Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, vùng sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước, không nên trộn lẫn cà phê nhân của niên vụ trước với niên vụ này để xuất bán, dễ làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu cà phê của Việt Nam và của vùng Tây Nguyên.
Cũng theo Hiệp hội cà phê-Ca cao Việt Nam, ngay từ đầu năm giá cà phê nhân còn ở mức từ 40.000-41.000 đồng, sau đó càng về cuối vụ, giá cà phê nhân càng giảm xuống sâu, chỉ còn 35.400-35.800 đồng/kg nên các doanh nghiệp, nông hộ càng găm hàng, khiến lượng cà phê cũ tồn dư khá lớn. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2015-2016.
Do vậy, để bảo đảm chữ “tín” với khách hàng trong, ngoài nước, Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp, các nông hộ cần để riêng sản phẩm cà phê nhân của từng niên vụ xuất bán. Thực tế, việc trộn lẫn cà phê niên vụ cũ với cà phê niên vụ mới khiến màu sắc cà phê không đồng đều, hương vị đặc trưng không đồng nhất, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.
Hiện các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 573.400ha; trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch 532.499ha, với sản lượng ước đạt trên 1,2 triệu tấn cà phê nhân. Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất nước, với trên 204.500ha; trong đó có gần 193.000ha cho thu hoạch, với sản lượng từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên.
Kế đến là tỉnh Lâm Đồng, có diện tích cà phê trên 157.307ha; trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch 145.762ha, với sản lượng từ 350.000 tấn cà phê nhân trở lên.
Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê ở vùng Tây Nguyên đã chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để thu hoạch nhằm góp phần nâng cao chất lượng cà phê nhân niên vụ 2015-2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận