04/07/2005 06:04 GMT+7

Khu du lịch của những người khiếm thị

VŨ BÌNH
VŨ BÌNH

TT - Nằm trên một dải đất nhỏ ven ngã ba sông Rạch Tra - Sài Gòn thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM có một ngôi làng khá đặc biệt. Những cư dân sống nơi đó đều là những người khiếm thị hoặc tật nguyền.

0NFXg9kp.jpgPhóng to

Những nghệ sĩ khiếm thị đang biểu diễn phục vụ du khách ở khu du lịch sinh thái Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM)

TT - Nằm trên một dải đất nhỏ ven ngã ba sông Rạch Tra - Sài Gòn thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM có một ngôi làng khá đặc biệt. Những cư dân sống nơi đó đều là những người khiếm thị hoặc tật nguyền.

Họ sống âm thầm lặng lẽ cho đến ngày một khu du lịch sinh thái được mọc lên... và họ trở thành những người phục vụ, hướng dẫn viên, nghệ nhân, nghệ sĩ...

Một tour đặc biệt!

Khi tôi đến làng khiếm thị Thạnh Lộc cũng nhằm lúc có đoàn khách người Nhật vừa ghé vào tham quan.

Tôi không khỏi bất ngờ khi Huỳnh Thị Minh Hương, cô “hướng dẫn viên” du lịch, bước lần dò từng bước một nhưng lại rất chính xác khi đưa khách đến tham quan từng khu xưởng sản xuất, đến các quầy triển lãm các mặt hàng.

Hương còn có thể chọn đúng tên từng sản phẩm để thuyết minh, giới thiệu cho khách. Dường như ở cô đã có một cảm quan đặc biệt và một sự luyện tập rất công phu theo những sơ đồ định sẵn.

Đưa cho khách xem một bức tranh được cẩn bằng vỏ dừa, cô giới thiệu: “Xưởng sản xuất của tụi em hiện có khoảng 20 người thợ, đều là người khiếm thị và khuyết tật vận động, đảm trách. Tất cả đều đã trải qua các khóa đào tạo về làm hàng thủ công mỹ nghệ do các nghệ nhân nổi tiếng trong TP đến giảng dạy.

Hằng tháng, ngoài việc sản xuất và bán hàng tại chỗ cho khách tham quan, xưởng còn cung cấp một khối lượng lớn hàng cho thị trường trong và ngoài nước. Nhiều khách đặt hàng đều bất ngờ khi biết những món hàng tinh xảo này đều do những người khiếm thị làm ra...”.

Câu chuyện bị ngắt ngang khi có hai du khách người Nhật tỏ ra rất xúc động, nói nhỏ gì đó với người phiên dịch rồi bước lại xin chụp hình chung cùng Minh Hương và hai người thợ khiếm thị. Đa số khách tham quan đã chọn mua một số mặt hàng ngay tại chỗ và nhờ người đóng gói chuyển lên thuyền.

Minh Hương bảo hầu như tuần nào cũng có một vài đoàn khách trong và ngoài nước nghe tiếng, tìm đến tham quan, mua hàng. So ra còn ít ỏi nhưng cũng là một tín hiệu lạc quan cho những anh chị em nơi này...

Một sân khấu nhỏ được thiết kế nằm kề bờ sông khá ấn tượng, dưới những rặng dừa xanh ngát, lồng lộng gió. Ban nhạc gồm năm nhạc công chơi guitar tân, cổ lẫn đờn cò và sáo... Hai “ca sĩ” Minh Nhựt và Minh Hương song ca rất “mùi” bài tân cổ giao duyên Một đời người, một rừng cây...

Sau bữa cơm trưa với các món ăn dân dã cùng người khiếm thị, nghe kể về cuộc đời và những câu chuyện vượt lên số phận của chính họ, tôi theo đoàn khách tham quan lên du thuyền đi dạo một vòng 7km đường sông Sài Gòn - Rạch Tra, kéo dài từ quận 12 qua huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, thăm các lò gốm ở Lái Thiêu...

Khi quay trở lại khu du lịch, những kỹ thuật viên khiếm thị đã túc trực sẵn, đón chúng tôi ngay cổng, dẫn vào phòng phục vụ vật lý trị liệu để được phục hồi sức khỏe.

SYRjZ2Dj.jpgPhóng to
Khách tham quan mua hàng của những người khuyết tật ở khu du lịch sinh thái Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM) - Ảnh: Vũ Bình
Từ những người lang thang, cơ nhỡ...

UBND phường Thạnh Lộc và cơ sở xã hội Kỳ Quang đã tận dụng eo đất ven ngã ba sông rộng hơn 1,3ha và gầy dựng thành vườn cây ăn trái sum suê, mát mẻ với ý định ban đầu chỉ là nơi đùm bọc những thân phận khốn khó.

Nhưng cuối năm 2004 đã có ý tưởng: “Sao không để chính những người khuyết tật làm chủ lấy cuộc sống tương lai một khi họ có tay nghề, có tinh thần vươn lên?”. Phường Thạnh Lộc hỗ trợ thêm 5.000m2 đất liền kề cơ sở theo đường sông để nối kết với nhau hình thành khu du lịch sinh thái.

“Quan trọng nhất là mô hình này đã giúp các em khiếm thị tự tin, hòa nhập được với cộng đồng xã hội...” - ông Mai Văn Phúc (trưởng ban quản lý cơ sở bảo trợ xã hội Kỳ Quang - Thạnh Lộc) nói.

Tôi hỏi Minh Hương về những cảm nghĩ của cô khi trở thành một “hướng dẫn viên” du lịch, cô gái trẻ mỉm cười, e thẹn: “Trước đây mỗi khi gặp đám đông là em né tránh, sợ hãi. Khi các anh chị bàn việc mở khu du lịch, ban đầu ai cũng sợ, cũng lo... Anh thấy các khu du lịch khác thế nào, ở đây làm có giống họ không?”.

Cô gái trẻ quê ở Tây Ninh này đã bị căn bệnh đậu mùa cướp đi đôi mắt khi vừa tròn 4 tuổi. Nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ phải chạy ăn từng bữa nuôi Hương bị tật nguyền. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Hương lang thang lên TP trải qua nhiều mái ấm, nhà mở..., sau cùng được đưa về cơ sở Kỳ Quang - Thạnh Lộc.

Nhớ lại những ngày đầu Minh Hương kể: sau khi được đào tạo đặc biệt chỉ bằng âm thanh về những giáo trình du lịch, cam go nhất với các “hướng dẫn viên” vẫn là chuyện dẫn khách tham quan. Hương cho biết để có thể đưa khách tham quan đến đúng từng nơi, từng khu vực, cô và các bạn của mình phải luyện tập rất kỹ.

Ví dụ như từ vị trí xuất phát đến xưởng thủ công là 30 bước, ra sân khấu là 10 bước... Cứ như vậy mà thực hiện. Còn để gọi tên, chọn cho đúng từng mặt hàng, nhạc cụ thì các học viên cũng phải tập theo sơ đồ định vị và phải thao tác trước trên sản phẩm ở từng buổi tập...

Thật bất ngờ, nằm khuất sau vườn cây cạnh khu du lịch còn có một làng với những ngôi nhà xinh xắn lợp lá, vách ván là những tổ ấm hạnh phúc của năm cặp uyên ương đều là những nhân viên nơi này.

Tôi theo vợ chồng Minh Nhựt, Phước Hải - hai thành viên trong ban nhạc của làng du lịch - đi thăm mái ấm của họ. Căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng, đầy đủ vật dụng gia đình. Hải quê ở Tây Ninh, mồ côi từ nhỏ, bị khiếm thị bẩm sinh trôi dạt lên TP bán vé số dạo kiếm sống rồi được người quen giới thiệu về đây.

Gặp Nhựt có cùng cảnh ngộ, hai người cảm thấy đồng cảm, gần gũi chia sẻ rồi yêu nhau. Vậy là nên vợ nên chồng từ ngôi làng khiếm thị này. Họ đã có cô con gái gần 3 tuổi dễ thương, bụ bẫm.

Bây giờ Nhựt vừa là “hướng dẫn viên” kiêm “ca sĩ”, còn Hải vừa phục vụ vật lý trị liệu vừa là nhạc công của các chương trình văn nghệ. Hai vợ chồng đã có một cuộc sống tương đối ổn định nhờ vào nguồn thu nhập từ việc phục vụ trong làng du lịch.

VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên