20/12/2017 09:00 GMT+7

Không hoàn thành chiến lược bóng đá đến 2020: Ai chịu trách nhiệm?

KHươNG XUâN
KHươNG XUâN

TT - “Tôi chưa thỏa mãn” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói như vậy tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Hà Nội vào sáng 19-12.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NAM KHÁNH

Hiện 9 dự án trọng điểm để thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020 gần như chưa làm được gì. Ai làm, ai là người phải chịu trách nhiệm khi các mục tiêu, dự án này không hoàn thành mà khả năng không hoàn thành là rất cao?

Báo cáo “chung chung”, chưa sát chiến lược

Ông Lê Khánh Hải - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - được giao đọc báo cáo kết quả 4 năm thực hiện chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Điều gây ngạc nhiên là mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn 2012-2020 của chiến lược là giành 1-2 HCV SEA Games hoặc AFF Cup lại không hề được Bộ VH-TT&DL đả động đến; không nhắc đến việc vì sao không thực hiện được, nguyên nhân và ai là người phải chịu trách nhiệm về việc mục tiêu quan trọng nhất bị chậm và gần như chắc chắn sẽ không thể hoàn thành được.

Trong khi đó, để thực hiện các mục tiêu mà chiến lược đề ra, Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020 chỉ rõ phải thực hiện 9 dự án trọng điểm gồm: quy hoạch phát triển bóng đá VN giai đoạn 2020-2030 nhằm thực hiện mục tiêu top 10 châu Á của bóng đá nam; chương trình mục tiêu hướng đến Asiad 2019; đề án phát triển bóng đá chuyên nghiệp 2012-2020; dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho bóng đá VN đến 2020; đề án thí điểm đặt cược bóng đá; dự án xây dựng học viện bóng đá tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng; dự án trung tâm khoa học công nghệ - y học phục vụ huấn luyện bóng đá; cơ sở dữ liệu bóng đá quốc gia; đề án thành lập Quỹ phát triển bóng đá VN.

Cho đến thời điểm này, chương trình mục tiêu hướng đến Asiad 2019 đã được loại bỏ vì VN không đăng cai Asiad. Dự án thí điểm đặt cược bóng đá được Bộ Tài chính xây dựng và Chính phủ đã thông qua. Các dự án còn lại đều vận hành một cách ì ạch, nhiều dự án giẫm chân tại chỗ không biết ai làm, ai chịu trách nhiệm. Ông Phạm Ngọc Viễn - trưởng ban chiến lược VFF - cho biết đến thời điểm này sau 4 năm triển khai nhưng ông không thấy Bộ VH-TT&DL thành lập ban tổ chức thực hiện chiến lược.

Từ đầu hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ VH-TT&DL tránh báo cáo theo kiểu lễ nghi, chung chung mà phải đi thẳng vào 9 dự án đã làm được đến đâu rồi, cái gì chưa làm được. Ông Đam nói: “Bộ VH-TT&DL kiến nghị chính sách với Chính phủ phải cụ thể chứ không thể báo cáo chung chung được. 9 dự án trọng điểm đã làm được đến đâu phải giải trình. Cái gì thuộc trách nhiệm của tôi chưa làm được, tôi nhận trách nhiệm, cái gì của bộ, của VFF thì các nơi phải nhận trách nhiệm”. Thế nhưng kết thúc hội nghị, dường như không có mục tiêu, đề án nào được đưa ra mổ xẻ thực sự về việc thực hiện nó đến đâu và trách nhiệm của ai.

Có tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng?

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng công bằng mà nói, bóng đá VN đã có bước phát triển trong thời gian qua, dù vậy cũng phải chỉ rõ những tiêu cực, tồn tại hiện hữu.

Ông Đam nói: “Có tình trạng nhiều CLB sở hữu trực tiếp, gián tiếp của một người không? Có tình trạng CLB vỗ vai nhau nhường điểm không? Trong công tác trọng tài, tôi rất thông cảm với anh Nguyễn Văn Mùi trưởng ban trọng tài. Nhiều trọng tài VN ra nước ngoài bắt tốt nhưng sao ở trong nước lại như vậy? Khi có vấn đề về trọng tài trong trận đấu thì không thể đổ lỗi cho người khác mà chắc chắn trọng tài phải nhìn lại bản thân vì mình cũng là một phần trong đó”.

Liên quan đến Chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020, ông Đam cho rằng chiến lược được xây dựng bài bản nhưng cần xem cái gì cần điều chỉnh thì điều chỉnh, còn lại phải kiên quyết thực hiện. “Dứt khoát bóng đá phải không tiêu cực. Vì sao người dân không đến sân? Bóng đá mà không có người dân tham gia thì cũng không có nguồn lực phát triển. Nếu ta làm đúng, người dân đến sẽ có tiền cho bóng đá. Nói giáo dục thì nói chứ khi lương cầu thủ có hơn 2 triệu đồng/tháng thì rất khó. Còn cách làm chưa tốt là do lỗi của chúng ta, trong đó có Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, VFF, truyền thông” - ông Đam nói.

VFF thu mỗi năm 110 tỉ đồng

Theo báo cáo của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), mỗi năm VFF thu được 110 tỉ đồng từ công tác vận động tài trợ, đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu chi tiêu.

Mỗi năm ngân sách nhà nước chi 20 tỉ đồng cho tất cả hoạt động của các đội tuyển quốc gia và đào tạo trẻ. Chỉ tính riêng năm 2016, VFF đã chi gần 100 tỉ đồng cho các hoạt động của bóng đá, trong đó chi khoảng 50 tỉ đồng cho các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia, 5 tỉ đồng cho việc thuê chuyên gia nước ngoài, 35 tỉ đồng chi tổ chức các giải. Ngoài các khoản thu từ tài trợ, ngân sách nhà nước, mỗi năm VFF cũng được FIFA hỗ trợ khoảng 500.000 USD.

Trọng tài VN chịu quá nhiều sức ép

Ông Nguyễn Văn Mùi, trưởng ban trọng tài VFF, đã có những phân tích rất sâu về việc đào tạo, áp lực của trọng tài VN hiện nay.

Ông Mùi cho rằng trọng tài VN không tệ nhưng họ phải chịu quá nhiều sức ép khi làm nhiệm vụ, thậm chí cả những nguy hiểm. Sự phản ứng thiếu văn hóa của cầu thủ, lãnh đạo CLB và sự nghi ngờ đôi khi thiếu căn cứ của những người làm bóng đá khiến trọng tài càng khó để hoàn thành nhiệm vụ. Vì nghi ngờ trọng tài nội nên nhiều trận quyết định tại V-League phải thuê trọng tài ngoại đến bắt dù trình độ của các trọng tài ngoại không hơn trọng tài nội. Do vậy, theo ông Mùi, đã tham gia sân chơi bóng đá thì không nên nghi ngờ trọng tài.

“Hôm nay tôi chưa thỏa mãn. Tôi muốn có cuộc đối thoại, muốn có một ai đó đứng ra tập hợp kiến nghị, thắc mắc của người hâm mộ, chuyên gia bóng đá để gửi lên. Sau đó tôi sẽ bố trí người trả lời

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

 
KHươNG XUâN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên