18/05/2006 06:04 GMT+7

Không học ngày nào cũng tốt nghiệp THCS!

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Không đi học một ngày nhưng vẫn tốt nghiệp THCS! Không mở lớp, không dạy nhưng vẫn lĩnh tiền dạy phổ cập bỏ túi riêng... Chuyện thật mà ngỡ như đùa đó đã xảy ra ở xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân (An Giang).

zdrmXHOc.jpgPhóng to
Học bạ giả của những HS không đi học một ngày nào mà vẫn tốt nghiệp THCS! - Ảnh: Đ.V.
TT - Không đi học một ngày nhưng vẫn tốt nghiệp THCS! Không mở lớp, không dạy nhưng vẫn lĩnh tiền dạy phổ cập bỏ túi riêng... Chuyện thật mà ngỡ như đùa đó đã xảy ra ở xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân (An Giang).

Những lớp học... “siêu tốc”!

Tại xóm Kinh Xáng, chúng tôi được ban ấp đưa tới từng nhà số học sinh vừa tốt nghiệp (TN) phổ cập (PC) THCS. Khi chúng tôi đưa danh sách có tên hai anh em L.M.T. (1989, số PC 180), L.T.M.X. (1990, số PC 173) ra, cả gia đình khẳng định từ khi học xong lớp 5 con em họ không hề học bất kỳ một lớp nào.

Ông L.T.H., người cha, còn lớn tiếng: “Nếu không tin, mấy thầy đọc cho tụi nó viết thử một đoạn. Con tui mà viết được, đọc được... tui chịu chặt đầu!”. M.X. kể mùa nước năm rồi xã bắt đi học, trường cạnh nhà nên mỗi chiều em đều qua, nhưng giáo viên (GV) đến dạy chỉ có... một buổi. Hỏi bữa đó dạy gì, cô bé chân chất: “Chỉ hướng dẫn... cách đi thi. Thầy dặn cứ bình tĩnh vào phòng thi, sẽ có người đem bài giải vô cho chép, cứ chép y chang là đậu”.

Cả xóm liền xúm lại kể chuyện con em họ không đi học nhưng xã vẫn bắt đi thi TN cho bằng được, ngày thi xã huy động lực lượng gom tất cả đưa lên ghe chở ra Trường THCS Hiệp Xương. Ông T.V.B., cha em T.T.T. (số PC 226), bức xúc: “Con tôi chưa học hết lớp 5. Không dạy, không học mà thi cử cái gì, mấy ông xã liền hăm he đòi bắt nhốt ”. Còn T. cho biết: “Em bỏ trốn, thấy mấy bạn đang chở đất trên đồng bị vây bắt, hoảng quá nên đành đi theo”.

Từ danh sách lớp 9B5 vừa TN khóa thi ngày 29-10-2005, chúng tôi tìm đến nhà H.V.L. (1988, số PC 161), H.T.N. (1989, số 173), H.T.N.H. (1990, số 170)... ở ấp Hiệp Hưng là anh chị em ruột của nhau. Ai cũng bảo mình mới học hết lớp 5, không hề học PC ngày nào. Gia đình còn nói rằng từ cuối năm 2004 đến đầu 2006 N. đang học may tận Phú Bình, mãi gần tới đợt thi TN xã “đòi” quá mới chịu về. Ba anh em thi ở ba phòng khác nhau. “Phòng nào cũng phát cho xấp bài giải. Bởi không học nên nhiều bạn... chép không hết nhưng vẫn đậu!”, họ kể.

Theo qui định của bộ, một lớp PC phải phân phối chương trình trong 21 tuần. Do gấp rút hoàn thành PC nên An Giang tổ chức nhiều đợt thi TN trong năm và cho phép rút ngắn thời gian học của mỗi lớp PC xuống còn 8-10 tuần đối với lớp 6, 7; 10-14 tuần đối với lớp 8, 9. Và để số HS “không học một ngày nào” và “học... lắt nhắt” này được thi TN, Trường THCS Hiệp Xương đã làm học bạ giả, sổ đầu bài giả, sổ điểm giả với GV chủ nhiệm, GV bộ môn cũng giả nốt! Trong số học bạ chúng tôi “truy tìm” được, từ 20-12-2004 đến 3-9-2005 trường đã “hoàn tất” chương trình cho bốn lớp THCS!

Vì thành tích và... vì tiền?

Trước những tư liệu, bằng chứng chúng tôi đưa ra, ban giám hiệu Trường THCS Hiệp Xương đành thừa nhận sự thật. Ông Hà Minh Sử, hiệu phó, phụ trách công tác PC, cho biết việc dạy PC ở Hiệp Xương tổ chức thành hai đợt A và B. Do không huy động được HS nên ở đợt B, khối 6 không mở một lớp nào và năm lớp gồm 6B1, 6B2, 6B3, 6B4, 6B5 đều là lớp khống! Tuy không mở lớp, không dạy nhưng vẫn cho HS lên lớp 7.

Ở lớp 7, 8 thì... bữa dạy bữa không, HS cũng bữa đến bữa nghỉ và nhiều em không hề đến lớp. Tới lớp 9, các em chỉ học dăm hôm rồi đi thi. Ở đợt A, các lớp 6A1, 7A1, 8A1, 9A1 đều là lớp khống; còn các lớp khác việc dạy và học cũng... lai rai. “Trường làm học bạ giả, hồ sơ giả để hợp thức hóa”, ông nói.

Về việc đưa bài giải vào phòng thi, ông Sử than thở: “Dạy như vậy, học như vậy thì phải làm... như vậy thôi, chứ không còn cách nào khác!”. Ban giám hiệu cũng thừa nhận có chuyện xã cho công an gom HS đi thi, cho máy photocopy trực chiến để photo bài giải đưa vào! Nhưng tại hội đồng thi có thanh tra sở, thanh tra phòng, tại sao lại đưa được bài giải vào cho thí sinh? Ban giám hiệu phân bua: “Tất cả cũng chỉ vì chỉ tiêu phải hoàn thành PC THCS trong năm 2005 mà tỉnh, huyện giao cho...”.

Trong khi đó, mức khoán chi cho một HS ra lớp là 310.000 đồng. Không mở lớp, không dạy hoặc dạy... lai rai nhưng tiền vẫn quyết toán. Đến nay, đợt A đã thanh toán tổng số tiền gần 95 triệu đồng. Đợt B mới chi ở khối 6: 44,8 triệu đồng, khối 7: 48,29 triệu đồng; còn khối 8 (163 HS), khối 9 (148 HS) với tổng số tiền 96,3 triệu đồng chưa quyết toán.

Từ đơn thư tố cáo, thanh tra đã vào cuộc và phát hiện trường đã mở sáu lớp khống để chiếm dụng số tiền 50,143 triệu đồng. Mọi chuyện vỡ lở, ban giám hiệu đề nghị kỷ luật 15 GV, trong đó có ông Sử và buộc trả lại số tiền trên. Tuy nhiên dư luận ở địa phương dường như chưa muốn dừng lại ở đó. Nhiều người bức xúc: việc mở lớp khống là chủ trương của ngành, của địa phương, GV không thể không thực hiện theo. Tại sao giờ đây mọi trách nhiệm lại đổ lên đầu GV?

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên