19/02/2004 06:06 GMT+7

Khu vực ưu tiên?

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TT - * Có những khu vực (KV) ưu tiên nào? Cách tính điểm chênh lệch giữa các KV này được thực hiện ra sao? (Nhiều bạn đọc)

- Trong kỳ tuyển sinh 2004, có tất cả bốn KV tuyển sinh gồm KV1, KV 2, KV 2 nông thôn và KV 3. Trong đó, KV1 bao gồm các địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo qui định của Chính phủ và các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo; KV2 gồm các TP không trực thuộc trung ương và các thị xã, các huyện ngoại thành của TP trực thuộc trung ương; KV2 nông thôn gồm các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3; KV3 gồm các quận nội thành của TP trực thuộc trung ương.

Điểm ưu tiên KV được tính theo thứ tự KV1, KV2 nông thôn, KV2 và KV3. Trong đó, mỗi KV ưu tiên cách nhau 0,5 điểm. Như vậy, thí sinh thuộc KV1 sẽ được hưởng điểm ưu tiên KV cao nhất là 1,5 điểm, trong khi thí sinh thuộc KV3 không được hưởng điểm ưu tiên nào.

* Ngành địa chất của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) tuyển sinh khối nào, đào tạo những kiến thức gì, ra trường có thể làm việc ở đâu? (Nguyễn Thị Ánh Liên)

- Năm 2004, ngành địa chất của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) có 150 chỉ tiêu, tuyển sinh khối A. Chọn ngành này, sinh viên có thể học theo các chuyên ngành như địa chất dầu khí và khoáng sản, địa chất công trình, thủy văn, điều tra khoáng sản và địa chất môi trường.

Tùy mỗi chuyên ngành, sau khi ra trường sinh viên có thể làm việc tại các công ty khảo sát thiết kế phục vụ xây dựng các loại công trình, công ty khai thác nước ngầm, thăm dò khai thác dầu khí, ban quản lý dự án, các sở khoa học công nghệ và môi trường, các công ty khai thác khoáng sản hoặc có thể làm những công việc liên quan đến địa chất, các trường, viện nghiên cứu...

* Ngành công nghệ tự động và ngành cơ điện tử của ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khác nhau như thế nào? (Nguyễn Thiện Toàn)

- Mặc dù có một số môn học giống nhau như hình họa - vẽ mỹ thuật, kỹ thuật điện… nhưng cơ bản hai ngành này vẫn có một số sự khác biệt nhất định. Ngành công nghệ tự động tập trung hơn vào các nội dung như công nghệ chế tạo máy, nguyên lý kết cấu động cơ, công nghệ kim loại. Trong khi đó ngành cơ điện tử tập trung vào những môn học khác như điện tử công suất, kỹ thuật số, lập trình, kỹ thuật cảm biến, vi xử lý ứng dụng, kỹ thuật điều khiển và điều chỉnh…

* Ngành nhân học là ngành học thế nào? Sau khi ra trường, sinh viên có thể làm gì? (Tuyết Mai)

- Năm 2004 là năm đầu tiên ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ tuyển sinh ngành nhân học. Đây là ngành khoa học nghiên cứu tổng hợp về con người trong mối quan hệ cộng đồng của nó trên các phương diện sinh học, xã hội, văn hóa.

Tốt nghiệp ngành nhân học, sinh viên có thể làm việc trong các cơ quan trung ương và địa phương liên quan đến ngành học về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa (làm nghiên cứu, thẩm định, đánh giá phục vụ các chương trình tài trợ, đầu tư phát triển hoặc thiết kế dự án....) hoặc có thể làm giáo viên, cán bộ giảng dạy lĩnh vực nhân học.

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên