26/07/2014 05:40 GMT+7

Không nên lấy kết quả học bạ để xét tốt nghiệp

NGUYỄN QUANG THI(Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)
NGUYỄN QUANG THI(Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)

TT - Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên tham gia ý kiến trong Diễn đàn "Phương án nào cho một kỳ thi quốc gia?"

Phương án nào cho một kỳ thi quốc gia?Trước tháng 10-2014, công bố đề án 1 kỳ thi quốc gia Hướng đến một kỳ thi quốc gia

DfmrUqnm.jpgPhóng to
Gương mặt căng thẳng của thí sinh trước giờ thi tuyển sinh ĐH 2014 - Ảnh: Như Hùng

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT sáp nhập hai kỳ thi thành một bắt đầu áp dụng trong năm 2015 bởi có một số ưu điểm: được sự đồng thuận cao của toàn xã hội, giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm bớt ngân sách cho Nhà nước, giảm bớt tiền bạc và sự lo lắng của phụ huynh khi đưa con đi thi. Tuy nhiên, trong chủ trương tôi còn băn khoăn một số vấn đề.

Vấn đề 1: Học sinh năm trước chưa đỗ tốt nghiệp có nguyện vọng muốn thi lại, học sinh đã đỗ tốt nghiệp nhưng chưa đỗ ĐH muốn thi lại ĐH thì sao? Vấn đề 2: Lâu nay các môn lý, hóa và sinh thi theo hình thức trắc nghiệm, nay chuyển sang bài viết luận tôi e không ổn. Vấn đề 3: Sách giáo khoa mới giáo viên phổ thông chưa tiếp cận không biết nội dung biên soạn thế nào? Vấn đề 4: Học sinh đạt giải quốc gia có tham dự kỳ thi này không? Nếu tham gia kỳ thi thì quá thiệt thòi, còn không thi thì làm sao công nhận tốt nghiệp?

Chính những vấn đề trên nên tôi mạnh dạn bày tỏ quan điểm riêng như sau:

1. Môn thi: Bộ chỉ cho thi bốn môn trong đó toán, ngữ văn, ngoại ngữ bắt buộc và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn còn lại. Học sinh giỏi được tuyển thẳng ĐH nhưng vẫn tham gia kỳ thi để công nhận tốt nghiệp. Học sinh giỏi tỉnh được cộng điểm với quy đổi: giải nhất 2 điểm, giải nhì 1,5 điểm và giải ba 1 điểm. Học sinh đã đỗ tốt nghiệp muốn xét tuyển vào ĐH thì thi ba môn toán, ngữ văn và môn tự chọn.

2. Ra đề thi: Bộ chỉ đạo đề thi phải đảm bảo học sinh yếu làm được 5 điểm, học sinh trung bình làm được 7 điểm (nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 hiện hành), học sinh khá làm được 8 điểm, học sinh giỏi làm được 9 điểm và học sinh xuất sắc làm được 10 điểm (nội dung kiến thức là toàn bậc học THPT).

3. Thời gian tổ chức kỳ thi: Tổ chức kỳ thi vào khoảng từ 15 đến 25-6 hằng năm.

4. Hội đồng coi thi: Một hội đồng có thí sinh từ ba trường trở lên. Ví dụ một hội đồng thi của tỉnh A thì chủ tịch hội đồng là tỉnh B, thanh tra là tỉnh C và giám thị của tỉnh A nhưng đánh chéo địa bàn. Giảng viên ĐH, CĐ tham gia giám sát kỳ thi một cách độc lập (không được cử những người làm văn phòng đi coi thi như các năm trước đây).

5. Hội đồng chấm thi: Chấm chéo tỉnh như các năm trước ta đã làm. Giảng viên các trường ĐH, CĐ cũng tham gia chấm cùng giáo viên phổ thông. Ví dụ tỉnh A chấm bài của tỉnh B thì chủ tịch hội đồng chấm là tỉnh C, các tổ trưởng là tỉnh D, thanh tra là tỉnh E và giám khảo là tỉnh A.

6. Công nhận tốt nghiệp: Bộ không nên lấy kết quả học bạ để xét tốt nghiệp vì đây là kẽ hở để các trường phổ thông nâng điểm trong quá trình học tập của học sinh.

- Xếp loại giỏi: Điểm bình quân bốn môn là 8 và không có môn nào dưới 7 điểm (không tính điểm khuyến khích).

- Xếp loại khá: điểm bình quân bốn môn là 7 và không có môn nào dưới 6 điểm (không tính điểm khuyến khích).

- Xếp loại trung bình: Các trường hợp còn lại.

- Không công nhận tốt nghiệp: tổng bốn môn nhỏ hơn 20 điểm (kể cả điểm khuyến khích) hoặc có một môn 2 điểm (gọi là điểm liệt).

7. Xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ: Sau khi có kết quả học sinh đăng ký với các trường ĐH. Các trường ĐH chỉ xét điểm ba môn trong bốn môn thi nói trên, với hình thức lấy điểm từ cao xuống thấp nhưng có sự khống chế như sau: muốn xét vào ĐH thì trong ba môn không có môn nào dưới 5 điểm, muốn xét vào CĐ thì trong ba môn không có môn nào dưới 4 điểm. Bộ không cho các trường ĐH đặt thêm tiêu chí riêng (trừ các trường có đặc thù riêng) vì nó tạo áp lực cho học sinh và tốn kém tiền bạc của phụ huynh.

GS Đinh Quang Báo (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):

Tốt nghiệp THPT đủ điều kiện tối thiểu để học ĐH-CĐ

Từ những năm 1966-1967, chúng tôi là những học sinh tham dự “một kỳ thi quốc gia” để xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH-CĐ và tôi thấy đó là việc hoàn toàn có thể làm được. Theo suy nghĩ của tôi, những học sinh đã được công nhận tốt nghiệp THPT đủ điều kiện tối thiểu về năng lực để vào học các trường ĐH-CĐ. Vì thế trong thời điểm hiện nay, việc quay lại tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp và lấy kết quả làm một căn cứ tuyển sinh ĐH-CĐ là điều hợp lý. Vì học sinh tốt nghiệp THPT đã đủ điều kiện tối thiểu nên các trường hoàn toàn có thể căn cứ vào kết quả này để tuyển sinh. Chỉ những trường danh tiếng cần phải sàng lọc, nâng chất lượng đầu vào mới cần có thêm các hình thức xét tuyển bổ sung khác.

PGS Vũ Quang Hiển (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội):

Nghiêng về phương án thi theo bài

Giữa hai phương án thi theo môn (theo cách truyền thống) và thi theo bài, trong đó có các câu hỏi tích hợp kiến thức liên môn, tôi nghiêng về hướng thi theo bài. Vì với nguyên tắc “học gì thi nấy” thì chỉ có “thi theo bài” mới bao quát hết được các môn học có trong chương trình. Nếu thi theo môn, hoặc sẽ phải chấp nhận kiểu học lệch như hiện nay, hoặc sẽ khiến học sinh quá tải khi phải thi quá nhiều môn thi trong chương trình.

Tuy nhiên, trong khi còn đang áp dụng chương trình - sách giáo khoa phổ thông hiện hành thì việc thi theo bài sẽ thiết kế theo cách gộp các câu hỏi của các môn khác nhau trong một bài thi. Về lâu dài, khi chương trình - sách giáo khoa mới được thực hiện theo hướng tích hợp, nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn thì ngành GD-ĐT cần kết hợp việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng này trong quá trình học tập. Kỳ thi quốc gia lúc này có thể xây dựng trên cơ sở liên môn, tăng cường tỉ lệ câu hỏi vận dụng kiến thức, kiểm tra năng lực học sinh.

Với lộ trình như vậy, tôi nghĩ kỳ thi quốc gia có thể thực hiện luôn vào năm 2015. Kỳ thi quốc gia sử dụng kết quả cho hai mục đích, nhưng tôi cho rằng nên hình dung kỳ thi này gần với kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hơn là kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức tại các địa phương như hiện nay. Và như vậy, những yêu cầu, điều kiện đặt ra cho việc tổ chức kỳ thi ít nhất phải đảm bảo yêu cầu như kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hiện nay.

NGUYỄN QUANG THI(Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên