19/11/2007 07:17 GMT+7

Không sáng tạo, anh sẽ bị đào thải

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TT - Giờ ra chơi ở Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4, TP.HCM: ông thầy Ung Thanh Hải - giáo viên môn hóa- vừa bước ra khỏi lớp bên này thì HS lớp bên kia ùa đến: “Bố!”, “Bố!”.

“Bố” Hải ở Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM):

Yjz2Ek1U.jpgPhóng to
Bố Hải trong vòng vây của học trò giờ ra chơi - Ảnh: H.HG.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Người thầy được xem là một trong bốn giáo viên THPT dạy môn hóa giỏi nhất TP.HCM ấy đã từ chối nhiều lời mời hấp dẫn để ở lại cống hiến, vun đắp cho con em nhân dân lao động nghèo trên đất Q.4.

Ông Ung Thanh Hải: Ngày xưa tôi mơ trở thành nhà nghiên cứu về nước mắm, bởi gia đình tôi có nghề làm nước mắm gia truyền ở Phan Thiết, Bình Thuận. Thế nên sau khi tốt nghiệp ĐH, vừa đi dạy tôi vừa học tiếp cao học ngành hóa. Rồi chiến tranh xảy ra, tôi bỏ dở chương trình nghiên cứu sinh để đi bộ đội. Hòa bình lập lại, tôi được động viên đi dạy học ở Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM). Được năm năm thì chuyển về Trường THPT Nguyễn Trãi cho đến bây giờ.

* Được biết, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa đã từng mời ông về giảng dạy nhưng ông đều từ chối?

- Tôi ở Q.4 từ năm 1972 đến nay. Học trò Q.4 tội lắm, đa số hoàn cảnh khó khăn. Tôi là dân Q.4 thì tôi phải làm sao cho các em ở Q.4 giỏi lên, không thua HS các quận khác chứ.

* Nhiều người cho rằng HS Nguyễn Trãi không ngoan và không giỏi bằng HS trường chuyên. Dạy ở một môi trường như thế, ông có thấy vất vả và không hiệu quả bằng trường chuyên?

- HS Nguyễn Trãi không có điều kiện thuận lợi như HS trường chuyên nên tôi phải suy nghĩ, phải nghiên cứu để tìm phương pháp giảng dạy thích hợp; phải có những câu chuyện đơn giản minh họa cho những bài học phức tạp để các em dễ hiểu, dễ nhớ.

HS Nguyễn Trãi tuy không “nổi” bằng HS các trường khác nhưng có tiến bộ đấy chứ. Bằng chứng là tỉ lệ tốt nghiệp THPT, tỉ lệ đậu ĐH, tỉ lệ HS giỏi tăng lên hằng năm. Thế là tôi vui rồi.

* Giáo viên trong ngành thường đồn đại với nhau: “Thầy Hải không thèm nhận các giải thưởng dành cho giáo viên giỏi”?

- Cả đời đi dạy, tôi có thành tích gì đâu. Nếu muốn nhận các giải thưởng thì phải viết báo cáo thành tích. Thế nên tôi xin... thôi.

Z2zm9fs7.jpgPhóng to
Thầy Ung Thanh Hải đang soạn giáo án điện tử - Ảnh: N.C.T.
* Thưa ông, vậy tại sao năm nay ông lại làm hồ sơ để nhận giải thưởng Võ Trường Toản (một giải thưởng do Sở GD-ĐT TP.HCM, báo Sài Gòn Giải Phóng và Công ty Prudential bình chọn nhằm tôn vinh những nhà giáo có nhiều công lao trong sự nghiệp trồng người - PV)?

- Đó là vì có người nói với tôi rằng: “Bản thân anh không thích giải thưởng nhưng anh nên nghĩ đến nhà trường, trường cũng có sự hãnh diện chứ”. Nhưng thú thật so với các nhà giáo khác cùng nhận giải thưởng này, tôi chẳng có thành tích gì: không giáo viên giỏi cấp TP, không chiến sĩ thi đua... (cười).

* Xin phép được hỏi một câu hơi tò mò: tại sao ông không sang Pháp định cư cùng gia đình?

- Mới đầu tôi cũng có làm thủ tục xin xuất cảnh đấy chứ. Nhưng đến khi mọi thủ tục xong xuôi cũng là lúc GS Lê Văn Thới - thầy dạy của tôi thời đại học - qua đời. Thầy Thới là một giáo sư hóa nổi tiếng không chỉ ở VN mà còn ở nước ngoài. Thầy đã từng giảng dạy ở nước ngoài và sau đó về phục vụ nền giáo dục VN cho đến lúc nhắm mắt. Tôi là đệ tử ruột của thầy nên bị ảnh hưởng về quan niệm sống của thầy khá nhiều.

Lúc ấy tôi sực tỉnh: mình là người VN thì phải dạy học ở VN, cống hiến cho VN. Và tôi quyết định không xuất cảnh nữa. Tuy nhiên, bà xã và ba đứa con tôi vẫn sang Pháp vì gia đình bà xã lúc ấy đang ở Pháp đã làm áp lực mạnh. Trước khi ra đi, tôi đã nói với bà xã: “Em không được nhập quốc tịch Pháp mà sang bên đó chăm sóc ba đứa con ăn học. Sau năm năm, khi đứa lớn đã tốt nghiệp, đi làm và có thể lo đứa nhỏ thì em về VN với anh. Sau năm năm nếu em không về, anh sẽ lấy vợ khác”. Cũng may là sau năm năm bà xã tôi về, chứ nếu không... (cười rất to).

* Giáo viên thời kinh tế thị trường thường phải “chạy sô”. Vì thế nên sự nhiệt tình với học trò và thời gian nghiên cứu, tìm tòi cho những sáng tạo giảm đi? Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng vì thế mà tinh thần tôn sư trọng đạo cũng giảm?

- Tôi cũng đã có thời gian “chạy sô”, dành dụm từng đồng cho con ăn học. Nhưng thời kinh tế thị trường, nếu không sáng tạo anh sẽ bị đào thải. Nếu ông thầy không nhiệt tình thì ai thèm học! Tinh thần tôn sư trọng đạo chỉ giảm đi khi ông thầy dọa và ép học trò phải về nhà mình học thêm. Chứ thời nay, đến ngày 20-11, nhiều thế hệ HS dù bận cách mấy cũng về thăm thầy cũ đấy chứ.

* Thưa ông, xin phép được hỏi một câu hơi đường đột: hơn 30 năm trong nghề, thức khuya dậy sớm vì bài giảng, vì HS, cuối cùng ông được gì? Một giáo viên giỏi như ông mà bao năm qua vẫn sống trong căn hộ chỉ hơn 30m2 tại cư xá Vĩnh Hội?

- Tôi được nhiều chứ, cuộc sống vui vẻ này, cảm giác mình rất trẻ trung này. Về nhà nhìn trong gương thấy tóc mình bạc, râu mình bạc nhưng lên lớp là tôi có cảm giác mình mới 30 tuổi, giảng bài rất “sung”. Con cái tôi đã thành đạt, cuộc sống ổn định. Tôi chỉ buồn nếu thấy học trò không hiểu được lời mình giảng.

Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng, ở làm gì nhiều! Tôi tự thấy cuộc sống của mình đầy đủ lắm rồi.

Thầy của những người thầy

Tôi đã từng biết nhiều ông thầy giỏi hóa nhưng thường hay “giấu nghề”. Riêng anh Hải thì có bao nhiêu chỉ cho đồng nghiệp hết. Anh có hàng loạt sáng kiến kinh nghiệm, thường xuyên làm chuyên đề không chỉ cho giáo viên trong trường mà cho cả giáo viên các quận, huyện lân cận, chỉ cho các đồng nghiệp từng tí một: phương pháp nào hiệu quả, truyền đạt ra sao cho HS dễ hiểu. Anh là thầy của những ông thầy. Ở tuổi 60, nhiều người đã “buông súng”, lo tập dưỡng sinh, du lịch thì hằng ngày anh vẫn soạn lại bài giảng, đưa thêm cái mới vào để thu hút HS. Anh có nhiều “chiêu” giúp HS dễ hiểu, dễ nhớ đến mức các em đặt là “qui tắc Hải Ung”.

Đến với HS bằng tình cha con nên anh thường xuyên giúp đỡ HS nghèo: em nào khó khăn sẽ được bố Hải đưa tiền đóng học phí. Có em ngại ngần không dám nhận, lập tức sẽ bị bố Hải la: “Bố cho thì phải lấy. Sau này có thì trả, không có thì thôi”.

Ông Nguyễn Đình Thanh Phong (GV môn hóa, Trường THPT Nguyễn Trãi)

Không thích phô trương

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã nhận xét: anh Hải là một trong tứ trụ của môn hóa bậc THPT trên địa bàn TP. Anh em trong ngành cũng công nhận tứ trụ ấy gồm: anh Lê Hoàng Dũng (phó trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM), anh Nguyễn Bác Dụng (hiệu trưởng Trường chuyên Trần Đại Nghĩa), anh Nguyễn Trọng Thọ (nguyên tổ trưởng tổ hóa Trường chuyên Lê Hồng Phong) và anh Ung Thanh Hải. Trong nhóm đó, ba người kia đều đã có địa vị, riêng anh Hải vẫn “chung thủy” với Trường Nguyễn Trãi từ năm 1980 đến bây giờ. Chuyên môn giỏi và rất nhiệt tình, tỉ lệ HS học môn hóa giỏi, thi đậu tốt nghiệp luôn ở mức cao, cao hơn cả mức trung bình của TP. Tỉ lệ HS do anh Hải phụ trách cũng thi đậu đại học nhiều hơn giáo viên khác trong trường. Thế nhưng anh không thích phô trương, không đăng ký hay tham gia các danh hiệu, giải thưởng. Ngay cả những sáng kiến nhiều lúc đưa tên anh lên anh cũng không chịu mà phải để tên cả tập thể. Việc đưa anh làm tổ trưởng tổ hóa của trường cũng phải thuyết phục mãi.

Ông Ngô Tương Đại (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi)

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên