10/02/2020 10:54 GMT+7

Không thể tùy tiện cắt điện, nước như một hình thức xử phạt vi phạm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là quan điểm của Ủy ban Pháp luật và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước".

Không thể tùy tiện cắt điện, nước như một hình thức xử phạt vi phạm - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Chính phủ đề nghị tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, đồng thời bổ sung biện pháp chế tài mới.

Cắt điện, nước là "can thiệp quá sâu" vào quan hệ dân sự

Dự thảo Luật bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước". Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật cho biết báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ không đánh giá tác động nội dung này.

"Việc dùng mệnh lệnh hành chính để tạm chấm dứt hợp đồng dân sự như vậy là can thiệp 'quá sâu' vào quan hệ dân sự. Việc cắt điện, nước để buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định xử phạt là không thực sự phù hợp. 

Do vậy, đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế 'ngừng cung cấp điện, nước' trong lần sửa đổi này" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Theo quan điểm của Ủy ban pháp luật, "để bảo đảm tính hiệu quả, thích hợp với giai đoạn xử lý hành vi vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định 'ngừng cung cấp điện, nước' là một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm".

Đồng tình với lập luận của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị chỉ nên cắt trong trường hợp điện, nước là phương tiện để vi phạm hành chính, chứ không phải là ngừng cung cấp trong mọi trường hợp.

"Ví dụ, khi phát hiện một công trình đang xây dựng trái phép thì việc cắt điện, nước là để buộc đối tượng vi phạm ngừng thi công. Trong nhiều trường hợp khác, điện và nước đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu thì không thể ngừng cung cấp và coi đây là biện pháp xử lý" - bà Nga bày tỏ.

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đã rất cân nhắc khi bổ sung hai biện pháp này vào như là các biện pháp cưỡng chế vi phạm hành chính, trong thực tế thì các văn bản pháp luật hiện hành cũng đã có quy định tương tự.

Tuy vậy, Bộ trưởng Long cũng phân tích: Tất nhiên, cũng do cách tiếp cận. Nếu nhìn vào khía cạnh hợp đồng dân sự thì như Ủy ban Pháp luật đã phân tích. Còn về khía cạnh quản lý nhà nước thì để đảm bảo trật tự xã hội, đôi khi phải áp dụng các biện pháp hành chính kể cả can thiệp vào hợp đồng dân sự.

Về chế tài hành chính với hành vi quấy rối tình dục mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói: "Chắc đại biểu Lê Thị Nga có ý nhắc tới vụ xử phạt 200.000 đồng vụ quấy rối trong thang máy. Sau vụ việc này, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi nghị định, tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe, điều này cũng phù hợp với thực tiễn và đạo lý".

Không thể tùy tiện cắt điện, nước như một hình thức xử phạt vi phạm - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Quochoi.vn

"Nâng ly lên là phải nghĩ đến mức phạt 40 triệu"

Đối với đề nghị của Chính phủ về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực. Qua thẩm tra, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu kỹ hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ủng hộ tăng mức xử phạt. "Nghị định 100 vừa rồi là một ví dụ, bây giờ những người tham gia giao thông khi nâng ly lên đều nghĩ đến mức phạt 40 triệu đồng. Không nên so sánh giữa mức thu nhập của người dân và mức xử phạt, bởi không muốn bị xử phạt thì đừng có vi phạm pháp luật" - ông nói.

Một nội dung rất đáng chú ý nữa là việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy. 

Đối với biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Luật bổ sung đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định và bỏ điều kiện "đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định" đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên.

Đối với các biện pháp khác, dự thảo Luật bổ sung đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, người sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần.

Ủy ban Pháp luật có ý kiến như sau: Thứ nhất, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định các biện pháp để xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Nghiện ma túy là một loại bệnh lý mà không phải là hành vi. Người nghiện ma túy không chắc là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Do đó, trường hợp cần thiết phải quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy thì phải bổ sung thêm điều kiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng người nghiện ma túy thì đương nhiên là người sử dụng trái phép chất ma túy nên không cần thiết phải bổ sung điều kiện này.

Thứ hai, cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần và người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy, vì chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, các tài liệu trong hồ sơ dự án luật không làm rõ được căn cứ, sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính; Báo cáo tổng kết thi hành không nêu thực trạng tình hình vi phạm, đánh giá tính hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp này, nhất là trong việc giáo dục hành vi cho người chưa thành niên và cai nghiện cho người nghiện ma túy.

"Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ căn cứ, sự cần thiết; bổ sung báo cáo thực trạng, đánh giá tính hiệu quả, khả thi, tác động và sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên của các đề xuất sửa đổi, bổ sung này" - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Chống lạm quyền như thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng dự án luật quy định tăng mức chế tài với nhiều hành vi vi phạm hành chính nhưng quy định về việc giám sát, kiểm soát đội ngũ thực thi công vụ để chống tiêu cực, phòng ngừa lạm quyền lại "mờ nhạt".

Cắt điện luân phiên, thiếu điện là khó chấp nhận Cắt điện luân phiên, thiếu điện là khó chấp nhận

TTO - Từng trải qua giai đoạn thiếu điện và phải cắt điện luân phiên nên Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng việc để thiếu điện là khó chấp nhận.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên