23/01/2017 19:43 GMT+7

Không hợp lý nếu thành lập một đội tuyển cho 3 giải đấu

SĨ HUYÊN ghi
SĨ HUYÊN ghi

TTO - Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đưa ra quan điểm, nên thành lập những đội tuyển riêng cho 3 đấu trường khác nhau là vòng loại thứ ba AFC Asian Cup 2019, vòng loại U-23 châu Á và SEA Games 2017 tại Malaysia.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương đưa ra đề nghị sau một số nguồn tin nói, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đang dự định thành lập một đội tuyển với quân số hùng hậu để dự ba giải đấu là vòng loại thứ ba AFC Asian Cup 2019, vòng loại U-23 châu Á và SEA Games 2017.

Theo ông Xương đây là cách làm không khoa học, thậm chí phản tác dụng vì cầu thủ sẽ quá tải khi phải chơi quá nhiều giải đấu cho đội tuyển quốc gia và CLB trong năm 2017.

Ông Xương đã đưa ra những lý do bảo vệ quan điểm của mình.

Đội tuyển là bộ mặt của quốc gia

Thành tích của đội tuyển quốc gia chính là bộ mặt về sự phát triển nền bóng đá của quốc gia đó với bè bạn trong khu vực, châu lục. Từ thành tích ấy, dựa theo các thông số chuyên môn đã được ấn định thì FIFA sẽ đưa ra bảng xếp hạng của đội tuyển theo từng tháng trong năm.

Nếu VFF vì lý do nào đó, chẳng hạn không đủ kinh phí, nên chỉ tập trung một đội tuyển với thành phần là cầu thủ dưới 23 tuổi dự các giải nói trên bằng ý đồ được cọ xát nhiều để giúp thế hệ cầu thủ trẻ trưởng thành thì đó là điều không nên. Đó không phải là cách làm của các LĐBĐ quốc gia trên toàn thế giới, đơn giản chỉ vì mỗi đội tuyển có nhiệm vụ khác nhau, trong đó đội tuyển quốc gia (Team A) luôn phải được thành lập thường trực và là ưu tiên số một, tiếp đến mới là tuyển U-23 (hay còn gọi là đội tuyển Olympic- Team B) rồi mới đến U-20 (hay U-19) để làm nhiệm vụ kế thừa, bổ sung cho hai đội tuyển A và B trong tương lai.

Nguyễn Quang Hải (19) được giới chuyên môn đánh giá sẽ thay thế xứng đáng vị trí của Phạm Thành Lương trong tương lai. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

 

Khép lại AFF Suzuki Cup 2016, một số cựu binh nói lời chia tay với đội tuyển, số khác có thể không được gọi vào đội tuyển do chuyên môn chưa đạt yêu cầu, nhưng bóng đá VN vẫn còn đó nhiều và rất nhiều cầu thủ đủ năng lực khoác áo tuyển VN dự vòng loại thứ ba Asian Cup 2019. Đó là: Mạc Hồng Quân, Văn Quyết, Minh Tuấn, Anh Đức, Ngọc Hải, Nguyên Mạnh, Tấn Tài, Tiến Thành, Thanh Trung, Đình Tùng, Văn Thắng…

Chưa kể nhiều tên tuổi khác đang chơi khá nổi bật sau 4 vòng đầu tiên của V-League 2017. Nếu như HLV trưởng Hữu Thắng cùng Phòng các đội tuyển quốc gia của VFF chia nhau theo dõi V-League thì sẽ sàng lọc ra được không ít hơn 30 tuyển thủ thừa sức chơi ở đội tuyển quốc gia. Nói nôm na là đội tuyển không thiếu nhân sự, vấn đề là cách chọn lựa và sử dụng như thế nào là hợp lý.

Tuổi nào, sân chơi nấy

SEA Games 2017 và vòng loại U-23 châu Á là hai mục tiêu hết sức quan trọng với bóng đá trẻ VN trong năm nay. Tuyển thủ trẻ phải trưởng thành qua các giải đấu trong lứa tuổi của mình rồi mới có thể thẳng tiến lên đội tuyển quốc gia. Không thể đốt giai đoạn, trừ nhân tố xuất sắc như Xuân Trường, Vũ Văn Thanh. Bởi lẽ năng lực của họ phải được thử thách và kiểm chứng chứ không thể được tuyển lên đội trên theo cảm tính.

Cách làm cảm tính là con dao hai lưỡi, cầu thủ sẽ bị khủng hoảng niềm tin và năng lực chuyên môn khi không được sử dụng hợp lý, minh chứng là cách sử dụng nhân sự ở AFF Suzuki Cup 2016.

Đội tuyển quốc gia không thiếu nhân tài. Đội tuyển U-23 cũng có không ít tài năng đầy triển vọng, thừa sức tham dự SEA Games và vòng loại U-23 châu Á. Những tài năng trẻ ấy đang đóng vai trò trụ cột tại các CLB chuyên nghiệp tại V-League 2017 trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai, Than Quảng Ninh, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Hà Nội…như A Mít, A Hoàng, Quang Hải, Thanh Hậu, Tuấn Anh, Văn Sơn, Văn Toàn, Công Phượng, Phi Sơn…

Đó là chưa kể một loạt các tài năng trẻ khác đã định hình được trong màu áo U-19 VN. Và nếu như lứa cầu thủ này chơi nổi bật tại World Cup U-20 thế giới vào tháng 5 tới tại Hàn Quốc thì họ xứng đáng được chọn vào đội tuyển U-22 (hoặc U-23) thi đấu ở SEA Games 2017. Đó là các ứng cử viên đầy triển vọng như Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng), Quang Hải (Hà Nội), Tiến Dụng (Than Quảng Ninh), Tiến Dũng (FLC Thanh Hóa), Trọng Hóa, Thanh Thịnh, Việt Anh (SHB Đà Nẵng), Minh Dĩ (Hà Nội), Bùi Tiến Dũng (Viettel), Tuấn Tài (Bình Định) hay Trần Thành (Huế)…

Ở góc độ chuyên môn thì 12 năm sau ngày Lê Huỳnh Đức giã từ đội tuyển VN, các CĐV đã thấy thấp thoáng bóng dáng của nhân vật có lối chơi rất giống Huỳnh Đức. Đó là Hà Đức Chinh qua lối chơi càn lướt, tốc độ, dứt điểm tốt cả hai chân dựa trên nền tảng sức bền thể lực cuồn cuộn.

Hà Đức Chinh (26) có dáng dấp và lối chơi như danh thủ Lê Huỳnh Đức ngày nào. Ảnh: THẮNG LÊ

 

Sự luyến tiếc cùa người hâm mộ khi Phạm Thành Lương chia tay tuyển VN nhanh chóng đi qua khi Nguyễn Quang Hải xuất hiện. Cả hai cùng có lối đi bóng lắt léo, hết sức khó chịu với cái chân trái rất kỹ thuật.

Tôi nhắc lại về chuyên môn và khả năng tiềm ẩn của nhiều gương mặt trẻ để nhấn mạnh lần nữa rằng cầu thủ trẻ cần phải được chơi để trưởng thành qua từng giải đấu phù hợp với lứa tuổi của mình trước khi trở thành trụ cột của đội tuyển quốc gia.

Do  vậy, các nhà quản lý và HLV đừng nên đốt giai đoạn bằng cách đưa các em ra thi thố tài năng ở các giải lớn, sân chơi mà năng lực thật sự của họ chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng của mọi người.

SĨ HUYÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên