Phóng to |
Qua thu mẫu đã xác nhận loài côn trùng đó có tên thường gọi là kiến ba khoang đuôi nhọn - Paederus fuscipes curtis (Staphylinidae, Coleoptera - ảnh). Con trưởng thành rất thích bay vào đèn, thân mình dài độ 10mm, màu đỏ có ba khoang đen ở đầu, cánh và cuối bụng. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ.
Con cái có độc tố pederin (còn gọi là cantharidin, thuộc loại alkaloid) trong một đôi tuyến ở cuối bụng dùng để bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài thiên địch khác tấn công. Cho nên nếu con vật bị chà xát hay chạm mạnh thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người làm có cảm giác cháy da, đau đớn.
Loài này xuất hiện vào đầu mùa mưa khi có ẩm độ cao, nhất là sau các đám mưa lớn đầu mùa. Chúng thường sống trong ruộng lúa, ăn rầy nâu và rất thích ánh sáng đèn nên thường vào đèn chung với rầy nâu ở những nơi có nhiều ruộng lúa bao quanh như TP.HCM hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Độc tố có tính chất làm phồng rộp da, nổi mụn nước, nhất là ở mặt, cổ, hông, nách (sợ nhất là vào mắt có thể làm bỏng võng mạc). Vết phồng thường xuất hiện độ một ngày sau khi bị dính độc tố. Nếu được trị thì sau một tuần sẽ hết. Có trường hợp để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết.
Tình trạng này đã xảy ra ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ tại các lưu trú xá của trường học, trại lính vào ban đêm có đốt đèn neon sáng xanh thu hút con trưởng thành.
Biện pháp phòng trị: Tránh nơi có đèn sáng quá vào những đêm này; rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố (nhất là ở mắt), bôi thuốc, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận