06/05/2009 21:16 GMT+7

Không thể sống chung với thuốc lá!

Nguyễn Ngọc Sáng(xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Nguyễn Ngọc Sáng(xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

TT - Một hôm anh bạn thân đến nhà tôi chơi. Vừa bước vào nhà nhìn thấy tôi, anh kể: “Mình mới bị một vố quê quá ông ạ. Hồi nãy đi khám răng ở trung tâm y tế huyện, trong lúc chờ đợi tới phiên, mình buồn miệng nên lấy thuốc ra hút. Mới bập được vài hơi thì cô y tá tiến lại trước mặt, chẳng nói chẳng rằng cô đập nhẹ vào vai mình rồi chỉ vào bảng “Cấm hút thuốc” treo trên tường phía sau lưng.

(Phản hồi bài “Hút thuốc kiểu… người Việt”, Tuổi Trẻ ngày 6-5-2009)

3IVVJMPW.jpgPhóng to
Một người hút thuốc, mấy người phải hít khói - Ảnh: GIA TIẾN

Ngay lập tức mọi người nhìn mình rồi cười ồ. Thú thật, khi ấy mình xấu hổ tới mức muốn độn thổ cho thoát khỏi tình huống ấy. Mình có tâm trạng của kẻ phạm tội bị bắt quả tang, hết sức quê với mọi người. Phen này phải bỏ thuốc thôi! Nhất định phải bỏ! Không thể để bị quê như vừa rồi nữa”. Thật may cho anh bạn tôi, nhờ sự cố ấy mà giờ đây anh đã bỏ được thuốc lá. Anh vốn là một tay nghiện thuốc lá nặng, trước kia từng mấy phen ngậm Bimin 1, rồi Bimin 2 để chừa thuốc mà có chừa được đâu.

Qua câu chuyện bạn tôi, chúng ta thấy tác động của cộng đồng ảnh hưởng rất lớn đối với người hút thuốc. Giờ đây mọi người dường như đã biết trong điếu thuốc chứa tới vài ngàn chất độc, nguy hại ra sao đối với sức khỏe và môi trường xung quanh. Tất cả nhận thức cộng đồng có được phần lớn nhờ vào những thông tin tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng mà Nhà nước đang ra sức cổ xúy. Người nghiện thuốc lá tuy biết mình cầm trên tay “kẻ thù” nhưng không thể chia tay, vì yếu đuối trước ma lực của nó. Họ không đủ nghị lực để dứt khoát với một đam mê tai hại, chính vì vậy nhà văn người Mỹ Mark Twain mới nói đùa: “Dễ ợt! Tôi đã bỏ hút thuốc lá cả trăm lần rồi”.

Xã hội văn minh không thể sống chung với thuốc lá. Không thể chỉ vì sở thích của vài cá nhân mà bắt cả cộng đồng phải chịu đựng khói thuốc, phải mang lấy bệnh tật qua việc “hút thuốc thụ động”. Lại còn có những người hút thuốc lá mà ý thức hạn chế nên búng tàn lung tung, dụi tàn thuốc vào cạnh bàn ghế trông rất mất vệ sinh...

Chúng ta đã xác định thuốc lá là kẻ thù của sức khỏe và môi trường sống, cần phải cứng rắn và cương quyết hơn khi chiến đấu với nó.

Có lẽ đã đến lúc toàn xã hội phải xem việc nhả khói thuốc nơi công cộng cũng xấu như việc khạc nhổ trên đường phố. Theo tôi, chống thuốc lá ngoài những biện pháp khống chế mà Nhà nước đã quy định, cần có những khẩu hiệu gây sốc để khơi dậy lòng tự trọng, đánh thức ý thức của người nghiện đã bị khói thuốc ru ngủ. Không chỉ “Cấm hút thuốc” hay “Hút thuốc có hại cho sức khỏe”, mà phải “Hút thuốc là kém hiểu biết”; “Hút thuốc là mất vệ sinh”; “Hút thuốc là lạc hậu”…

Ngày nào cũng phải “hút thuốc thụ động”

* Tôi thường xuyên qua lại phà Cao Lãnh, trong nhà chờ hay khi xe đã xuống phà nhiều ông cứ vô tư phà khói thuốc mặc kệ xung quanh là trẻ em, người già hay phụ nữ có thai… Những lúc phải “hút thuốc thụ động” như vậy, tôi bảo vợ bồng con tìm chỗ không khói thuốc mà đứng.

Có lần trên phà An Hòa, tôi bắt gặp một tài xế xe cứu thương từ thiện đang hút thuốc trong khi bệnh nhân và người nhà ngồi ở phía sau xe.

* Tôi rất ghét kiểu hút thuốc lá của người Việt mình, chẳng hạn như vừa chạy xe vừa hút thuốc. Tôi thường xuyên chạy sau những xe này, phải hít lấy khói thuốc nhả ra và cả tàn thuốc bay vào mặt.

* Trong cơ quan tôi hơn phân nửa đàn ông hút thuốc và ngày nào cánh phụ nữ chúng tôi cũng phải “hút thuốc thụ động”. Sáng, trưa, chiều, cứ mỗi lần hít phải khói thuốc lá là tim tôi loạn nhịp, phải chạy ra chỗ khác để tìm chút không khí trong lành. Còn nếu tôi đang làm việc gì đó liên hệ tới người đang hút thuốc đành phải nín thở hoặc hít khói thuốc luôn. Hậu quả là bây giờ tôi bị bệnh tim! Nghe nói Nhà nước có quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, nhưng xem ra chẳng mấy người thực hiện.

Theo tôi, đã có quy định cấm thì phải có lực lượng kiểm tra, xử phạt, không nên để như lâu nay là Nhà nước cấm thì cấm, ai hút cứ hút.

___________________

Hút thuốc nơi công cộng có thể bị phạt 50.000 - 100.000 đồng

Điều 2, mục I chỉ thị 12 ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ (về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá) nghiêm cấm hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, cơ sở y tế, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá được coi là hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và nơi công cộng.

Về việc xử phạt, theo điểm a, khoản 1, điều 16, nghị định 45 ngày 6-4-2005 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế), người có thẩm quyền (như thanh tra viên chuyên ngành về vệ sinh, khám bệnh, chữa bệnh trong khi thi hành công vụ; chủ tịch UBND cấp xã; những người khác theo quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính...) có quyền cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 - 100.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào nơi công cộng như trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm.

Nguyễn Ngọc Sáng(xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên