Các bạn khiếm thính đến từ Trường Khuyết tật thính giác Hi Vọng 1 với bài múa Đảo xa. Họ đang lắng nghe âm thanh cuộc sống bằng trái tim chứ không phải đôi tai - Ảnh: K.Anh |
Đó là Nguyễn Ngọc Hiệp, khiếm thị, là vận động viên điền kinh môn nhảy xa quốc gia (dành cho người khuyết tật), sở hữu nhiều huy chương của các giải đấu trong và ngoài nước, cũng là sinh viên năm thứ ba khoa tâm lý giáo dục Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
“Đối với mình thì không gì là không thể, vấn đề xuất phát từ bản thân có muốn vượt qua để làm được điều mình mong muốn không. Nhiều ngày phải tập luyện liên tục tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tận Thủ Đức, nhưng sáng sớm hôm sau mình đã phải đi gần 30km để vào Trường đại học Sư phạm. Chưa kể những lần phải đi tập huấn các tỉnh xa, mình phải bảo lưu việc học để khi trở về lại tiếp tục nên cái khó khăn lớn không còn là đôi mắt mà là không gian và thời gian” - Hiệp nói.
Câu chuyện của Trần Phan Thanh Hải, lớp 9 Trường THCS Kiến Thiết (Q.3), mê sáng tạo đọng lại nơi những người dự khán một niềm đam mê khoa học vượt qua nỗi đau thể xác của Hải.
Nhìn Hải nhỏ thó ngồi trên chiếc xe lăn, thân hình vặn vẹo vì di chứng căn bệnh vẹo cột sống, đôi chân bị liệt, đôi tay yếu ớt nhưng khi Hải nói về ước mơ dung dị của mình đã khiến người nghe phải rưng rưng.
Sản phẩm “Mở cửa thông minh” đoạt giải khuyến khích hội thi Sáng tạo toàn quốc lần 11 của Hải không chỉ là sản phẩm khoa học mà còn khởi nguồn từ câu chuyện của tình mẫu tử.
“Nhiều năm liền mẹ phải cõng em trên lưng đi lên xuống cầu thang của chung cư. Mẹ em đã lớn tuổi, mỗi lần cõng em đi học về nhà, lưng mẹ đầm đìa mồ hôi. Lúc mệt thì phải vừa giữ em trên lưng, vừa lách cách mở khóa cửa, em chỉ mong lúc ấy bấm một cái nút từ điện thoại, cánh cửa sẽ mở ra. Vậy là em tính dùng số tiền thưởng của mình làm cửa theo cách này nhưng mẹ nói để dành cho em ăn học nên đó vẫn chỉ là mô hình và ước mong của em” - Hải bộc bạch.
Ở góc độ một người làm giáo dục chuyên biệt, chị Dương Phương Hạnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED), khiến mọi người ngỡ ngàng vì khi chị giao lưu, ít ai biết chị lại là người mất thính lực từ khi còn rất nhỏ. Chị “nghe” bằng cách nhìn vào miệng của người dẫn chương trình và trả lời chính xác các câu hỏi.
Chị Hạnh chia sẻ: “Tôi mong có nhiều cơ hội hơn cho người khuyết tật để họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên với người khuyết tật, chúng tôi biết là có nhiều khó khăn, bất lợi nhưng chúng ta hãy biến cái bất lợi thành thuận lợi. Vấn đề là chính bản thân chúng ta, mọi việc thay đổi khi chúng ta thay đổi”.
2. Những câu chuyện như trên tiếp thêm nhiều nghị lực sống không chỉ cho những người đồng cảnh mà còn là động lực với nhiều bạn trẻ. Bạn Huỳnh Thị Phương Khanh (Q.4) có mặt tại chương trình chia sẻ: “Nghe câu chuyện của các bạn giao lưu và xem những tiết mục văn nghệ của các bạn khuyết tật, tôi thấy mình hạnh phúc hơn nhiều lần và sẽ không còn thấy những khó khăn của mình là gì so với sự nỗ lực của các bạn ấy”.
Đúng như vậy, nếu sự nỗ lực của người bình thường chỉ là một thì với người khuyết tật họ phải nỗ lực gấp nhiều lần nhưng ở họ là cả sự lạc quan và ăm ắp niềm tin. Dù không nghe được nhưng các bạn khiếm thính Trường Khuyết tật thính giác Hi Vọng 1 lại múa bài Đảo xa trong trang phục người lính hải quân rất nhịp nhàng với nền nhạc.
Nhìn các bạn tươi cười, khó có thể tin rằng họ đang lắng nghe âm thanh cuộc sống bằng trái tim chứ không phải đôi tai. Những bạn trẻ khiếm thị đến từ mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa khiến mọi người xúc động qua lời bài hát Mặt trời màu đen. “Một lần được thấy ánh mặt trời, chỉ xin được nhìn trọn vẹn một ngày thế thôi. Một lần được thấy mẹ tôi cười, một lần nhìn thấy chính khuôn mặt tôi...”.
Lời bài hát nghe rưng rưng, chợt thấy cuộc sống còn nhiều điều tươi đẹp để đi tới và hướng về phía trước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận