09/09/2009 08:03 GMT+7

Không nên khai thác cát ở ĐBSCL

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Đó là kiến nghị của TS Trần Tân Văn - phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên - môi trường).

Fjo56zkr.jpgPhóng to

Cát được múc vào sà lan chuẩn bị xuất khẩu ở Tân Châu (An Giang) - Ảnh: Quang Vinh

Ông Văn cho biết từ góc độ khoa học địa chất, ĐBSCL vốn được coi là một vùng đất yếu, trong cấu tạo các tầng đất thiếu các thành phần tạo hạt thô, cát, sỏi mà chủ yếu là các thành phần hạt mịn như sét, bột, bùn nên không có độ ổn định.

Đặc biệt, ĐBSCL là hạ lưu sông Mekong, cát, sỏi là thành phần hạt thô nhưng những thành phần này đã lắng đọng ngay ở phần thượng nguồn, xuống đến hạ lưu chỉ còn là phần hạt mịn sét, bột và các thứ khác nên ĐBSCL về cơ bản là vùng đất rất hay xảy ra sụt lún, sạt lở.

Một vùng đất yếu như vậy vốn đã không nên khai thác cát, sỏi để tránh tạo ra những nguy hại làm thay đổi dòng chảy, sạt lở ven sông, ô nhiễm môi trường nhưng thực tế tại vùng này đang diễn ra những điều ngược lại.

Ông cho biết cát tại các sông của ĐBSCL nằm sâu ở giữa dòng, nếu muốn khai thác phải đào hút sâu nên phạm vi ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát rất lớn, lan rất rộng ra hai bên bờ. Chính vì phạm vi ảnh hưởng rộng ra hai bên bờ nên mới gây ra các đợt xói lở, nhưng đây mới là biểu hiện cho thấy có sự thay đổi, còn nếu tiếp tục khai thác ồ ạt sẽ càng làm trầm trọng thêm hậu quả và mức độ nguy hại.

Theo TS Văn, thông tin cả năm 2008 khu vực này chỉ bị khai thác 1,1 triệu tấn cát xuất khẩu, nhưng sáu tháng đầu năm 2009 lượng cát khai thác đã gấp bảy lần, điều này cho thấy mức độ khai thác đang có sự gia tăng đột biến.

Ông Văn cảnh báo: “Nếu khai thác cát từ từ, nền đất vẫn có thể phản ứng chậm và khả năng mất ổn định của nó thấp nhưng khi tăng đột biến lượng cát khai thác, bản thân các tầng cát có sự thay đổi đột ngột về ứng suất, khi đó sẽ gây ra sạt lở rất nhanh, rất lớn. Về ô nhiễm môi trường sinh thái cũng rất nghiêm trọng khi khai thác khuấy động phù sa lên, làm đục nước, nhiều khi có những hóa chất, kim loại nặng độc hại cùng lắng đọng với bùn cát giờ bị khuấy lên tạo thành những chất có nguy cơ phát độc gây ô nhiễm nguồn nước của dòng sông”.

Cũng theo TS Văn, một vùng đất yếu như ĐBSCL mà vẫn cho phép khai thác cát ồ ạt, vượt mức kiểm soát chẳng khác nào đồng ý cho đào ruỗng chân đê. Khi đó móng đê không còn, chân đê không còn, đương nhiên dòng chảy sẽ cuốn đi hàng trăm, hàng ngàn hecta đất ven hai bên bờ sông, các hệ thống, công trình thủy lợi, đê kè bị phá hủy, nhà cửa của người dân ven sông bị cuốn trôi, khi đó chắc chắn thiệt hại về con người và kinh tế là vô cùng nghiêm trọng.

Việc khai thác, xuất khẩu cát ồ ạt hiện nay là điều không bình thường, chủ yếu chạy theo lợi nhuận, không tính toán đến những phương hại, hậu quả trước mắt và lâu dài. Trong khi thực tế, để làm 1km kè ở ĐBSCL rất tốn kém, những nơi khác chỉ mất 5-7 tỉ đồng, nhưng ở ĐBSCL có những chỗ như kè Tân Châu phải tốn đến hàng trăm tỉ đồng/km.

“Tài nguyên bị “chảy máu”, lợi nhuận chỉ một nhóm cai thầu hưởng, còn thiệt hại về công trình, đất đai, đê kè, môi trường thì xã hội phải gánh chịu... Sự phi lý này cần phải sớm được chấm dứt” - TS Văn khẳng định.

Singapore: mua cát để mở rộng diện tích

Kể từ khi giành độc lập năm 1965 đến nay, Singapore đã mở rộng lãnh thổ thêm 33km2 nhờ hoạt động lấn biển. Chính quyền Singapore lên kế hoạch mở rộng thêm 98km2 nữa trong vòng năm thập niên tới cũng bằng phương pháp lấn biển.

Hoạt động lấn biển và nhu cầu xây dựng đang bùng nổ tại Singapore đòi hỏi một khối lượng cát xây dựng khổng lồ. Nguồn tin tổ chức phi chính phủ Global Witness cho biết mỗi năm Singapore nhập khẩu khoảng 3,8 triệu tấn cát từ các quốc gia láng giềng. Trước năm 1997, Malaysia là nhà cung cấp cát chủ yếu cho Singapore. Tuy nhiên đến năm 1997, do những quan ngại về môi trường, Malaysia đã cấm xuất khẩu cát sang Singapore, và Indonesia trở thành nhà cung cấp mới.

Đến tháng 1-2007, chính quyền Indonesia cũng tiếp bước Malaysia cấm xuất khẩu cát sang Singapore sau khi các nghiên cứu cho thấy hoạt động khai thác cát quá mức đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường các vùng ven biển. Ở quần đảo Riau gần Singapore, nơi xuất 250.000-300.000 tấn cát/tháng vào thời điểm đó, một số đảo nhỏ dần biến mất, trong khi diện tích các đảo khác bị thu hẹp lại. Nạn khai thác cát quá mức cũng khiến nguồn cá quanh vùng biển quần đảo Riau giảm sút nghiêm trọng.

Lệnh cấm này đã gây ra một cuộc “khủng hoảng cát” tại Singapore vào năm 2007. Giá cát tại Singapore khi đó tăng lên 50 USD/tấn, đẩy giá bêtông từ 49 USD/tấn lên tới 140 USD/tấn trong vòng vài tháng sau đó, khiến ngành xây dựng Singapore lao đao. Sau sự kiện này, Singapore mở rộng nguồn nhập khẩu cát từ các nước Campuchia, VN, Trung Quốc...

Global Witness ước tính trong hai năm qua, xuất khẩu cát từ tỉnh Koh Kong miền nam Campuchia sang Singapore đạt 8,6 triệu USD/năm. Giá cát tại Koh Kong khoảng 11 USD/tấn, nhưng khi sang Singapore giá đội lên 45 USD/tấn.

Đến ngày 8-5-2009, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh cấm xuất khẩu cát.

Tin bài liên quan:

Kiểm tra việc “cát ầm ầm xuất ngoại”ĐBSCL: cát ầm ầm xuất ngoại Khai thác cát lậu trên sông Thị Tính Thanh Hóa: đê tả sông Chu bị sạt lở nghiêm trọng Khai thác trái phép hàng chục ngàn mét khối cát trắng ĐBSCL: cát xây dựng thiếu trầm trọng Cái giá của xuất khẩu cát

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên