25/07/2011 20:00 GMT+7

Khúc chiến ca của mẹ hổ - Kỳ 6: Quy trình chuẩn mực

AMY CHUA
AMY CHUA

TTO - Ba giáo viên dạy dương cầm đầu tiên cho Sophia đều không hợp lắm. Người đầu tiên Sophia gặp khi nó lên ba là một cô giáo già khắc khổ người Bun-ga-ry, tên là Elina sống ở nhà hàng xóm của chúng tôi.

0ZZYLiMI.jpgPhóng to

Cô ấy mặc một chiếc váy kiểu dáng kỳ dị, mang tất dài đến đầu gối, và có vẻ như phải vác tất thảy khổ đau của thế giới này trên vai.

Ý tưởng của cô ấy về việc học dương cầm là đến nhà tôi và chơi đàn trong một tiếng đồng hồ, còn tôi và Sophia ngồi trên chiếc đi-văng, lắng nghe nỗi đau khổ dày vò của cô ấy. Buổi học đầu tiên kết thúc, tôi cảm thấy đầu mình quay cuồng hết cả lên còn Sophia thì quay ra chơi với con búp bê bằng giấy. Tôi rất sợ phải nói với Elina rằng việc học hành không thể thực hiện được, ái ngại rằng cô ấy có thể khóc lóc than van vọng qua cả mấy bức tường. Vì vậy, tôi đã nói với cô ấy rằng chúng tôi vô cùng hứng khởi nếu được nghe một bản nhạc khác, và tôi sẽ sớm liên hệ lại với cô ấy.

Giáo viên tiếp theo chúng tôi thử là một người nhỏ bé khác thường với mái tóc ngắn cắt vòng tròn, và cặp mắt kính viền dây kim loại, tên là MJ, đã từng ở trong quân đội. Chúng tôi không thể nói rõ là MJ là nam hay nữ, nhưng MJ thường mặc com-lê với chiếc nơ con bướm, và tôi thích phong cách đơn giản này. MJ nói với chúng tôi trong lần đầu tiên gặp mặt là Sophia có khiếu âm nhạc rõ rệt. Bất hạnh thay, MJ biến mất sau vỏn vẹn ba tuần. Một hôm chúng tôi tới nhà MJ để học như thường lệ thì thấy chẳng còn dấu tích nào của MJ ở đó nữa. Thay vào đó là những người lạ hoắc, với đống đồ đạc khác hẳn trong nhà.

Giáo viên thứ ba là một anh chàng chơi nhạc jazz có giọng nói nhẹ nhàng tên là Richard, với phần hông nở nang. Anh ta cho biết đã có một cô con gái hai tuổi. Trong buổi gặp đầu tiên, anh ta cho tôi và Sophia một bài diễn thuyết dài ngoằng về tầm quan trọng của đời sống hiện tại và cách cư xử cho mỗi người. Không giống như các giáo viên truyền thống, anh ta nói rằng anh ta không tin vào việc sử dụng sách vở do các tác giả khác viết, mà thay vào đó lại nhấn mạnh cảm hứng và sự tự thể hiện của mỗi người. Richard cũng nói rằng không có quy tắc nào cho âm nhạc cả, chỉ có cảm giác đúng mà thôi, và chẳng ai có quyền phán xét bạn cả, và thế giới dương cầm đã bị hủy hoại bởi tính thương mại và sự cạnh tranh khốc liệt. Anh chàng khốn khổ - tôi đoán chừng anh ta cũng chẳng hơn một kẻ thất bại là mấy.

Là chị cả trong một gia đình Trung Quốc nhập cư, tôi không có thời gian để sáng tạo hay thiết lập ra những quy tắc của riêng mình. Nhưng tôi thuộc một dòng họ cần được tiếp tục làm rạng danh, mà cha mẹ tôi thì đã quá già để có thể tự mình giành lấy niềm tự hào đó. Tôi thích những mục tiêu rõ ràng, và cách thức rõ ràng để đo đếm được thành công.

Đó là lý do tại sao tôi thích cách thức dạy chơi dương cầm của Suzuki (*). Có cả thảy bảy cuốn sách, và mỗi người đều phải bắt đầu từ cuốn số một. Mỗi cuốn sách gồm từ mười tới mười lăm bài hát, và bạn phải chơi lần lượt theo thứ tự. Bọn trẻ luyện tập chăm chỉ sẽ được giao thêm bài mới mỗi tuần, ngược lại, bọn trẻ không luyện tập sẽ mắc lại ở bài đó hàng tuần trời, thậm chí hàng tháng, và đôi khi chỉ thoát khỏi được vì chúng đã chán ngấy rồi. Dù thế nào đi nữa, kết quả là vài đứa trẻ nhờ sách của Suzuki mà tiến bộ chóng hơn những đứa khác. Vì vậy, một đứa trẻ bốn tuổi luyện tập chăm chỉ có thể vượt xa một đứa trẻ sáu tuổi, và một đứa trẻ sáu tuổi cũng có thể vượt xa một đứa mười sáu tuổi, và còn nhiều ví dụ khác, đã lý giải tại sao hệ thống Suzuki lại nổi tiếng với việc sản sinh ra “thần đồng” như vậy.

Đây chính là điều đã xảy ra với Sophia. Cho đến khi Sophia chưa được năm tuổi, chúng tôi đã dàn xếp với một giáo viên huyền thoại của Suzuki tên là Michelle, có một phòng thu âm dương cầm khổng lồ ở New Haven đặt tại Neighborhood Music School (**). Kiên nhẫn và mẫn cảm, Michelle thu nhận Sophia - ông đánh giá cao năng khiếu của con bé nhưng cũng nhìn thấu được những gì còn ẩn dấu phía sau gương mặt đó - và chính vì thế mà Michelle đã truyền được cảm hứng và tình yêu âm nhạc tới Sophia.

Phương pháp Suzuki quả là tuyệt vời đối với Sophia. Nó học vô cùng nhanh và có khả năng tập trung trong thời gian dài. Nó cũng có một lợi thế văn hóa lớn: Hầu hết các học viên ở trường đều là con cái của những bậc cha mẹ phương Tây hào phóng, họ chẳng có mấy quyết tâm và thường nuông chiều con cái khi phải luyện tập. Tôi nhớ tới cô bé Aubrey, chỉ phải luyện một phút mỗi ngày trong năm, tới khi đó cô bé đã lên bảy. Những đứa trẻ khác được trả công cho việc luyện tập, là những cái kem hoa quả to tướng hoặc bộ xếp hình Lego đầy đủ. Và còn rất nhiều lý do được đưa ra để khỏi phải luyện các bài tập hàng ngày.

Điểm mấu chốt trong cách tiếp cận của phương pháp Suzuki là ông bố hay bà mẹ được yêu cầu tham dự vào các buổi học nhạc và sau đó sẽ giám sát các buổi luyện tập ở nhà của con cái. Điều này có nghĩa là mỗi giây phút Sophia ngồi bên cây đàn là tôi đều ở đó với con bé, và tôi cũng luyện tập luôn. Tôi đã từng luyện đàn khi còn nhỏ, nhưng cha mẹ tôi không có tiền để thuê ai đó giỏi giang dạy, vì vậy tôi đã kết thúc việc học với một người hàng xóm thỉnh thoảng vẫn tổ chức những bữa tiệc tùng ồn ào xen giữa buổi học của tôi. Cùng với giáo viên của Sophia, tôi bắt đầu học tất cả mọi điều về nguyên lý và lịch sử âm nhạc mà tôi chưa từng biết trước đó.

Về phía Sophia, theo tôi nó phải luyện tập ít nhất 90 phút mỗi ngày, kể cả ngày cuối tuần. Với các bài học hàng ngày, chúng tôi luyện tập nhiều gấp đôi. Tôi buộc Sophia phải ghi nhớ tất cả, kể cả khi không cần thiết phải thế, và tôi chẳng bao giờ thưởng cho cho nó một xu. Đó là cách chúng tôi đã bứt phá qua những cuốn sách của Suzuki. Các bậc phụ mẫu khác chỉ tập trung vào một cuốn sách mỗi năm. Còn chúng tôi bắt đầu với khúc biến tấu “Twinkle, Twinkle” (Quyển 1); ba tháng sau Sophia đã tập Schumann (Quyển 2); sáu tháng sau đó con bé đã chơi một bản xô-nát của Clementi (Quyển 3). Và tôi vẫn cảm thấy là chúng tôi đang học quá chậm.

Đây có vẻ là một thời điểm thuận lợi để nói ra tất cả mọi điều. Sự thật là, không phải lúc nào Sophia cũng thấy dễ chịu khi có một người mẹ như tôi. Theo Sophia thì tôi thường nói khi giám sát con bé luyện đàn thế này:

1. Trời ơi là trời, con chơi càng ngày càng tệ.2. Mẹ sẽ đếm đến ba, sau đó cái mẹ cần là âm nhạc thật sự!3. Nếu một lần nữa con chơi chưa THÀNH THẠO, mẹ sẽ THU HẾT THÚ NHỒI BÔNG CỦA CON VÀ ĐỐT SẠCH!

Khi hồi tưởng lại, những ý kiến dạy dỗ kiểu này có vẻ khá cực đoan, nhưng mặt khác chúng cũng có hiệu quả tốt. Tôi và Sophia rất hợp nhau. Tôi có niềm tin mù quáng và định hướng đầy phiến diện, còn Sophia lại có sự chín chắn, tính kiên nhẫn, và lòng cảm thông mà lẽ ra tôi nên có mà lại không có được. Con bé chấp nhận mọi lý lẽ tôi đưa ra với mong muốn đó là những điều tốt đẹp nhất cho nó - và còn bỏ qua những lúc tôi lỡ lời khi nổi nóng hoặc nói những điều làm tổn thương nó.

Khi Sophia lên chín, nó giành được giải thưởng cuộc thi dương cầm ở địa phương với bản nhạc Butterfly của nhà soạn nhạc Edvard Grieg người Na-uy. Butterfly là một trong số sáu mươi sáu bản nhạc trữ tình của Grieg , những tác phẩm âm nhạc được thu nhỏ lại, điều đó có nghĩa là người trình diễn phải gợi ra được một tâm trạng hoặc hình ảnh đặc biệt. Butterfly phải được biểu diễn sinh động và vô cùng thoải mái - và phải tốn nhiều giờ luyện tập vất vả mệt nhoài mới chơi được như thế.

Các bậc cha mẹ Trung Quốc sẽ thấy chẳng vui vẻ gì cho đến khi bạn thực sự giỏi giang một môn nào đó. Để giỏi giang ở bất kỳ môn nào chắc chắn bạn chăm chỉ chuyên cần, và trẻ con thì chẳng bao giờ lại tự động thích thú với việc lao động đó. Đó là lý do tại sao về cơ bản các sở thích của chúng bị gạt sang một bên. Điều này thường đòi hỏi sự chịu đựng ngoan cường ở phía cha mẹ vì bọn trẻ sẽ phản kháng quyết liệt; và mọi việc luôn khó khăn nhất lúc bắt đầu, đó cũng chính là điểm khiến các ông bố bà mẹ phương Tây đành phải buông tay.

Nhưng nếu để thực hiện thích đáng, thì chiến lược của người Trung Quốc được đưa ra thành hẳn một quy trình mẫu mực. Tập luyện kiên trì, tập luyện, và tập luyện chính là điều kiện tiên quyết cho sự hoàn hảo. Nhưng ở Mỹ, việc luyện tập kiểu thuộc vẹt như thế lại bị xem thường. Khi đứa trẻ bắt đầu vượt trội về môn nào đó - dù là toán, dương cầm, bóng chày hay là ba-lê đi nữa – thì nó sẽ được ca ngợi, ngưỡng mộ, và thỏa nguyện ước mơ. Điều này gây dựng được niềm tin và mang lại niềm vui từ hoạt động ban đầu chẳng lấy làm vui vẻ gì. Điều này cũng tác động trở lại các bậc làm cha làm mẹ, khiến họ dễ dàng bắt con cái ôn luyện hơn.

Tại buổi hòa nhạc mang lại chiến thắng của Sophia, khi nhìn thấy những ngón tay khéo léo của con bé lướt êm và bay bay trên các phím đàn giống như đôi cánh bướm, thật sự tôi ngây ngất trong tự hào, vui sướng và hy vọng. Tôi chẳng thể đợi chờ đến tận ngày hôm sau để luyện tập và tìm hiểu nhiều hơn nữa về âm nhạc cùng con bé.

***************

(*) Shinichi Suzuki (1898 - 1998): Sinh tại Nagoya (Nhật Bản) trong một gia đình chuyên sản xuất vĩ cầm, ban đầu ông tự học chơi vĩ cầm, sau đó thì sang Đức để tìm thày dạy đàn. Năm 1945, Suzuki khởi xướng chương trình Giáo dục Tài năng nhằm giáo dục cho trẻ em có tâm hồn cao quý từ một nền âm nhạc lớn và rèn luyện chuyên cần.

(**) Neighborhood Music School: Trường nghệ thuật cộng đồng ở New Haven, Connecticut, Mỹ, chuyên giảng dạy âm nhạc, khiêu vũ và kịch nghệ cho người lớn và trẻ em mọi lứa tuổi với mọi cấp độ. (ND)

Kỳ 1: Người mẹ Trung QuốcKỳ 2: Sophia Kỳ 3: LouisaKỳ 4: Dòng họ Chua Kỳ 5: Gia tộc suy vong

************************************************

Kỳ tới: Mẹ Hổ may mắn. Tôi vào trường luật chủ yếu là vì không muốn theo học trường y. Tôi gặt hái thành quả giỏi giang ở trường luật bằng cách học tập điên cuồng...

AMY CHUA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên