Bệnh dại
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 49 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 20 tỉnh, thành phố.
Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Người bị nhiễm virus dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.
Ở Việt Nam, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu (khoảng 97%), sau đó là mèo nhà (2,7%). Chó bị bệnh dại có 2 thể lâm sàng là thể điên cuồng và thể liệt. Sau thời gian ủ bệnh từ 3-5 ngày, chó dại thường bỏ ăn, những thói quen hằng ngày bị thay đổi. Sau đó là giai đoạn lên cơn và chết trong vòng 5-7 ngày.
Hằng năm, nước ta có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, phí tổn ước tính hơn 300 tỷ đồng. Miền núi phía bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong. Các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng vaccine và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.
Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%. Người bị bệnh dại cũng có hai thể bệnh lâm sàng là thể hung dữ và thể liệt.
Thể hung dữ thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước, nên thường được gọi là bệnh sợ nước, bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản... Đối với thể liệt, bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Chính vì vậy, người vẫn nói bệnh dại là bệnh gây cái chết đau đớn và thương tâm.
Còn theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 50.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại.
Các bệnh truyền nhiễm nguy hại khác
Ngoài bệnh dại, chó và mèo còn truyền nhiều căn bệnh khác, trong đó có không ít bệnh nguy hiểm, khó chữa.
Bệnh giun chó, mèo: Trong ruột chó, mèo có một số loại giun đũa có thể sinh sống trong ruột người và gây bệnh. Giun lây từ chó, mèo sang người bằng con đường tiêu hoá khi chúng ta ăn thực phẩm sống, hoặc ăn khi tay rửa không sạch.
Khi bị bệnh giun chó, mèo, bệnh nhân sẽ bị đau đầu và nhìn mờ, nếu không điều trị có thể bị mù do giun làm hỏng võng mạc mắt. Ngoài ra, bệnh nhân còn sốt, sút cân, một số người có thể ho hoặc đi ngoài ra máu.
Bệnh sán chó: Nếu nhiễm sán lá ruột, cơ thể người bệnh sẽ bị suy kiệt do sán hút hết các chất dinh dưỡng. Còn nếu nhiễm sán lá phổi thì phổi bị tổn hại nghiêm trọng: người bệnh sẽ bị viêm phổi theo phân vùng, bị chảy máu, ho ra máu, thậm chí tử vong.
Bệnh vi nấm: Các vi nấm gây bệnh cho chó, mèo làm chúng bị rụng lông, nổi mẩn đỏ, ngứa da hoặc chỉ gây ra các tổn thương kín đáo nơi lỗ tai, mắt rất khó nhận biết, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người.
Cách thức lây nhiễm là tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo hoặc gián tiếp khi trẻ em bò lê la trong nhà đã có sẵn bào tử nấm rơi vãi trên nền nhà từ lông chó, mèo.
Bệnh vi nấm thường gây nấm tóc, nấm da (có thể xuất hiện ở cổ, má do thường hôn hít chó mèo, hoặc bất kỳ vùng da nào), nấm móng.
Ngoài 3 bệnh có tỉ lệ mắc bệnh cao kể trên, chúng ta còn có thể mắc một số bệnh khác như bệnh nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma; nhiễm vi khuẩn qua vết mèo cào, chó cắn; bị bọ chó, bọ mèo đốt, cắn.
Ngoài ra, bệnh dị ứng ngoài da, bệnh hen và bệnh viêm mũi dị ứng, tuy không phải lây trực tiếp từ chó, mèo, song có căn nguyên từ lông chó, mèo gây ra.
Phòng bệnh lây nhiễm từ chó, mèo như thế nào?
Đối với bệnh dại: Căn bệnh này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iodine hoặc povidone. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương.
Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Với các bệnh giun chó mèo, sán chó: Để phòng bệnh, tốt nhất là không ăn thực phẩm sống, thực phẩm nhiễm bẩn và không ăn khi chưa rửa tay.
Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải.
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh lông chó, mèo rụng bay khắp nhà dính lên giường chiếu, quần áo, chăn nệm.
Nên tắm thường xuyên cho chó, mèo. Đặc biệt, nhớ tẩy giun cho “thú cưng” đúng thời hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận