22/01/2012 06:07 GMT+7

Kiêng cữ "bứt gân"

Bs. BÔNG BỤP
Bs. BÔNG BỤP

TTC - Mấy ngày tết là thời điểm người ta tuân thủ kiêng cữ nghiêm ngặt nhất với lý do “có kiêng có lành”. Ở đây không bàn hiệu quả, chỉ nói hậu quả: có khi nghiêm trọng, có khi nhẹ hều nhưng cũng lắm khi dở khóc dở cười. Cái ngặt của kiêng cữ ở chỗ: dù chẳng có tẹo nhu cầu kiêng cữ, nhưng người ta vẫn phải kiêng vì ngại mất lòng, vì sợ bị mắng “tết nhất, miệng ăn mắm ăn muối...”.

Xuất hành là mục kiêng cữ đầu bảng. Không vấn đề gì nếu ta quần áo chỉnh tề, thong dong mở cổng, xuất hành. Chỉ ngặt gặp lúc “dầu sôi lửa bỏng” thì chuyện đông, tây, nam, bắc quả là khốn chẳng chơi. Đêm ba mươi, vợ không biết “ăn phải giống gì” đau bụng kêu la. Chồng nhấp nhỏm cả đêm, chờ hừng đông, mua thuốc cho vợ.

Chẳng xa xăm gì, tiệm thuốc tọa ngay bên kia đường, băng qua vài bước là tới. Bứt gân, nó lại nằm chình ình hướng chính Nam, trong khi tử vi năm mới của chồng căn dặn: “mùng 1 xuất hành chính Tây, sự nghiệp hanh thông, gia đình hạnh phúc”. Lựa chọn sinh tử, cuối cùng chồng đành... cắn răng rẽ hướng khác. Đầu năm, chẳng mấy nhà thuốc mở cửa, hết đường binh, anh chồng đành quay lại nhà thuốc trước nhà, mất đứt gần một giờ đồng hồ lòng vòng, bỏ vợ ở nhà lăn lộn...

Ai cũng biết ba ngày tết người ta kiêng quét nhà. Theo tục là tránh tài lộc đội nón ra đi. Biết ý, người ta gắng quét tước, dọn dẹp xong từ ba mươi tết. Chỉ có điều, rác không biết “nín”. Với những gia đình đông người, lắm tiệc tùng, thì chẳng mấy chốc rác “ngập tới lỗ mũi”. Với loại rác vô cơ chẳng nói, đùa vào góc là xong, gặp loại rác hữu cơ mới bi kịch, chỉ sau vài giờ là bốc mùi, gọi ruồi, gián, kiến rần rần kéo đến.

Có trường hợp vì bất cập này mà vợ chồng... suýt đánh nhau. Cô vợ là tín đồ “có kiêng có lành” vào hàng cuồng tín, bao nhiêu rác rến cấm tiệt động đến. Anh chồng ưa sạch, ức không chịu được, mấy lần toan vớ cây chổi , đồ hốt rác thanh toán đống rác “tài lộc”, đều bị vợ nghiêm khắc... cảnh cáo. Anh chồng “quân tử trả thù mười năm chưa muộn” dằn lòng, đợi đêm vợ ngủ say, bèn trở dậy. Không may, vợ mò xuống nhà đi vệ sinh, phát hiện ông chồng đang lui cui dọn rác...

Các bác sĩ đôi khi cũng rơi vào tình cảnh dở mếu dở cười khi gặp những bệnh nhân kiêng nói gỡ khi đến khám bệnh ngày tết. Danh sách những từ cần giữ mồm giữ miệng khá dài, tựu trung đó là những từ có nội dung xúi quẩy, tối tăm, mạt vận như chết, tử vong, máu me, đàm, nhớt, phân, hôi hám, đau đớn, đen, tuyệt, tận, tan (tan vỡ, tang gia) tiêu chảy (tiêu tùng), tai biến...

Thậm chí những từ đậm tính liên tưởng như thương hàn (hàn - nghèo), thiếu máu (thiếu đói), sốt rét (đói rét), tụt huyết áp, khí hư (hư hỏng), huyết trắng (trắng tay), dại (ngu dại) cũng bị đưa vào danh sách cấm kỵ... Biết ý thì thôi, gặp bác sĩ không biết lựa lời, có khi bị bệnh nhân quay lưng đi nhưng miệng lầm bầm mắng: “Năm mới năm me, gặp phải thằng cha miệng ăn mắm ăn muối”.

Trong trường hợp này, để tránh “vong cả năm”, người bệnh thường tìm cách nói trớ, thay bằng từ khác hoặc nín luôn không nói. Nhiều tình huống bi hài từ màn “chơi chữ” cữ kiêng này. Ông nọ là chủ trại tôm miệt vườn, mới đầu năm bị “Mạnh Đức đại nhân” rượt nặng, mặt mày méo xẹo, vào viện khám.

Bác sĩ hỏi triệu chứng, bệnh nhân kiêm doanh nhân ngại mấy từ phân, tiêu, chảy, nên nhất nhất nói tránh là “đi ngoài”, “đi toilet”, “đi khó”. Bác sĩ không rõ, cáu sườn vặn đi vặn lại: “có tiêu chảy nhiều không, phân thế nào, phân có đàm nhớt không, có máu không?”... Hỏi riết một hồi, bệnh nhân toàn lắc và gật, không thèm ư hử, bác sĩ lấy làm lạ, nhìn kỹ thì thấy bệnh nhân đang nhìn mình với “đôi mắt hình viên đạn” rồi không nói không rằng đứng dậy bỏ đi một nước!

Một bác sĩ trẻ kể lại một ca khám bệnh buồn cười mà cô là người trong cuộc. Chiều mùng 2, cô gái bị hành kinh đau bụng dữ dội, phải vào trung tâm y tế khám. Bác sĩ hỏi bệnh: “Rối loạn kinh nguyệt lâu chưa, có khí hư không, có hôi không?”. Nữ bệnh nhân ấp a ấp úng rồi ấm ức không kiềm được buột miệng sửa lưng bác sĩ: “Tết nhất, bác sĩ đừng nói hư, hôi, rối, loạn... xui lắm bác sĩ ơi!”. Cô bác sĩ chỉ còn nước trố mắt nhìn. Cuối cùng thầy thuốc - bệnh nhân cũng đi đến thống nhất cách khai bệnh kiểu... bút đàm: Hỏi, trả lời bằng giấy viết.

Dẫu sao, kiêng cữ cũng là một trong những điểm thú vị của ngày xuân. Đa phần vô hại, nhưng lắm khi cũng đưa người vào thế ngặt. Lúc này, không còn “có kiêng có lành” nữa. Thôi thì gạn lọc, cái nào hữu lý thì kiêng, cái nào vô lý thì thôi.

a8gul28z.jpgPhóng to
1x7hetC5.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số Tất Niên (số 444) ra ngày 15/01/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Bs. BÔNG BỤP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên