![]() |
Đường vào khu di tích Nguyễn Du |
Đến thăm Khu di tích Nguyễn Du vào một buổi chiều tháng 7 khi những ánh nắng hè đã dịu mát. Từ trong xe, nhìn qua ô cửa sổ, những rặng phi lao cao vút chen lẫn với những rặng liễu đìu hiu, ẩn hiện sau khung cảnh nên thơ, lãng mạn ấy là những lũy tre làng bao bọc xung quanh khu di tích. Điểm du lịch Khu di tích Nguyễn Du hiện lên trên một vùng đất cát uy nghiêm trông như một lâu đài cổ kính. Điểm thu hút khi lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này đó chính là quang cảnh xung quanh ngôi nhà thờ Nguyễn Du. Phía trước khu di tích là một cánh đồng lúa chín vàng trải dài thẳng tít lên tận chân núi. Bên kia những hàng cây đa cổ thụ tỏa bóng mát ra tận con đường lớn, gần đó không xa, trước cổng khu di tích là dòng sông Lam nước xanh biếc chảy qua, ở hai bên sông những bông hoa sen, hoa súng nối dài đến tận vùng hạ lưu.
Bước vào bên trong, tôi hết sức ngạc nhiên bởi những rặng dừa được trồng cách đây từ rất lâu, bên cạnh nó là những cây si, cây muỗm, cây bàng và phượng chen chúc nhau trong một rừng cây cổ thụ. Trong đó, du khách sẽ rất ấn tượng khi tận mắt nhìn thấy cây muỗm do cụ Nguyễn Quỳnh, ông nội của Nguyễn Du, trồng vào khoảng năm 1715. Thân cây với những vết lồi lõm khổng lồ, cành cây vươn xa mấy chục mét, tán cây che bóng mát cả một sân trường. Rễ của cây nối lên mặt đất như hàng chục con trăn. Kề sát với cây muỗm là đền thờ đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh do Xuân quận công Nguyễn Nghiễm xây dựng vào năm 1762 để thờ phụng và ghi nhớ công ơn cha mẹ. Giữa khung cảnh cổ kính ấy, nhà thờ đại thi hào Nguyễn Du hiện lên trên một gò đất cao thiêng liêng. Trong ngôi nhà thờ ấy còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật mà sinh thời Nguyễn Du hay sử dụng. Chiếc khèn ba lá, chiếc áo long phượng hoàng, đôi giày cổ xưa và bát đũa vàng...
Vào sâu một chút bên trong khu di tích, vượt qua một rừng cây phượng là nhà tư văn 1, nhà tư văn 2, trước đây là văn thánh hàng huyện thờ Khổng Tử ở làng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân năm 1735 được chuyển về đặt trong khu vườn dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Nó cũng là nơi dùng để sinh hoạt đàm thoại văn chương của các nhà nho.
Chia tay với nhà tư văn, tiến thẳng vào khu trung tâm là bia Cầu Tiên, đó là bài ký do Nguyễn Du soạn nói về nguyên nhân, ý nghĩa của việc bắc cầu cho nhân dân qua lại. Bia Cầu Tiên còn ghi nhớ những người có công trong việc góp tiền của để xây cầu. Nằm gần bia Cầu Tiên là tượng Khám Đá trước đây đặt ở đền thờ Nguyễn Huệ, bác ruột của Nguyễn Du, về sau sông Lam thay đổi dòng chảy làm đền thờ bị đổ, con cháu Nguyễn Tiên Điền đã đưa vào khuôn viên khu di tích. Ở phía bên kia, bia Trường Ninh được đặt kề những ngôi chùa cổ kính với đá hoa kim cương. Được xây dựng vào khoảng năm 1601.
Nhưng công trình hoành tráng nhất phải kể đến đó là những ngôi chùa cổ nằm san sát nhau bên cạnh đền thờ của Nguyễn Du. Trước đó là tượng đồng Nguyễn Du cao 5m, nặng gần 8 tấn. Bên trong nhà chùa cổ còn lưu giữ các bản dịch Truyện Kiều và rất nhiều sách quý. Tuy thời gian đã nhuốm màu các trang sách nhưng về cơ bản chúng vẫn giữ nguyên được bản gốc và được lưu giữ rất cẩn thận.
Mảnh đất Nghi Xuân không chỉ nổi tiếng bởi truyền thống yêu nước và hiếu học, mà ở đó mỗi khi nhắc đến người ta còn tưởng nhớ đến một danh nhân văn hóa đại thi hào Nguyễn Du. Ai một lần đặt chân tới vùng đất này sẽ có những kỷ niệm không thể nào quên trong đời về thiên nhiên và con người Nghi Xuân. Mảnh đất nghèo nhưng tình người dào dạt. Con người Nghi Xuân vốn cần cù, chịu thương chịu khó. Không chỉ mến khách, họ còn rất hiền lành và nhân hậu như bản tính của ông cha ngày xưa.
Cách Khu di tích Nguyễn Du khoảng 2km, chúng ta sẽ đến với bãi tắm xinh đẹp Xuân Thành, nơi có những làng chài, những bãi cát trắng tinh, những bãi biển trải dài tận chân trời xanh biếc. Ở đây con người và thiên nhiên thật hữu tình.
Hãy một lần về Nghi Xuân để thưởng ngoạn những phong cảnh đẹp nên thơ trữ tình. Đến thăm Khu di tích Nguyễn Du, mộ Nguyễn Nghiễm, ngược về dòng sông Lam để hòa mình vào những bãi biển xinh đẹp, cùng với những con người cực kỳ thân thiện và mến khách.
Áo Trắng số 15 (ra ngày 15-8-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận