04/06/2015 00:10 GMT+7

​Kiên Giang tái cơ cấu nông nghiệp bằng cây lúa, con tôm

Nguồn: UBND tỉnh Kiên Giang
Nguồn: UBND tỉnh Kiên Giang

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang chủ trương không giảm diện tích đất lúa nhưng sẽ cơ cấu lại mùa vụ và thực hiện luân canh rau màu, nuôi trồng thủy sản…

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, người nông dân đã gắn bó nhiều năm, nhiều đời với sản xuất lúa nước, kinh nghiệm và trình độ thâm canh hiện nay rất cao. Hơn nữa, tư liệu sản xuất hiện nay của nông dân cũng chủ yếu phục vụ cho trồng lúa, nếu chuyển qua trồng màu thì phải mua mới hoặc cải tiến lại mới sử dụng được.

Tuy nhiên, trong cơ cấu mùa vụ sẽ giảm dần diện tích trồng lúa ở những vùng không thuận lợi để chuyển sang luân canh cây màu trên đất lúa.

Cụ thể, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã đăng ký với Bộ NN&PTNT kế hoạch chuyển đổi năm 2015 là 4.000 ha, chủ yếu là cây ngô (bắp lai), đậu tương (đậu nành) và vừng (mè). Đến năm 2020, diện tích tăng lên 10.000 ha, trong đó ngô chiếm 7.000 ha, đậu tương 2.000 ha và vừng 1.000 ha.

Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 135 ha ngô, 379 ha vừng trên đất lúa, chủ yếu tập trung ở huyện Giang Thành và Hòn Đất. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo huyện Giang Thành xây dựng dự án sản xuất bắp lai vụ xuân hè luân canh trên đất lúa với diện tích 600 ha.

hinh-7-1433405370.jpg

Đại diện Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, mục tiêu tái cơ cấu mà ngành đặt ra là phát triển sản xuất nông nghiệp và thủy sản theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, có giá trị gia tăng cao thông qua cơ cấu giống, sản xuất tập trung theo phương thức chuyên canh, thâm canh… Đồng thời, liên kết sản xuất gắn với hợp đồng bao tiêu, chế biến và xuất khẩu.

Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án quy hoạch vùng lúa chuyên canh chất lượng cao xuất khẩu 120.000 ha giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, làm đê bao khép kín và xây dựng trạm bơm điện để hạ giá thành.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh xây dựng cánh đồng lớn theo hướng VietGAP. Đến nay đã thực hiện được 90 cánh đồng trong 8 vụ lúa với tổng diện tích 10.790 ha, sản lượng 71.352 tấn. Đồng thời duy trì và nhân rộng các quy trình sản xuất lúa tiên tiến như: công nghệ sinh thái, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, IPM…

Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, vụ đông xuân 2014-2015, các doanh nghiệp đã ký kết bao tiêu 10.523 ha, sản lượng lúa hàng hóa 71.254 tấn.

Tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn giai đoạn 2015-2020, theo đó đến năm 2017 diện tích 57.000 ha, năm 2020 là 100.000 ha. Hiện tại đã có 3 doanh nghiệp xây dựng phương án thực hiện cánh đồng lớn với tổng diện tích 32.810 ha.

Về lĩnh vực thủy sản, tổ chức khai thác theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ sang tàu công suất lớn, khai thác xa bờ, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia.

Từ năm 2013 đến nay, Kiên Giang đã giảm được hơn 700 tàu, hiện còn 10.000 tàu, nâng công suất bình quân từ 161 CV lên 177,5 CV/tàu. Sản lượng khai thác tăng từ 437.370 tấn (năm 2013) lên 462.000 tấn (năm 2015).

Chăn nuôi chuyển từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp, trong đó tập trung vào các đối tượng chính là heo, bò và gia cầm.

Lâm nghiệp thực hiện quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên, từng bước thay thế các diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao; tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng.

Nguồn: UBND tỉnh Kiên Giang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên