Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn, miền Bắc đang vật lộn với lũ lụt, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức quan trọng để tránh nguy hiểm và tự cứu mình một cách khoa học trong bão lũ.
Mỗi người cần chuẩn bị gì nếu có lũ lụt?
Căn cứ thông tin lũ lụt do đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí và các phương tiện truyền thông địa phương cung cấp, kết hợp với vị trí, điều kiện của bản thân, mỗi người hãy bình tĩnh tự vạch ra phương án sơ tán tốt nhất, tự chọn đường sơ tán tốt nhất, tránh tình trạng bị động.
- Nhận biết rõ biển báo đường, làm rõ lộ trình, điểm đến sơ tán, tránh đi sai đường do hoảng sợ.
- Chuẩn bị đủ đồ ăn liền hoặc đồ ăn có thể nấu trong vài ngày, chuẩn bị đầy đủ nước uống và nhu yếu phẩm hằng ngày.
- Chuẩn bị sẵn các vật dụng phòng chống lũ lụt.
Nên dự trữ một số vật dụng phòng chống lũ lụt ở nhà như còi, đèn pin, áo phao, phao cứu sinh. Luôn để sẵn búa khẩn cấp, hộp dụng cụ phần cứng, để khi ở trong xe khi bị ngập sâu vào nước, dùng búa đập vào các mép, góc kính cửa bên dễ bị vỡ để thoát ra ngoài.
Chuẩn bị sẵn nước uống sạch, đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn có nhiều năng lượng như kẹo, bánh.
Chuẩn bị đồ vật chống lạnh như quần áo đủ mặc, chăn mền ở nơi cao. Đồ vật mang theo được như tiền, vàng bạc, kim cương thì khâu vào quần áo. Những đồ vật có giá trị không thấm nước, khó mang theo có thể chôn xuống đất hoặc đặt ở nơi cao.
Những việc nên làm khi gặp lũ
Trước lũ: Lũ lụt nghiêm trọng thường xảy ra ở các sông, vùng ven biển và vùng trũng khi có mưa bão liên tục hoặc lớn.
Trước khi lũ đến thường có một số dấu hiệu báo trước như nước sông hoặc suối bỗng đục, tốc độ dòng chảy tăng, mực nước dâng cao, tiếng nước gầm như tiếng tàu chạy từ xa đến gần, động thực vật có phản ứng bất thường, cần chuẩn bị thiết bị liên lạc, đèn pin, còi, gương, bật lửa, quần áo nhiều màu sắc và các vật dụng khác có thể dùng làm tín hiệu kêu cứu.
Khi lũ ập đến: Đầu tiên là phải chuẩn bị đầy đủ và di chuyển lên cao hơn để chờ cứu hộ, trôi trên bè hoặc bơi chỉ là phương án cuối cùng.
Nếu có đủ thời gian, nên đi theo lộ trình đã định và di chuyển có tổ chức lên sườn đồi, vùng cao, hoặc tìm một tòa nhà cao tầng kiên cố để di chuyển lên đó. Quá trình di chuyển, phán đoán để tránh bị lũ.
Trong quá trình di chuyển, hãy chú ý thu thập các vật thể giúp làm nổi, ví dụ như thùng gỗ, can nhựa, các chai nhựa.
Khi lũ về quá nhanh và không kịp sơ tán, có thể trèo lên mái nhà, cây hoặc tường cao để trú ẩn tạm thời và chờ cứu hộ.
Khi bị lũ bao vây, mực nước tiếp tục dâng cao thì phải tự làm bè thoát thân. Bè có thể là cửa, giường gỗ, tủ gỗ, hộp, can nhựa, chai nhựa, bất kể thứ gì nổi được trên mặt nước càng nhiều càng tốt. Nếu không tìm được dây kết bè thì sử dụng ga trải giường, chăn, màn, thậm chí là quần áo để làm dây.
Trước khi leo lên bè phải thử xem bè có nổi được không. Việc thu gom thức ăn, các thiết bị phát tín hiệu (như còi, đèn pin, cờ, ga trải giường sáng), mái chèo là rất cần thiết. Trước khi rời khỏi nơi trú ẩn để nổi, hãy ăn một ít đồ ăn và uống một ít đồ uống nóng để tăng cường sức lực.
Khi có điều kiện liên lạc, có thể báo cáo tình hình lũ lụt, tình trạng mắc kẹt cho chính quyền địa phương và cơ quan kiểm soát lũ lụt và tìm kiếm sự trợ giúp khi không có điều kiện liên lạc, bạn có thể bắn pháo hoa, đốt lửa, đốt khói, dùng còi, đèn pin, gương phản chiếu, vẫy cờ hay quần áo rực rỡ, kêu gọi sự giúp đỡ, liên tục gửi tín hiệu khẩn cấp ra thế giới bên ngoài.
Cần nhớ, cố gắng không bơi một mình, nếu phát hiện tháp điện cao thế bị sập hoặc dây điện treo thấp hoặc đứt, hãy tránh xa nguy hiểm và không chạm vào hoặc đến gần chúng.
Những việc nên làm nếu gặp phải lũ lụt trong đô thị
Trong lũ lụt, lượng mưa liên tục hoặc lượng mưa lớn tăng cao làm tăng nguy cơ ngập úng đô thị, cần có những phản ứng và những việc làm kịp thời.
- Chú ý cảnh báo sớm: Liên tục tiếp nhận thông tin cảnh báo sớm về mưa lớn, tích tụ nước, tình trạng lũ lụt do cơ quan khí tượng thủy văn ban hành.
- Lưu ý khi đi lại: Chú ý biển cảnh báo an toàn phòng chống lũ lụt bên đường, cố gắng ở gần các tòa nhà và tránh những nơi có xoáy nước để tránh rơi vào khu vực nguy hiểm như giếng sâu, hố không có nắp cống.
Không đi lại ở những nơi trũng như cống, hầm chui. Tránh xa các cơ sở điện, nếu thấy các tháp điện cao thế hoặc cột điện bị đổ, hãy nhanh chóng di chuyển. Nếu trong nhà xảy ra tình trạng úng nước, nên cắt ngay nguồn điện và van gas.
- Lưu ý khi lái xe: Cố gắng không trú mưa trong xe.
Khi lái xe qua đoạn đường có nước đọng, nếu không quen với điều kiện đường sá, nên chú ý các biển cảnh báo và tránh lội xuống nước. Khi bắt buộc phải lội nước, hãy bật đèn pha, đèn nháy kép, đồng thời giữ khoảng cách rộng với xe phía trước để tránh nước dâng và nước bắn vào động cơ khiến xe chết máy.
Khi phải lái xe ở vùng nước sâu, hãy giữ vững chân ga, băng qua mặt nước với tốc độ thấp và tốc độ không đổi, đồng thời cố gắng không dừng lại, không chuyển số hoặc rẽ gấp.
Khi xe chết máy ở vùng nước sâu, không nên khởi động lại để tránh nước vào động cơ. Lý do, khi ô tô bị ngập trong nước, nước có thể lọt vào lọc gió. Khi động cơ ngấm nước, bugi bị ướt nên không thể đánh lửa.
Khi nước ngoài xe ngày càng sâu, về nguyên tắc, ngay lập tức phải thoát ra ngoài. Cụ thể, khi nước dâng nhanh hoặc xe rơi xuống nước, việc đầu tiên cần làm là tháo dây an toàn và mở cửa xe, vì dùng cửa hông để thoát thân là cách an toàn và nhanh nhất sau khi xe rơi xuống nước, lúc này phải mở ngay khóa điều khiển trung tâm điện tử đề phòng trường hợp khóa cửa bị hỏng.
Nhưng nếu hệ thống khóa trung tâm mất điện và khóa cửa hoặc áp lực nước quá cao và cửa không mở được thì chỉ có thể thử cách sau: đập vỡ cửa kính ô tô và thoát ra ngoài càng sớm càng tốt. Xe sẽ chìm trong một khoảng thời gian nhất định sau khi rơi xuống nước. Đừng sợ xe sẽ chìm nếu bạn mở cửa sổ.
Nếu mở hoặc đập được cửa, xe sẽ chìm trong vòng 5-10 giây, nên phải nhanh chóng chui được ra khỏi xe để thoát thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận