Dẫu không phải là đương sự trong vụ án, ông Hoàng Mạnh Chiến vẫn bị tòa buộc trả tiền cho nguyên đơn - Ảnh: TUYẾT MAI
Một bản án có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ lụy trong quá trình thi hành án.
Một bản án, nhiều lỗi sai
Theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH TM&DV Cát Tường thành lập ngày 17-4-2014, do ông Hoàng Mạnh Chiến làm giám đốc. Công ty có vốn điều lệ 4 tỉ đồng, do hai thành viên góp vốn, trong đó ông Chiến góp 3,5 tỉ đồng và ông Nguyễn Văn Tài góp 500 triệu đồng.
Sau đó, ông Chiến rủ bạn là ông Vi Văn Sỹ cùng góp vốn vào công ty. Ngày 8-5-2014, ông Sỹ góp hơn 1,8 tỉ đồng và được ông Chiến cấp cho một cuốn sổ thành viên xác nhận việc góp vốn. Sau đó ông Sỹ được bổ nhiệm làm phó giám đốc công ty này.
Qua tìm hiểu, ông Sỹ được biết công ty đã thành lập trước khi ông Sỹ góp vốn, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty này chỉ có hai thành viên là ông Chiến và ông Tài, không có tên ông Sỹ và công ty cũng không có đăng ký thay đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần nào.
Vì vậy từ tháng 11-2015 ông Sỹ không làm việc ở công ty nữa và khởi kiện Công ty Cát Tường ra tòa, đòi trả lại số tiền đã góp vốn và khoản lãi của số tiền này, đồng thời thanh toán tiền lương suốt thời gian ông làm việc ở đây.
Các cơ quan tố tụng tại tỉnh Tây Ninh xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là tranh chấp hợp đồng dân sự về vốn góp và đòi tiền lương.
Về tư cách tham gia tố tụng, tòa án xác định ông Sỹ là nguyên đơn, Công ty Cát Tường là bị đơn có đại điện theo pháp luật là ông Chiến. Trong vụ án ông Chiến không có tư cách nào khác.
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Tân Biên (Tây Ninh) cho rằng khi tiếp nhận vốn của ông Sỹ, công ty không thông báo cho cơ quan chức năng là vi phạm Luật doanh nghiệp 2005 và điều lệ của công ty nên đã tuyên hợp đồng góp vốn giữa ông Sỹ và Công ty Cát Tường vô hiệu, lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu thuộc về công ty.
Từ đó, tòa án buộc công ty trả cho ông Sỹ phần vốn góp và lãi phát sinh là hơn 2,1 tỉ đồng và thanh toán cho ông 70 triệu đồng tiền lương. Không đồng ý, Công ty Cát Tường kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tây Ninh đã sửa án sơ thẩm, tuyên buộc ông Chiến phải trả số tiền 1,8 tỉ đồng cho ông Sỹ và buộc Công ty Cát Tường thanh toán 70 triệu tiền lương cho ông Sỹ.
Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), bản án phúc thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Cụ thể: thứ nhất, ông Sỹ kiện Công ty Cát Tường yêu cầu công ty trả số tiền ông đã góp vốn vào công ty và lãi phát sinh; thứ hai, ông Sỹ yêu cầu công ty phải trả tiền lương cho ông. Về nguyên tắc, tòa án chỉ xét xử trong phạm vi yêu cầu khởi kiện.
Trong hai yêu cầu khởi kiện, ông Sỹ đều yêu cầu công ty trả tiền chứ không yêu cầu cá nhân ông Chiến - giám đốc công ty - trả. Như vậy khi tòa phúc thẩm tuyên buộc ông Chiến trả tiền, tức đã vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu.
Thứ hai, khi tham gia một vụ án, đương sự có quyền yêu cầu tòa án xét xử hai lần (sơ thẩm và phúc thẩm). Tòa sơ thẩm không yêu cầu ông Chiến phải trả tiền, bỗng nhiên tòa phúc thẩm buộc ông Chiến trả tiền, tức đã tước quyền được kháng cáo của ông Chiến, ông Chiến chỉ được xét xử một lần.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc tòa án không đưa cá nhân ông Chiến tham gia tố tụng nhưng cấp phúc thẩm lại tuyên buộc ông Chiến là vi phạm nghiêm trọng.
Từ sai lầm này dẫn tới nhiều hệ lụy sau đó. Vì vậy cần giám đốc thẩm, hủy bản án này.
Tòa xác định sai thẩm quyền?
Theo luật sư Chánh, về mặt pháp lý ông Sỹ chưa phải là thành viên của Công ty Cát Tường.
Với việc ông Sỹ và ông Chiến có thỏa thuận về việc chuyển nhượng phần vốn góp, ông Sỹ chuyển số tiền góp vốn của mình cho ông Chiến cũng như việc Công ty Cát Tường cấp sổ góp vốn thì rõ ràng đây là tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty theo khoản 3, điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ theo điều 35, điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong vụ án này thuộc về TAND cấp tỉnh.
Luật sư Chánh giải thích mặc dù cũng là hợp đồng nhưng hợp đồng góp vốn sẽ được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp, là vụ án kinh doanh thương mại.
Cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp hợp đồng dân sự về vốn góp và cho rằng thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của TAND cấp huyện là đã xác định sai quan hệ tranh chấp.
Trong trường hợp này, tòa cấp phúc thẩm phải hủy án để giải quyết lại chứ không thể tiếp tục xét xử vì phải đảm bảo hai cấp xét xử.
Đúng ra tòa án cấp sơ thẩm phải xác định ông Chiến là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng cấp sơ thẩm không đưa ông Chiến vào tham gia tố tụng. Và vì ông Chiến không phải là đương sự trong vụ án nên tuyên buộc ông Chiến trả tiền là sai lầm nghiêm trọng.
Vi phạm tố tụng vẫn lọt qua 2 cấp tòa
Theo một thẩm phán công tác tại TP.HCM, tranh chấp về góp vốn và tranh chấp tiền lương là hai vấn đề khác nhau, cần phải tách ra để giải quyết bằng hai vụ án.
Thứ hai, tuy không có hợp đồng lao động nhưng hai bên đều thừa nhận ông Sỹ đã làm việc tại công ty 14 tháng và không được trả lương trong thời gian này, ông Sỹ kiện đòi tiền lương. Như vậy đây là quan hệ tranh chấp lao động, đòi tiền lương.
Theo điều 201 Bộ luật lao động 2012, tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ một số tranh chấp lao động theo luật định.
Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết không qua thủ tục hòa giải cơ sở là vi phạm tố tụng.
Bản án phúc thẩm càng sai lầm hơn khi nhận định rằng tuy có vi phạm về hình thức nhưng đây là tranh chấp phụ nên nhập chung hai quan hệ tranh chấp để giải quyết chung trong một vụ án, vì không có khái niệm tranh chấp phụ trong tranh chấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận