![]() |
Kỳ 1: “Địa ngục trần gian” Kỳ 2: Người tù đứng lên
Muỗng, cà mèn và năm tháng
Biết rằng chỉ một lần vượt ngục không thành là cầm chắc cái chết trong tay, nhưng các tù binh Phú Quốc vẫn quyết định tổ chức một cuộc đào thoát. Tham gia chiến dịch đào hầm vượt ngục toàn các tử tù. Trong số những người đào hầm vượt ngục tại trại A5 ngày ấy hiện còn sống ở TP.HCM có ông Nguyễn Văn Năng.
Ông Năng kể: “Sau khi tôi về khu A5, anh em tổ chức đào hầm. Khu trại A5 trước đó đã có một lần đào hầm vượt ngục nhưng bị lộ, lần này có 40 người tham gia. Trong đó chia thành từng nhóm bốn người lần lượt đào hầm, nếu chẳng may kế hoạch bị bại lộ thì anh em chỉ mất bốn người đầu tiên. Bốn người đầu tiên được phân công lãnh trách nhiệm là Nguyễn Văn Năng, Trần Xuân Việt, anh Mạnh (đã hi sinh ở đảo) và anh Năm (đang ở Đà Nẵng)”.
Nhật ký của cựu tù Nguyễn Văn Năng ghi rõ: “Bắt đầu từ ngày 25-1-1971, mở miệng hầm ở cuối phòng số 8, ngoài vỉa hè”. Bốn người chịu trách nhiệm mở miệng hầm là Thắng, Thuần, Tuấn và Tư đã chuẩn bị cho miệng hầm rất công phu: dùng cơm trộn với xà phòng, đất sét làm hộc miệng, dùng gỗ vạt nằm làm miệng và nắp hầm.
![]() |
Một số dụng cụ dùng để đào hầm vượt ngục của tù binh ở Phú Quốc - Ảnh: L.Điền |
Lớp rào ngoài cùng có quăng kẽm gai bùng nhùng. Ngoài lớp rào bùng nhùng này là trảng cỏ tranh rộng 100m, sau khoảng cỏ tranh đó là bìa rừng. Rừng Phú Quốc có cây to, chủ yếu là kiền kiền, bằng lăng.
Cuộc đào thoát với sự tính toán rất công phu. Anh em đào hầm chia ra thành nhiều tổ: tổ cảnh giác, tổ giấu đất, tổ đào. Các tổ làm việc cật lực trong điều kiện bí mật tuyệt đối. Tổ giấu đất có nhiệm vụ nặng nề, phải giấu cho được khối lượng đất đưa lên từ 30m đoạn đường hầm ban đầu.
Chiều sâu ban đầu là 1,5m, nhưng độ sâu này chỉ đào đến 30m. Sau đó đào cạn hơn. Đào hầm có nhiều kỹ thuật, ông Nguyễn Hữu Minh nhớ lại: "Đầu tiên chúng tôi ngắm hướng đào theo hàng rào cho thẳng, sau đó phải kiếm cây gỗ làm một cái thang rộng bằng đường kính lòng hầm, đào tới đâu kéo theo cái thang tới đó. Dụng cụ đào hầm chỉ là những đồ dùng sinh hoạt do tù binh tự làm như muỗng, ca, ấm, cà mèn... Đoạn đường hầm dài 120m, anh em tù ở phân khu A5 đào suốt năm tháng”.
Ngày 5-5-1971, đường hầm đã gần xong, chi bộ của khu trại A5 họp xem xét ai nằm trong danh sách vượt ngục, hàng trăm người xung phong, nhưng cuối cùng gút lại 28 người. Đến ngày 11-5-1971, một ngày trước khi vượt ngục, danh sách gút lại là 27 người. Đúng 9 giờ đêm 12-5-1971, 27 người tù lặng lẽ xuống hầm.
“Lúc đó, cả đoàn trườn đi như rắn, như những chiến sĩ đặc công trong giờ xung trận. Tổ đi đầu phải chuẩn bị cây chống hàng rào, cây móc để treo hàng rào, các cọng thép để chốt các loại mìn, trái sáng, lựu đạn địch gài ở mỗi lớp rào mà ta chạm phải”, ông Năng kể.
“Ra đến trảng cỏ tranh, ngước lên thấy trời đêm đen đặc, gió thổi mát, cảm giác trong người lại như bị ngộp, một phần vì quá mừng, nghẹt thở, khớp cả hai chân không đi được. Cả đoàn dừng tại trảng cỏ tranh 5 phút rồi mới cắt đường chạy vào bìa rừng”, ông Năng nhớ lại giây phút được tự do.
Luồn rừng ròng rã ba ngày thì gặp được du kích Dương Tơ. Đến tháng 6-1972 họ mới được đưa về đất liền tiếp tục chiến đấu. Mãi sau này họ mới biết do địch không phát hiện được đường hầm ngay, nên tối hôm sau (13-5-1971) một số anh em tù ở trại B5 gần đó chui qua “đi ké” 15 người, bị bắn chết hai người, 13 người thoát được.
![]() |
Ông Nguyễn Dương Kế (bên trái), người cựu tù đã đào thoát ở trại tù Phú Quốc năm xưa, gặp lại đồng đội cũ trong buổi họp mặt cựu tù Phú Quốc lần 14 - Ảnh: Vũ Bình |
Câu chuyện của ông Nguyễn Dương Kế vượt ngục hết sức éo le. Ông Kế ra Phú Quốc ngày 31-1-1969, ở phân khu Đ5. “Đầu năm 1971, chi bộ khu Đ5 tổ chức đào ba hầm để vượt ngục. Đến tháng 7-1971, hầm ngắn nhất đã gần xong thì một người tù tên Nguyễn Văn Biên bị phát hiện là chiêu hồi cài vào. Đảng bộ trại Đ5 họp khẩn cấp và đi đến quyết định phải thủ tiêu Biên để giữ an toàn cho anh em vượt ngục. Thủ tiêu Biên thì phải có người ra nhận tội để giữ bí mật cho anh em. Tôi tuy không tham gia nhóm loại Biên nhưng để anh em sống, tôi xung phong đứng ra nhận để chết thay cho anh em”, ông Kế kể.
Địch tra tấn ông Kế hết sức dã man, tra tấn xong chúng vứt ông vào chuồng cọp, rồi về biệt giam A2. Đến ngày 14-12-1971, ông Kế bị đưa về Cần Thơ và đưa ra trước tòa án binh vùng 4 chiến thuật, tuyên án tử hình. Trước ngày bị đưa ra pháp trường, ông Kế tổ chức vượt ngục.
Ông Kế nhớ lại: “Chuyến vượt ngục cực kỳ mạo hiểm. Bốn người tù chúng tôi bấm tay nhau quyết tâm: về với đồng đội, dù chỉ một người cũng thành công. Lợi dụng đêm tối, chúng tôi dùng sắt khoét nền nhà giam, sau đó moi đất chui dưới hàng rào bùng nhùng, qua được lớp rào bùng nhùng, móc đất trát kín cả người và bò ra mỗi người một hướng. Tôi ra tới bờ sông Bình Thủy thì nằm lại, mãi đến chiều 21-12 lần mò ra sông Hậu thì gặp lại hai anh Long và Pha. Sau này mới biết anh Đào, người tù thứ tư, đã bị bắt trở lại. Biết quân giải phóng ở đâu mà tìm”.
|
“Du kích xã và bộ đội địa phương đã chống càn quyết liệt bốn ngày, nhưng cũng vừa rút, do đó tôi và hai đồng đội lại lần mò theo dấu chân du kích đi theo đường mòn bí mật, đi mãi cuối cùng khi ngẩng mặt lên thì thấy một anh du kích đang ngồi ăn cơm! Sau khi nghe anh em trình bày sự việc, anh em du kích hết sức bất ngờ. Họ đưa chúng tôi về tỉnh đội Vĩnh Long. Sau bao năm tháng ngục tù, gặp lại đồng đội, đồng chí, ai cũng rơi nước mắt vì sung sướng. Vậy mà khi du kích chống xuồng đưa chúng tôi về tới huyện thì cán bộ an ninh huyện ập vào gí súng tuyên bố bắt giam chúng tôi. Không ai có thể tin ba tù binh từ đảo Phú Quốc xa xôi lại có thể được đi máy bay vào Cần Thơ rồi vượt ngục ra với cách mạng. Tất cả đều nghi ngờ ba chúng tôi là gián điệp địch cài vào vùng giải phóng”, ông Kế hồi tưởng.
Ông kể: “Có lần khi nghe tôi nói đi nói lại về tình huống vượt ngục và cách tôi tìm ra đường để vào khu du kích, anh Tư Tứ - người phụ trách thẩm vấn - nói nếu không có ai đó chỉ đạo, việc đó chỉ có Khổng Minh mới làm được, khai thiệt đi để khoan hồng. Tôi đang bị xích tay còng chân nhưng vẫn phản đối: Tôi là người cộng sản, anh không phải là cộng sản nếu anh nói việc tôi kể là chỉ có Khổng Minh mới làm được. Bác Hồ đã nói không có việc gì khó, nếu anh là cộng sản thì phải hiểu rằng chỉ có làm hay không làm thôi, khi quyết tâm làm thì việc gì làm cũng được. Anh Tư Tứ im lặng”.
Khi việc xác minh hoàn tất, du kích quân Vĩnh Long tin ba người tù binh đúng là những chiến sĩ cách mạng, họ đã đưa các anh vào đơn vị chiến đấu cho đến ngày thống nhất đất nước.
Có một người cựu tù binh đã ba lần khăn gói trở lại Phú Quốc rồi chắt chiu từng đồng lương mọn để đi khắp đất nước trong suốt 20 năm qua, tìm lại hơn 2.000 kỷ vật của những đồng đội đã vào sinh ra tử nơi “địa ngục trần gian” về xây dựng một bảo tàng nhỏ nơi quê nhà để “không quên một thời phải nhớ”...
Kỳ tới: Người cựu tù binh và bảo tàng kỷ vật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận