![]() |
Ngôi nhà được xây dựng kiên cố trong KBTTN với mục đích du lịch cho khách thuê |
Những trang trại... sinh thái
Ở bình độ 180m, phóng thẳng tầm mắt nhìn toàn cảnh xuống TP Đà Nẵng là trang trại của ông Tr. bề thế với diện tích 3ha, trên đó là một căn nhà được xây khá chắc chắn với móng đổ bêtông, ngoài ao cá là cả nghìn mét vuông cây rừng đã được chặt đi để nhường đất trồng các loại cây ăn quả.
Ông Tr. tiết lộ: đã đầu tư vào đây hơn 500 triệu đồng để dẫn nước ngọt, làm nhà, đào ao cá... với mục đích đón đầu cơ hội phát triển du lịch sinh thái tại Sơn Trà. Ông Tr. còn cho biết thêm sắp tới đây ông sẽ làm những căn nhà sàn kiểu dân tộc để đón du khách đến nghỉ ngơi, thăm thú vườn tược. Chỉ trong bán kính chưa đầy 1km nhưng ông Tr. có đến ba trang trại, chỉ sau vài năm vun xới các trang trại của ông Tr. đã thay da đổi thịt hẳn...
Còn trang trại bà B., kế toán của KBTTN, ở cạnh đó rộng 1,5ha, nhưng “ghim” chính giữa là căn nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố, bao bọc xung quanh là vườn cây ăn trái đủ chủng loại. Trước đây, căn nhà này đã từng bị lập biên bản bởi lý do xây dựng trái phép và lấn thêm 0,5ha, tuy nhiên vì “người nhà” nên được phép tồn tại.
Ông Hoàng Đình Bá (được giới nghiên cứu về môi trường sinh thái Đà Nẵng gọi là “nhà Sơn Trà học”) cho biết: “Gọi Sơn Trà là “lá phổi” bởi sự tác động của nó đến môi trường sinh thái Đà Nẵng là rất lớn. Ngoài nhiệm vụ chắn bão, rừng Sơn Trà còn làm nhiệm vụ cung cấp dưỡng khí và một phần nước ngọt cho trên 800.000 người dân Đà Nẵng. Nếu rừng Sơn Trà bị phá đi thì lá chắn kia sẽ không còn có ý nghĩa nữa”. |
Ngay cả một đại gia nhiếp ảnh có nhà ở nội thành Đà Nẵng cũng có 1ha đất rừng. Sau khi được cấp, đại gia này đã xây lên đó một ngôi nhà hai gian bằng tường đá rộng hơn 56m2 cùng hệ thống vệ sinh, sân vui chơi, cây cảnh “phục vụ kinh doanh nhà nghỉ”.
Cả một mảng rừng Sơn Trà với đủ loại cây bản địa trước kia, nay đã bị bóc ra, thay vào đó là những nền nhà san phẳng lì chờ ngày đổ móng hay những vườn cây ăn trái, những vòi phun nước xoay mãi ngày đêm để... “nhanh phủ màu xanh cho các khu du lịch sinh thái!”.
Đất rừng ai bán, ai mua?
Sau mấy ngày ròng rã lội rừng trong vai những người tìm mua đất rừng, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được với T., một nhân viên KBTTN Sơn Trà đang có nhu cầu sang nhượng đất rừng ở tiểu khu 64. “Anh cứ yên tâm, đất này là của em mà. Bề ngang 38m, dài 250m, vị chi gần hecta. Nếu đo thực địa không đủ thì cứ phát thêm rừng nguyên sinh phía trên cho đủ diện tích. Còn toàn bộ cây trên đất khi anh mua thì em chặt, bán. Đã có người đặt mua rồi” - T. đi thẳng vấn đề. Có làm thủ tục gì khi phát thêm rừng không? Nghe hỏi, T. im lặng một hồi rồi đáp: “Xin phát thêm rừng thì ai mà cho. Nhưng khi nào phát thì mấy anh ới tôi một tiếng, cứ lặng lẽ mà làm”.
T. rỉ tai dạy chúng tôi một vài thủ thuật phòng thân nhỡ trang trại bị qui hoạch để qua mặt cơ quan chức năng: “Cứ trồng vài trăm cây điều, sau này mỗi cây có giá đền bù 250.000 đồng, giống như vườn của mấy sếp vậy”.
![]() |
Ngôi nhà rường thiết kế kiểu xưa được xây dựng với xung quanh là hồ nuôi cá, ghế đá công viên ngay trong KBTTN Sơn Trà |
Nhưng đến lúc cáo từ ra về, ông Mùi đã kéo tay chúng tôi ra khỏi trụ sở BQL đóng dưới chân núi nói nhỏ: “Anh có mấy hecta đó, trước sau gì cũng tính. Miếng anh diện tích gần 1,6ha lại có độ dốc, tầm quan sát”. Cuối cùng ông Mùi dứt dạt: “200 triệu đồng, giấy tờ anh lo. Còn không thích thì anh chỉ cho miếng khác ở bãi Bụt”.
Không những cán bộ kiểm lâm nhận khoán đất trồng rừng “vô tư” chuyển nhượng, mà những hộ dân được ủy quyền cũng nhanh chân rao nhượng đất rừng như ông Tr., ông N. Ông Tr. không cần úp mở hô giá chuyển nhượng với chúng tôi rẫy 1ha (được giao 0,5ha và phát thêm 0,5ha) ở tiểu khu 62 với giá 100 triệu đồng, còn hai trang trại của ông dọc tuyến đường công vụ đang được đầu tư thêm nên chưa... có giá.
Theo điều tra, chúng tôi được biết những cán bộ kiểm lâm như ông M., ông S., ông B., ông Th... đã kiếm được hàng trăm triệu đồng khi vừa nhận vừa mua lại đất rừng với giá bèo rồi chuyển nhượng, ủy quyền mà không phải đầu tư gì đáng kể. Bọc qua các tiểu khu lân cận 63, 64, tình trạng nhận đất rừng rồi lập trang trại, xây nhà trái phép, chuyển nhượng, ủy quyền diễn ra khá phổ biến. Thậm chí có trang trại còn xây cả hồ cá, tạo ghế đá với những thế ngồi hết sức trữ tình như trang trại ông G..
Khi chúng tôi hỏi về một số trường hợp chuyển nhượng đất rừng tại KBTTN Sơn Trà có được BQL xác nhận hay không, ông Mùi tỏ ra lúng túng: “Ở đây không có ai chuyển nhượng, chẳng qua họ tự ý chuyển nhượng bằng giấy tay do UBND phường ký xác nhận chứ lên đây BQL không ký...”.
Thật lạ lùng khi chính cán bộ quản lý lại không nắm rõ các qui định của ngành. Trên thực tế cả 18 điều qui định kèm theo NĐ 01 (ban hành ngày 4-1-1995 của Chính phủ) không hề có từ nào cho phép chuyển nhượng. Ngay cả quyền của bên nhận khoán (điều 8) cũng không có khoản nào cho phép chuyển nhượng đất rừng đã nhận khoán. Như vậy những hoạt động mang tính kinh doanh du lịch, chuyển nhượng, “ủy quyền” trên đất tại KBTTN Sơn Trà là hoàn toàn không được phép.
Tuổi Trẻ đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Kháng - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng. Những vấn đề xung quanh chuyển nhượng, xây dựng trái phép đất rừng ở KBTTN Sơn Trà đã được đặt ra. * Thưa ông, việc sử dụng không đúng mục đích đất ở KBTTN Sơn Trà, chi cục có biết? - Sự việc này có từ trước đây rồi. Có trước khi tôi về đây. Nhưng việc sang nhượng đất ở Sơn Trà thực tế là ngoài chủ trương chung Nhà nước. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức đi kiểm tra, lập biên bản, tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở mức độ lập biên bản, chứ chưa có trường hợp nào bị thu hồi đất rừng. Nếu đất rừng được giao 50 năm mà các hộ xây cất, trồng trọt trái phép với mục đích đón đầu du lịch thì BQL - tức chủ rừng - phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. * Vậy có cho phép chuyển nhượng đất không, thưa ông? - Không có chủ trương. Chuyển nhượng là trái phép, người ta lén lút làm. Thế nhưng trên thực tế việc chuyển nhượng giữa cá nhân với nhau hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của kiểm lâm. Đúng ra là trách nhiệm của BQL. BQL được Nhà nước giao làm chủ rừng bởi khi giao khoán rừng, trưởng BQL và chủ tịch phường địa phương đó quyết định cấp giao. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận