02/10/2006 06:12 GMT+7

Không nên cứ thấy mệt là "vô nước biển"

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Hiện nay, ở không ít bệnh viện, mỗi khi bệnh nhân vào điều trị, dù chưa thật sự cần thiết nhưng bác sĩ vẫn chỉ định cho bệnh nhân truyền dịch. Còn ở nhiều phòng mạch tư, bệnh nhân có yêu cầu hay không, bác sĩ cũng “cắm” cho một chai dịch truyền.

PjSa0Ow4.jpgPhóng to
Những trường hợp cần thiết mới truyền dịch tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: L.TH.H.
TT - Hiện nay, ở không ít bệnh viện, mỗi khi bệnh nhân vào điều trị, dù chưa thật sự cần thiết nhưng bác sĩ vẫn chỉ định cho bệnh nhân truyền dịch. Còn ở nhiều phòng mạch tư, bệnh nhân có yêu cầu hay không, bác sĩ cũng “cắm” cho một chai dịch truyền.

Tử vong vì truyền dịch?

Sáng 24-8, chị N.T.B.V. (30 tuổi, Tuy Phước, Bình Định) đến khoa sản Bệnh viện (BV) Đa khoa Qui Nhơn chờ sinh. Sau khi khám, một nhân viên cho biết sức khỏe chị B.V. và thai nhi bình thường. Khoảng 20g cùng ngày, chị B.V. được một nhân viên khoa sản truyền một chai dịch truyền. Theo người nhà chị B.V., sau khi truyền dịch được vài phút, cơ thể chị co giật, miệng ói mửa, da tím tái dần... Gia đình vội gọi bác sĩ và chị B.V. được đưa vào phòng sinh. Khoảng 23g, BV thông báo chị B.V. và đứa con trong bụng đã tử vong.

Lãnh đạo BV Đa khoa Qui Nhơn cho rằng có thể mẹ con chị B.V. chết do trụy tim mạch. Trong khi đó, người nhà chị khẳng định lâu nay chị chưa bị một căn bệnh nặng nào, kể cả bệnh tim. Thời gian mang thai, chị đã ba lần đến BV này khám thai, siêu âm và lần nào nhân viên y tế cũng kết luận sức khỏe chị và thai nhi bình thường.

Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái - trưởng khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy - cho biết hiện nay nhiều người dân có thói quen không đúng là hễ thấy mệt trong người, ăn uống kém ngon thì đến phòng mạch xin bác sĩ cho truyền một chai nước biển. Truyền xong, nhiều người cảm thấy trong người khỏe ra! Tuy nhiên, theo bác sĩ Quỳnh Ái, thật ra việc thấy “khỏe ra” chỉ mang tính chất tâm lý trị liệu. Chính vì tâm lý này mà một số thầy thuốc đã tranh thủ khai thác. Bởi dung dịch truyền cho bệnh nhân ở phòng mạch tư thường là dung dịch đẳng trương, trong đó chủ yếu là nước, muối và đường. Nếu bệnh nhân được truyền dung dịch đạm, tuy có nhiều axit amin nhưng hàm lượng không bao nhiêu nên cũng không có ý nghĩa điều trị, không giúp làm cho người khỏe ra, ăn ngon hơn.

Chỉ truyền khi thật sự cần thiết

Bác sĩ Quỳnh Ái cho biết dịch truyền (dân gian gọi là nước biển) có nhiều loại khác nhau, như dung dịch đẳng trương, nhược trương và ưu trương. Thông thường, dung dịch đẳng trương được sử dụng để truyền cho bệnh nhân. Còn nhược trương và ưu trương chỉ có chỉ định truyền cho những trường hợp đặc biệt.

Trong dung dịch đẳng trương cũng có nhiều loại, gồm dung dịch tinh thể với thành phần chủ yếu là nước và một số chất tinh thể như đường, muối, các chất điện giải; dung dịch keo: chuyển tải các axit amin, một số chất đạm, chất cao phân tử cho cơ thể.

Mục đích của truyền dịch là để bù đắp những cái mà cơ thể đang thiếu như nước, chất điện giải, năng lượng, thậm chí cả thiếu máu do bị mất máu quá nhiều...

Việc truyền dịch chỉ có giá trị trước mắt để bù đắp thể tích tuần hoàn và chỉ truyền khi thật sự cần thiết như bệnh nhân bị chấn thương, mất máu nặng hoặc bị rối loạn điện giải nghiêm trọng do bệnh lý nào đó. Ngay cả trường hợp tiêu chảy cấp, thông thường người ta vẫn chỉ sử dụng oresol pha nước uống để điều trị.

Khi truyền dịch, bệnh nhân có thể có một số phản ứng thông thường như khó chịu trong người, hơi sốt, nôn ói, mặt đỏ, đỏ bừng người, hạ huyết áp, nhưng hiếm khi tử vong. Đáng sợ nhất và dễ dẫn đến tử vong nhất là bệnh nhân bị sốc phản vệ. Sốc phản vệ là phản ứng của cơ thể đối với một protein (chất đạm) lạ được đưa vào cơ thể, và thường xảy ra ở nhóm dịch truyền có chất đạm. Với dung dịch tinh thể hiếm khi gây sốc phản vệ. Tỉ lệ sốc phản vệ khi truyền dịch dưới 1%. Khi xảy ra sốc phản vệ, bệnh nhân có biểu hiện ban đầu giống như phản ứng thông thường kể trên nhưng diễn tiến nặng rất nhanh. Sau đó, bệnh nhân có cảm giác lạnh run, tay chân lạnh nhưng nhiệt độ cơ thể lại tăng, khó thở, tím tái, mạch nhanh khó bắt, huyết áp tụt nhanh, tri giác lơ mơ và đi vào hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan... và tử vong.

Trong trường hợp bệnh nhân bị cao huyết áp, suy tim lại càng không nên tự đến phòng mạch tư truyền dịch, vì với những bệnh nhân có bệnh lý này cơ thể sẽ không tải nổi khối lượng tuần hoàn nên có thể bị biến chứng phù phổi cấp...

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên