Những lỗi này liên tục được phát hiện đã làm vơi đi sự tin tưởng của người dân về chất lượng của tờ tiền polymer, bộ tiền mới được Nhà nước đầu tư ngân sách rất lớn với mục tiêu “làm đẹp, sạch và an toàn” cho đồng tiền quốc gia.
Đồng tiền thể hiện chủ quyền, xác lập sự độc lập và cũng là “bộ mặt” của một quốc gia. Tính chất độc lập được thể hiện qua đồng tiền bao gồm cả hình thức và sức mua của đồng tiền. Các quốc gia đều đặt mục tiêu và đã đầu tư nhiều công sức để bảo vệ sức mua của đồng tiền.
Về hình thức, những gì đẹp nhất, thiêng liêng nhất, tự hào nhất của một đất nước, dân tộc đều được thể hiện trên tờ tiền. Không chỉ thế, một số nước còn đặt ra yêu cầu là phải tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất chất liệu để in tiền cũng như công nghệ in tiền. Vì tính chất thiêng liêng đó, không thể chấp nhận bất kỳ những sai sót nào tồn tại trên tờ tiền quốc gia. Bởi vì sự “nghiêm túc” của tờ tiền cũng tạo ra sự trân trọng của người dân khi sử dụng đồng tiền.
Thế nhưng, trước sai sót trong khâu thiết kế tờ tiền 10.000 đồng, Ngân hàng Nhà nước đã “xem đó như là một đặc trưng của tờ tiền này”(!?). Với kết luận đó, Ngân hàng Nhà nước đã mặc nhiên cho phép sự sai sót tồn tại trên tờ tiền 10.000 đồng, đồng thời chấp nhận trong bộ tiền quốc gia có sự bất nhất về nội dung.
Chưa rõ Ngân hàng Nhà nước xử lý ra sao với những tờ 500.000 đồng bị thiếu hình hoa văn. Nhưng sự xuất hiện tờ tiền 500.000 đồng bị lỗi trong in ấn cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã không hoàn thành trách nhiệm của cơ quan phát hành đồng tiền quốc gia.
Người dân không hài lòng với những tờ tiền bị lỗi do cẩu thả và càng không chấp nhận khi để xuất hiện những tờ tiền kém chất lượng... Không thể hành xử dễ dãi với đồng tiền quốc gia mãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận