TT - Khi trọng tài nổi còi kết thúc trận tranh HCĐ, máy điện thoại của tôi muốn “cháy” vì tin nhắn và những cuộc điện thoại “nấu cháo”. Tất cả đều hướng về một chủ đề: trận thua bạc nhược của U-23 VN.
Mở đầu, mọi người đều hỏi rằng tại sao lại có một trận đấu đáng xấu hổ như thế? Câu trả lời: Xét về chuyên môn thuần túy, U-23 Myanmar có động cơ để thi đấu nhiều hơn chúng ta. Nền bóng đá Myanmar đã không biết mùi huy chương ở SEA Games và AFF Cup trong rất nhiều năm nên với họ HCĐ cũng là quý. Còn chúng ta, mục tiêu là vàng nên khi thất bại ở bán kết, từ tinh thần đến thể lực đều đã “nhão”.
Tuy nhiên, đó là phân tích trên lý thuyết. Đứng trước thực tế cả triệu người hâm mộ phía sau lưng, các cầu thủ không được phép buông xuôi. Họ không được quyền không thấy những CĐV bỏ hàng chục triệu đồng lặn lội sang tận Indonesia ủng hộ mình. Nên nhớ, trong đó có không ít người chẳng giàu có gì, phải sống cực ăn khổ tại Jakarta chỉ để nhằm ủng hộ đội nhà. Họ không được quyền không thấy những ý kiến phản hồi trên các báo mạng, rằng mọi người vẫn chờ một trận đấu cuối đàng hoàng (cầu thủ nào giờ đây cũng có laptop, iPad, galaxy... và lướt web hằng ngày).
Xin đừng cho rằng cái quyền đòi hỏi “cầu thủ không được quyền...” nói trên là vô lý. Bởi những món tiền tỉ nhờ chuyển nhượng, những khoản lương hàng chục triệu đồng/tháng, những món tiền thưởng khổng lồ... đều có dấu ấn của người hâm mộ. Nếu tất cả CĐV đều quay lưng với bóng đá, ắt chẳng có đại gia nào chịu tốn mỗi năm bình quân 2 triệu USD để đầu tư cho bóng đá. Và khi ấy, thu nhập cầu thủ cũng chẳng khác VĐV ở những môn khác.
Thái độ chơi bóng đầy bạc nhược của các cầu thủ U-23 VN thể hiện trong trận tranh HCĐ cần được xem là giọt nước làm tràn ly chịu đựng của người hâm mộ. Hơn bao giờ hết, các CLB, các nhà quản lý bóng đá VN phải xem việc giáo dục nhận thức cầu thủ về màu cờ sắc áo là một việc làm tối quan trọng trong hàng loạt việc cần làm nhằm chấn chỉnh lại môn thể thao vua.
HUY THỌ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận