nhớ về các phương pháp toán và thống kê học trong y tế, đặc biệt trong ngành dịch tễ học. Phương pháp lấy mẫu lần đầu tiên được đưa vào VN, và chẳng bao lâu đã trở thành công việc “cơm bữa” của những người làm thống kê ở VN.

Không thể kể hết những việc làm của ông cho VN trong nước và ở ngoài nước nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và nâng cao trình độ khoa học của các tổ chức và nhà khoa học VN trong ngành. 35 năm là khoảng đời dấn thân liên tục của Klaus Krickeberg cho VN. Các phương pháp toán học trước đây trên bục giảng đã trở thành phương pháp hiệu quả để trợ giúp cải thiện ngành y tế VN. Ông đã thấy các hoạt động “dần dần đem lại cho đời tôi một định hướng hoàn toàn khác” như ông viết.

Các hoạt động của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm cho ngành y tế VN. Tháng 2-2009, Bộ Y tế VN đã quyết định tặng ông kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển y tế VN.

Gần 35 năm qua, ông đã đến VN cả thảy 23 lần. Tôi không hình dung được vì sao ông đã “yêu” một đất nước như VN như thế, khi mà sự khác biệt văn hóa và đời sống rất lớn khiến một người châu Âu khó hội nhập được.

Tôi rất ngạc nhiên khi được nghe ông trả lời: “Tôi có ý kiến hoàn toàn khác, ít nhất đối với tôi và phần lớn những người trong vòng quen biết của tôi. Những khác biệt trong văn hóa giữa VN và nước Đức thật sự không lớn lắm, trong mọi trường hợp nhỏ hơn sự khác biệt giữa nước Đức và Hoa Kỳ; có nhiều cái giống nhau giữa hai nước. Điều tôi không thích ở VN hôm nay chính là những cái không-VN đang lan tràn khắp nơi, sự thắng thế của tâm lý buôn bán, sự phá hỏng cảnh quan, sự phô trương giàu có, sự bắt chước những cái kiểu Mỹ gớm ghiếc, cách ăn uống không lành mạnh, quá nhiều tivi...”.

Bước sang y tế cộng đồng

Từ năm 1978, GS Klaus Krickeberg nhận hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho nhiều nhà khoa học trẻ đến trình độ tiến sĩ, tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học VN tham dự các hội thảo quốc tế trong ngành.

wrhMlars.jpgPhóng to
Soạn thảo mới quyển sách Dịch tễ học cho VN là một trong những việc làm quan trọng của GS K.Krickeberg - Ảnh: N.X.X.

Từ năm 1984-1987, ông làm tư vấn trong khuôn khổ của UNICEF Hà Nội cho các chương trình chăm sóc bà mẹ trẻ em, sốt rét, lao, dịch tễ học tại các trạm y tế làng xã. Năm 1994, Tổ chức GTZ của Đức (về hợp tác kỹ thuật) mời ông tham gia về việc kế hoạch hóa gia đình, với việc thực hiện đề án hoa tiêu tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Mùa thu 2005, ông nhận lời đoàn đại biểu của tỉnh Thái Bình với một đề án hỗ trợ Trường cao đẳng Y khoa của tỉnh Thái Bình trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Tháng 5-2008, qua sự vận động của ông, Quỹ Else Kröner-Fresenius của Đức chấp thuận tài trợ đề án này trong năm năm. Vào tháng 10-2008, buổi làm việc đầu tiên về đào tạo trong ngành y tế cộng đồng đã diễn ra ở Thái Bình.

GS NGUYỄN XUÂN XANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên