Đây là những nội dung trong quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội vừa được UBND TP.Hà Nội ban hành. Quy chế ra đời nhằm cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Khu phố cổ sẽ có chức năng thương mại, dịch vụ, phố nghề, cửa hàng buôn bán truyền thống; tăng cường các không gian sinh hoạt cộng đồng, cây xanh, bổ sung các tiện nghi, dịch vụ tiện ích công cộng…
Theo quy chế này, các diện tích công cộng phục vụ cho hoạt động của cộng đồng dân cư sẽ được khai thác tối đa; tiếp tục di chuyển các xưởng sản xuất ảnh hưởng môi trường. Riêng phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải cho phép xây dựng các công trình đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng. Các công trình xây dựng bị cấm có tầng hầm, trừ các phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật với điều kiện không ảnh hưởng đến các công trình di tích khác. Quy chế này cũng quy định việc bảo tồn tôn tạo di tích với việc khôi phục và phát huy các giá trị của di sản phi vật thể, lối sống, sinh hoạt đặc trưng của người dân trong khu phố cổ, các lễ hội, loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, hình thức kinh doanh thương mại và hoạt động du lịch, dịch vụ, truyền thống.
Khu vực phố cổ có diện tích 82ha, gồm 10 phường, 79 tuyến phố và 83 ô phố. Hiện tại dân số khu phố cổ có khoảng 66.600 người. Đến năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu giãn dân, giảm còn 45.000 người. Chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu sau giãn dân là 25m2/ người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận